Phó chủ tịch nước tham dự Hội nghị cấp cao về CICA

Về Biển Đông, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định Việt Nam thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Phó chủ tịch nước tham dự Hội nghị cấp cao về CICA ảnh 1Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam dự hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 21/5, tại Thượng Hải, Trung Quốc, đã diễn ra Hội nghị cấp cao lần thứ tư về Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA).

Tham dự Hội nghị có 12 nguyên thủ, một thủ tướng, một phó chủ tịch nước, 2 phó thủ tướng, nhiều bộ trưởng và đại diện của 26 nước thành viên, nhiều nước và tổ chức quốc tế là quan sát viên và khách mời của CICA. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.

Diễn ra trong bối cảnh châu Á đang phải đối mặt với những thách thức chung về an ninh và phát triển, Hội nghị lấy chủ đề “Tăng cường đối thoại, lòng tin và phối hợp hành động vì một châu Á hòa bình, ổn định và hợp tác.”

Phát biểu của các đoàn nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng môi trường hòa bình, ổn định thuận lợi cho phát triển chung, tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin ở khu vực; đề cao các quy chuẩn và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ trên biển.

Đại diện các đoàn cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải chống can thiệp, áp đặt, gây sức ép, sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; kêu gọi tăng cường nỗ lực bảo đảm an ninh chính trị, an ninh hàng hải, an ninh năng lượng, an ninh lương thực; tăng cường hợp tác, trao đổi về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giao lưu nhân dân; đồng thời thúc đẩy liên kết để phát huy lợi thế của các khu vực.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan kêu gọi các nước châu Á cùng nhau thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và hợp tác nhằm thực hiện nguyện vọng chung của nhân dân châu Á là hòa bình, ổn định và phát triển.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng sự thiếu vắng lòng tin là một trong những nguyên nhân chính của những bất ổn hiện nay ở Trung Đông-Bắc Phi, trong các tranh chấp chủ quyền, biển đảo tại khu vực....

Bà Nguyễn Thị Doan khẳng định có lòng tin mới có hòa bình, ổn định; có hòa bình, ổn định lâu dài mới có phát triển bền lâu; đồng thời, lòng tin cần được gây dựng qua các cam kết và hành động nhất quán của các nước, phù hợp với những chuẩn mực chung, đó là tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh CICA nêu rõ, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, các nước khẳng định tôn trọng chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiềm chế không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Trên cơ sở đó, Việt Nam mong muốn các bất đồng và tranh chấp hiện nay ở khu vực được giải quyết theo tinh thần trên.

Về vấn đề Biển Đông, Phó Chủ tịch nước khẳng định thiện chí của Việt Nam thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố phản ánh những quan điểm đồng thuận của tất cả các nước thành viên về các vấn đề mang tính nguyên tắc, các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, những hoạt động của CICA thời gian qua…

Cùng các thành viên khác của CICA, đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia đóng góp, xây dựng để Tuyên bố ghi nhận các nội dung quan trọng như mọi thành viên khẳng định cam kết đối với Hiến chương Liên hợp quốc, các quy chuẩn và nguyên tắc của luật pháp quốc tế; phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, các nước khẳng định tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiềm chế không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; khẳng định quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình….

Bên lề Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã chia sẻ với Trưởng đoàn Lào về tổn thất to lớn trong vụ tai nạn máy bay ở Lào vừa qua.

Trong cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Campuchia Hun Sen, hai bên đã trao đổi về các biện pháp tăng cường đoàn kết, đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất.

Trong các cuộc gặp với Tổng thống Sri Lanka và Phó Thủ tướng Qatar, lãnh đạo hai nước này bày tỏ mong muốn phát triển quan hệ toàn diện, hữu nghị với Việt Nam và mời Phó Chủ tịch nước sang thăm.

Đoàn Việt Nam cũng đã tiếp xúc trao đổi với đoàn Ai Cập về các biện pháp tăng cường quan hệ song phương, nhất là về kinh tế-thương mại.

Trong trao đổi với đoàn Iraq, Iraq nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Việt Nam sớm cử cán bộ thường trú tại Đại sứ quán ở Baghdad để tăng cường hợp tác về năng lượng, xây dựng, giao thông vận tải, nông nghiệp, du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục