Ngày 9/12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình có buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Nho Quan sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình thông tin tới cử tri kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Kỳ họp hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình theo kế hoạch đề ra.
Cử tri huyện Nho Quan nói riêng, tỉnh Ninh Bình nói chung đánh giá cao kết quả kỳ họp, đồng thời nêu nhiều vấn đề. Cử tri đặc biệt quan tâm, đánh giá cao việc thực hiện và tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, cử tri huyện Nho Quan đề nghị Trung ương triển khai kế hoạch, giải pháp sắp xếp tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị quyết liệt, đồng bộ, tổng thể, đưa mô hình tổ chức bộ máy chính trị từ Trung ương đến địa phương sớm ổn định để cử tri, nhân dân yên tâm lao động, sản xuất.
Cử tri đề nghị Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Ninh Bình để các cấp triển khai thực hiện. Các cấp, ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ các xã sau sáp nhập về kinh phí, cơ sở vật chất như phòng họp, phòng làm việc, bộ phận một cửa, trang thiết bị làm việc, kho lưu trữ và kinh phí hỗ trợ.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cảm ơn và ghi nhận ý kiến xác đáng, trách nhiệm của cử tri đồng thời đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Ninh Bình có nhiều khởi sắc, trong đó có huyện Nho Quan; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Liên quan đến cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là đòi hỏi tất yếu khách quan của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc tinh gọn lần này với tinh thần đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, từ đó, tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp.
Theo lộ trình sẽ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025, Ninh Bình sẽ nhập nguyên trạng huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư; 43 đơn vị hành chính cấp xã nằm trong diện phải sắp xếp, có liên quan.
Với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng, tỉnh không chờ huyện, huyện không chờ cơ sở," Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Ninh Bình cần thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy với quyết tâm cao nhất. Cùng với đó, tỉnh tập trung rà soát quy định, xử lý ngay khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Ninh Bình cần phát huy mọi nguồn lực của địa phương, nhất là khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội.
Theo một số cử tri, trên thực tế, việc tuyển dụng nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm từ cơ sở giáo dục về làm tại cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo đang gặp khó khăn. Bởi lẽ, nhà giáo khi trở thành công chức làm việc tại cơ quan quản lý giáo dục sẽ không còn được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên. Vì vậy, rất khó để chuyển nhà giáo thành công chức về công tác tại cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương. Nguy cơ thiếu hụt xảy ra khi công chức tại cơ quan quản lý giáo dục được điều động, bố trí sắp xếp hoặc nghỉ hưu.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết tại Kỳ họp thứ 8, dự án Luật Nhà giáo đã được Quốc hội đưa ra thảo luận lần đầu, nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Dự thảo luật thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò đội ngũ nhà giáo; khắc phục tình trạng có nhiều văn bản về nhà giáo nhưng chồng chéo, thiếu đồng bộ; kiến tạo các chính sách đột phá phát triển đội ngũ nhà giáo...
Các ý kiến cử tri sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tổng hợp theo nhóm vấn đề trình Quốc hội và các cơ quan Trung ương trong kỳ họp sắp tới./.
Phân cấp, phân quyền tốt giúp tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy
Nhiều câu chuyện vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước, những bất cập trong việc phân cấp, phân quyền cho thấy cần phải đẩy mạnh cơ chế phân cấp, phân quyền, đi liền với đó là kiểm soát quyền lực.