Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng dự Đại hội Đảng tỉnh Quảng Ngãi lần XX

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý Quảng Ngãi cần nghiên cứu đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao.
Bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu chỉ đạo đại hội. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Sáng 21/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã khai mạc với chủ đề: “Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống anh hùng, sức mạnh đoàn kết; đổi mới sáng tạo; bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị-xã hội; phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2025, trở thành tỉnh phát triển khá của miền Trung.”

Bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dự và chỉ đạo Đại hội.

Dự Đại hội còn có nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cùng 346 đại biểu chính thức đại diện cho 54.080 đảng viên toàn Đảng bộ tham dự.

Báo cáo chính trị tại Đại hội nêu rõ trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã đoàn kết lãnh đạo quân và nhân dân Quảng Ngãi nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đạt một số kết quả quan trọng.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2020 ước đạt 55.579 tỷ đồng. GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 4,83%/năm; nếu không tính sản phẩm lọc dầu thì tăng bình quân 8,5%/năm.

Công nghiệp đã đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế. Tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp (GOCN) 5 năm qua ước đạt 584.106 tỷ đồng, chiếm 70% tổng giá trị sản xuất của toàn tỉnh (829.150,12 tỷ đồng).

Năm 2020, GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.791 USD, gấp 1,21 lần so với năm 2015.

[Khai mạc Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII]

Hạ tầng kinh tế-xã hội có bước phát triển khá. Trong 5 năm, khoảng 1.240 dự án, công trình đã được đầu tư, xây dựng. Một số dự án lớn đề ra trong Nghị quyết XIX và các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy đến nay cơ bản đã được đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Đến nay, 98,3% đường tỉnh, 77,2% đường huyện, 68,2% đường xã, 41,6% đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, cứng hóa; 100% xã phủ lưới điện quốc gia.

Môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư từng bước được cải thiện, có mặt chuyển biến tích cực. Tỉnh đã thu hút hơn 780 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 320.401 tỷ đồng (13,35 tỷ USD) và 64 dự án đầu tư FDI có tổng vốn đăng ký 1,954 tỷ USD.

Đoàn Chủ tịch đại hội. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời; xây dựng và phát triển văn hóa, con người được chú trọng. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên; sự nghiệp y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển. Công tác nội chính, đối ngoại được tăng cường; cải cách hành chính đạt một số kết quả. Quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Ngãi đề ra mục tiêu: giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gắn với bền vững môi trường; giảm phụ thuộc sự tăng trưởng kinh tế vào sản phẩm lọc hóa dầu... đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những địa phương phát triển mạnh kinh tế biển đảo.

Tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp-xây dựng bình quân từ 7-8%/năm; trong đó, công nghiệp tăng bình quân từ 8-9%/năm. Đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp-xây dựng trong GRDP chiếm khoảng 40-41%.

Bên cạnh đó, Quảng Ngãi phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp Quảng Ngãi thu hút khoảng 1-1,5 tỷ USD.

Đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 950 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 77.000 lao động; tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân từ 4-5%/năm, tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong GRDP chiếm 16-17%. Tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ bình quân từ 8-9%/năm, đến năm 2025 tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm trong GRDP khoảng 29-30%.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, cùng với việc thực hiện toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển mọi mặt, Quảng Ngãi sẽ tập trung tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 4 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng kinh tế.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Đảng bộ Quảng Ngãi đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng, đây là nhiệm vụ then chốt cần được triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, liên tục.

Do vậy, Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ngãi thật sự trong sạch, vững mạnh, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp có đủ trình độ, phẩm chất, năng lực, uy tín và ngang tầm nhiệm vụ, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu và các đồng chí Tỉnh ủy viên.

Các cấp ủy Đảng cần giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện có hiệu quả quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; quan tâm hơn nữa đến công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.

Đảng bộ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng lắng nghe, tiếp thu và phát huy sức mạnh của nhân dân trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, đặc biệt là đối với chính quyền.

Đảng bộ quan tâm xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân, tận tụy, liêm chính, hành động; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ thực thi công vụ có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác tốt, tính chuyên nghiệp cao.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cải cách và hiện đại hóa nền hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành và cung cấp các dịch vụ công của chính quyền các cấp.

Theo bà Tòng Thị Phóng, đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền, tiết giảm tối đa thời gian, chi phí của tổ chức, cá nhân liên quan đến các hoạt động quản lý hành chính.

Thời gian tới, Quảng Ngãi khẩn trương rà soát, bổ sung hoàn thành Quy hoạch, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, làm cơ sở phân bố không gian, định hướng phát triển, khai thác và sử dụng hiệu quả các tiềm năng, nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, hài hòa giữa các vùng trong tỉnh.

Tỉnh cần thúc đẩy liên kết vùng với các địa phương, nhất là các địa phương trong Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Vùng Tây Nguyên để phát huy lợi thế của tỉnh và huy động các nguồn lực cho đầu tư, phát triển.

Quảng Ngãi nghiên cứu đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ; tiếp tục tập trung phát triển công nghiệp bền vững hơn, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp sạch, có giá trị gia tăng cao.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, trước nhất là các dự án trọng điểm về giao thông, đô thị, công nghệ thông tin, có tính kết nối, có tác động lan tỏa lớn, hiệu quả kinh tế-xã hội cao để tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của những ngành, lĩnh vực mới trong giai đoạn Việt Nam đang chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Dự kiến, Đại hội sẽ diễn ra đến hết ngày 22/10./.

Bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu chỉ đạo đại hội. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)
Đoàn Chủ tịch đại hội. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)
Các đại biểu dự đại hội. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)
Quang cảnh đại hội. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục