Phó Chủ tịch Quốc hội: Chăm lo cho doanh nghiệp đã đủ độ chưa?

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đặt câu hỏi, doanh nghiệp trong nước mà chúng ta hoạch định chính sách chăm lo “đã đủ độ chưa” so với những ưu đãi với doanh nghiệp FDI
Phó Chủ tịch Quốc hội: Chăm lo cho doanh nghiệp đã đủ độ chưa? ảnh 1Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại phiên thảo luận tổ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Mặc dù tăng trưởng kinh tế, trong thời gian qua ở mức khá cao nhưng nhìn một cách tổng thế vẫn còn nhiều yếu tố chưa bền vững. Đáng chú ý, một số chính sách ưu đãi với doanh nghiệp trong nước còn chưa đủ mạnh nên chưa tạo ra sức bật để đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. 

Đây cũng là những nét đáng lưu ý được các đại biểu quốc hội đưa ra trong phiên thảo luận tổ, diễn ra sáng nay (22/5), tại Hà Nội.

''Trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách năm 2016]

Nhiều mặt hàng nông sản chưa tham gia vào chuỗi

Đi sâu phân tích, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, việc tăng trưởng đang phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Nổi bật nhất, chính là tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp FDI vào tăng trưởng công nghiệp, đặc biệt trong công nghiệp chế biến chế tạo. Con số cụ thể hơn, trong cơ cấu xuất khẩu, khối FDI chiếm 72% năm 2017, cao hơn mức 70% của năm 2016.

"Điều này cho thấy sự phụ thuộc của nền kinh tế của chúng ta vào sự vận hành và vai trò doanh nghiệp FDI là rất lớn. Như vậy sự bền vững và ổn định là chưa cao," Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng nói thêm, mặc dù thị trường có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD đã lên con số 29, song sản phẩm xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI, thậm chí có những ngành như điện thoại thông minh chiếm 99,7%, còn xuất khẩu máy tính cũng chiếm tới 92%...

Trong khi đó, các mặt hàng khác như nông sản và các sản phẩm qua chế biến đã đạt được sự tăng trưởng về năng lực sản xuất và xuất khẩu, nhưng nhiều sản phẩm nông sản chưa thực sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, theo Bộ trưởng, việc phát triển triển thương hiệu, thị trường cần sự vào cuộc từ nhiều phía để đảm bảo yếu tố tăng trưởng bền vững.

Đồng thuận với những kết quả nổi bật của nền kinh tế trong thời gian qua, đại biểu Dương Quốc Anh (đoàn Gia Lai) cũng nhấn mạnh đến việc thay đổi tích cực trong cả ba lĩnh vực của nền kinh tế.

Theo đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong năm 2017 tăng trưởng toàn ngành đạt 2,9% (cao hơn mức tăng 1,36% năm 2016), đóng góp 0,44 điểm phần trăm tăng trưởng GDP. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,85%, cao hơn năm 2016, đóng góp 2,23 điểm phần trăm tăng trưởng GDP và Khu vực dịch vụ đạt 7,44%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây, đóng góp 2,87 điểm phần trăm tăng trưởng GDP.

Tuy vậy, đại biểu Dương Quốc Anh cũng băn khoăn khi cho rằng, việc xuất siêu vẫn chủ yếu do khối doanh nghiệp FDI, trong khi khu vực 100% vốn trong nước tiếp tục nhập siêu ở mức khá lớn.

Phó Chủ tịch Quốc hội: Chăm lo cho doanh nghiệp đã đủ độ chưa? ảnh 2Phiên thảo luận tổ về kinh tế, xã hội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ưu đãi thuế còn rào cản

Ở một khía cạnh khác, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (đoàn Ninh Bình), việc ưu đãi cho doanh nghiệp cũng tác động tới việc thu thuế của Nhà nước.

Dẫn chứng thêm, đại biểu này cho rằng, thực tế thu thuế doanh nghiệp chỉ được khoảng 15% (không được 20% như thuế suất phổ thông).

Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng lưu ý khi ưu đãi thuế nhiều nhưng đối tượng được ưu đãi phần nhiều là nhà đầu tư nước ngoài, dự án lớn. Do vậy, theo Bộ trưởng, những chính sách này cần phải xem xét, đánh giá lại vì ưu đãi đang chắp vá, có rào cản, chưa tạo điều kiện thực sự cho doanh nghiệp trong nước.

Đưa ra ý kiến tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng (đoàn Sơn La) cũng “đau đáu” tự hỏi, "doanh nghiệp trong nước mà chúng ta hoạch định chính sách chăm lo “đã đủ độ chưa” so với những ưu đãi, thái độ cởi mở về thuế, đất đai… với doanh nghiệp nước ngoài?"

Đặt ra câu hỏi này, theo Phó Chủ tịch Quốc hội là để các cơ quan nhà nước có thể tìm ra hướng đi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước vươn lên ngang tầm với doanh nghiệp nước ngoài hoặc có thể "bắt tay" cùng chia sẻ cơ hội hợp tác, kinh doanh nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy.

Giải đáp thêm những vấn đề liên quan đến lĩnh vực của ngành công thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh hơn đến câu chuyện phát triển thị trường, cụ thể là việc Việt Nam đang ký kết và hướng tới 2 hiệp định thương mại tự do gồm: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Theo Bộ trưởng, đây là 2 khu vực thị trường rất quan trọng xét về tính chất cơ cấu kinh tế cũng như kim ngạch thương mại hai chiều và hơn nữa là những thị trường ổn định bền vững.

Dù vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, chất lượng sản phẩm gắn với thương hiệu là yếu tố sống còn, nhất là yêu cầu ngày càng cao của thị trường nhập khẩu.

“Chúng tôi không phủ nhận vai trò và trách nhiệm của Bộ Công Thương nhưng cần nhìn nhận một cách lớn hơn và rộng hơn, trong đó, nhấn mạnh đến vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc đẩy nhanh hơn nữa kiểm soát sản xuất, chất lượng sản phẩm, đây là yếu tố then chốt,” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục