Công nhận phố "mạng xã hội" đầu tiên

Phố "mạng xã hội" đầu tiên được công nhận ở Italy

Thành phố Bologna, miền bắc Italy, trở thành phố đầu tiên ở nước này áp dụng những phương thức giao tiếp trên mạng xã hội vào đời thực.
Những cư dân sống tại phố Fondazza. (Nguồn: oggi.it)

Một phố "mạng xã hội" theo đúng nghĩa đen đã chính được chính quyền công nhận ở thành phố Bologna, miền bắc Italy, trở thành phố đầu tiên ở nước này áp dụng những phương thức giao tiếp trên mạng xã hội vào đời thực.

Ý tưởng phố mạng xã hội được một trang Facebook của những cư dân sống ở phố Fondazza, thành phố Bologna, đưa ra cách đây hai tháng.

Mục đích của trang này là thông qua Facebook để khuyến khích những người sống cùng khu phố trực tiếp thực hiện những quan hệ xã hội với nhau, trao đổi thông tin, giúp đỡ nhau, cùng thực hiện những dự án xã hội, từ đó hưởng lợi nhiều hơn từ mạng xã hội.

Người lập trang Facebook này, Federico Bastiani, cũng là một người sống trên phố Fondezza, trung tâm Bologna. Anh nhận thấy mình không hề biết gì nhiều về những người sống cùng khu phố dù đã sống ở đây khá lâu, do mọi người ở đây ít giao tiếp với nhau.

Chính vì thế, anh Bastiani quyết định mở một nhóm trên Facebook và in các tờ rơi phát trên phố này để những ai không có điều kiện vào Internet biết đến dự án xã hội của mình.

Theo báo chí Italy, dự án này thành công ngay tức khắc. Mọi người bắt đầu quan tâm đến nhau và giúp đỡ nhau nhiều hơn. Có người nhận đưa các cụ già đi mua sắm ở siêu thị, người sẵn sàng dạy miễn phí cho các học sinh trung học, người quản lý rạp chiếu phim thực hiện giảm giá vé cho người cùng phố.

Tuần trước, họ tổ chức bữa ăn tối đầu tiên cùng nhau sau những lời mời trên Facebook, các hộ gia đình ở nhà số 9 phố Fondezza mời các hộ ở nhà số 87.

Nhóm của Bastiani hiện giờ đã có 250 thành viên và thành công của dự án này đang mở ra một hướng mới cho nhiều phố ở Bologna và các thành phố khác ở Italy cũng muốn thử nghiệm.

Tờ La Repubblica nhận xét, ngày trước, không cần có các mạng xã hội, người Italy bản chất đã rất cởi mở và thoải mái với nhau. Nhưng khi cuộc sống ngày càng trở nên hiện đại, càng nhiều sức ép, chủ nghĩa tiêu thụ phát triển và các mạng xã hội thay thế giao tiếp ngoài đời thực, thì người Italy cũng ít quan tâm đến nhau hơn. May thay, bây giờ, cũng lại phải nhờ đến mạng xã hội, mà họ trở lại quan tâm đến nhau ngoài đời thực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục