Phó Chủ tịch nước: Ngành than càng khó khăn thì càng phải thi đua

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng ngành than cần không ngừng đổi mới, sáng tạo, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao năng suất, chất lượng.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động cho các cá nhân và tập thể. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Ngày 11/11, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V, giai đoạn 2020-2025.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đến dự và trao tặng các danh hiệu thi đua cấp Nhà nước cho các tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam.

Lợi trên 2.500 tỷ đồng từ những sáng kiến

Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước Đăng Thị Ngọc Thịnh cho biết Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam diễn ra vào dịp có nghĩa đặc biệt.

Cách đây tròn 84 năm, cuộc tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ bắt đầu từ đêm 12/11/1936, với khẩu hiệu hành động “Kỷ luật và Đồng tâm - Chúng ta nhất định thắng,” đã đánh dấu bước ngoặt trong phong trào đấu tranh của công nhân mỏ giành thắng lợi.

Từ đây ngày 12/11 hằng năm đã trở thành ngày Truyền thống công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành than đầy tự hào.

Kế thừa và phát huy truyền thống ngành than, trong 26 năm kể từ khi thành lập (1994), nhất là trong 5 năm gần đây, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã đạt được những kết quả, thành tích toàn diện, giữ vững vai trò then chốt, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; bảo toàn và phát triển nguồn vốn; nộp ngân sách, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước; đảm bảo việc làm, thu nhập cho gần 10 vạn công nhân thợ mỏ và người lao động.

[Ngành than chuyển đổi theo xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư]

Ngành than đã vận dụng sáng tạo phong trào thi đua "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển" bằng các phong trào thi đua cụ thể theo các chuyên đề như: đổi mới quản trị doanh nghiệp; nâng cao năng suất lao động; lao động giỏi, thu nhập cao; đảm bảo an toàn lao động...

Trong 5 năm qua, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam và các đơn vị trực thuộc đã đón nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước.

Để đạt được những kết quả trên, có đóng góp quan trọng của các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng.

Đặc biệt, trong nhiều năm nay, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã luôn chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến, xây dựng và lan tỏa hình ảnh “Người thợ mỏ - Người chiến sỹ” trong toàn ngành và có danh hiệu vinh dự riêng như: "Huy hiệu thợ mỏ vẻ vang" kết hợp với khen thưởng bằng vật chất như: tiền thưởng, được thăm quan trong và ngoài nước, nâng lương trước hạn...

Từ đó, động viên được tinh thần thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.

Trong 5 năm (2016-2020) đã có hơn 19.000 sáng kiến được đưa vào áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, mang lại giá trị, làm lợi cho Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam trên 2.500 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng trong thời gian tới, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam sẽ chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, có nhiều cơ hội để đổi mới quản trị theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, điều kiện khai thác mỏ sẽ ngày càng khó khăn, yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng cao và đặc thù công việc của thợ mỏ dưới hầm sâu, trên khai trường, trong nhà máy cũng vất vả, nhọc nhằn.

Trong bối cảnh đó, ngành than cần tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước theo lời Bác Hồ dạy "Càng khó khăn thì càng phải thi đua," "Càng thi đua, càng mau thắng lợi"; phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm,” quyết tâm thực hiện thắng lợi 5 nhiệm vụ trọng tâm mà đại hội đề ra, tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Đồng thời, ngành than cần không ngừng đổi mới, sáng tạo, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Cùng đó, ra sức thi đua phấn đấu xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam phát triển bền vững và "trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác" như Bác Hồ đã căn dặn cán bộ, công nhân ngành than cách đây tròn 52 năm.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cho hay nhờ làm tốt và có hiệu quả hoạt động thi đua khen thưởng nên 5 năm qua, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước giao; lợi nhuận và nộp ngân sách ngày càng tăng; đời sống vật chất và tinh thần của người lao động ngày càng được cải thiện rõ rệt so với các giai đoạn trước.

Để các phong trào thi đua yêu nước tiếp tục trở thành một trong những biện pháp trong lãnh đạo, quản lý của Tập đoàn Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam và là động lực thúc đẩy Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, giữ vững là một trong những trụ cột quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trong thời gian tới, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam cần tiếp tục nhân lên truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm.”

Đồng thời, Tập đoàn cần tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng cả về nội dung, hình thức, phương thức tổ chức.

Cùng với các phong trào thi đua thường xuyên, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam cần tiếp tục phát động các phong trào thu đua theo đợt, theo chuyên đề thiết thực, hiệu quả trên các mặt công tác của Tập đoàn; tạo động lực thúc đẩy, phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên, công nhân viên và người lao động tích cực thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, Tập đoàn cần đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị trực thuộc; giữ vững vị trí then chốt của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, gắn trách nhiệm cụ thể về kết quả công tác thi đua, khen thưởng ở từng đơn vị với người đứng đầu.

Trong tổ chức triển khai các phong trào thi đua, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam chú ý đến việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết; quan tâm phát hiện nhân tố mới, xây dựng các điển hình tiên tiến cũng như khen thưởng kịp thời với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Điều này nhằm cổ vũ, động viên phong trào, tạo hiệu quả thiết thực, khen thưởng đúng người, đúng việc...

Huy động sức mạnh đoàn kết

Theo Tập đoàn Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, qua các phong trào thi đua yêu nước, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã huy động được sức mạnh đoàn kết của toàn thể cán bộ, công nhân, nhằm vào một mục tiêu chung xây dựng Tập đoàn phát triển bền vững, là một trong 3 trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Trường Cao đẳng Than-Khoáng sản Việt Nam. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Cụ thể, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã phát động các phòng trào như: thi đua hoàn thành toàn diện kế hoạch phối hợp kinh doanh; thực hiện đề án tái cơ cấu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Tập đoàn; thi đua đã mang đến chuyển biến tích cực về tư duy đầu tư, đổi mới công nghệ, tự động hóa trong các lĩnh vực sản xuất; phong trào chuyên đề về thi đua lao động sáng tạo, giành năng suất kỷ lục, năng suất dẫn đầu Tập đoàn....

Đối với phong trào thi đua hoàn thành toàn diện kế hoạch phối hợp kinh doanh, hằng năm, với từng điều kiện, hoàn cảnh thực tế, Tập đoàn xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để đề ra mục tiêu, khẩu hiệu cũng như biện pháp tổ chức phong trào thi đua một cách cụ thể, thiết thực.

Chẳng hạn như thời điểm cuối năm 2018 và năm 2019, trước nhu cầu sử dụng than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp tăng cao, đặc biệt là nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện tăng đột biến, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã chủ động phát động phong trào thi đua đột xuất “Chiến dịch 90 ngày đêm” được các đơn vị tích cực hưởng ứng, sản lượng nhận tăng thêm mỗi đơn vị từ 5-10%.

Qua đợt thi đua đã đáp ứng đủ than, điện, các sản phẩm khoáng sản, hoá chất cho các hộ tiêu thụ trong nước và tăng xuất khẩu với giá tốt, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia và mang lại hiệu quả kinh doanh cao cho Tập đoàn.

Để thực hiện phong trào thi đua thực hiện đề án tái cơ cấu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Tập đoàn, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp sắp xếp tổ chức, hợp nhất-sáp nhập doanh nghiệp, tinh giản tối đa các khâu trung gian, thực hiện xã hội hoá các khâu phục vụ trong doanh nghiệp. Do đó trong 5 năm qua, lực lượng lao động của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã tinh giảm trên 25.000 người, tương ứng giảm 20% so với tổng số lao động trước khi thực hiện đề án tái cơ cấu.

Trong công tác kỹ thuật công nghệ, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam chỉ đạo thực hiện thành công đề án trình tự khai thác hợp lý 3 mỏ Cao Sơn-Cọc Sáu-Đèo Nai mang lại hiệu quả kinh tế, làm lợi trên 300 tỷ đồng.

Đặc biệt, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã phát động thi đua thực hiện “3 hóa” là cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hoá trong sản xuất.

Đây là những điểm sáng mới, phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mà Tập đoàn đang chỉ đạo quyết liệt nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, hạ giá thành, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, giảm nguy cơ tai nạn và sự cố trong sản xuất.

Phong trào thi đua đã mang đến chuyển biến tích cực về tư duy đầu tư, đổi mới công nghệ, tự động hóa trong các lĩnh vực sản xuất của Tập đoàn, từ các mỏ than, mỏ khoáng sản cho đến các nhà máy cơ khí, điện, alumina, hoá chất, ximăng...

Riêng với công nghệ chống lò bằng kỹ thuật neo, năm 2019 thực hiện đạt 30.432 mét, tăng 27% so với năm 2018, giảm được chi phí đào lò và cải thiện điều kiện mang vác cho công nhân từ 1,2 tấn xuống còn 0,25 tấn vật liệu/mét lò.

Trong phong trào chuyên đề về thi đua lao động sáng tạo, giành năng suất kỷ lục, năng suất dẫn đầu Tập đoàn, từ một phong trào thi đua trong lĩnh vực khai thác than đã từng bước lan tỏa, phát triển sang các lĩnh vực khác như khoáng sản-luyện kim; khoan thăm dò địa chất, được người lao động tự giác và tích cực hưởng ứng.

Trong 5 năm 2016-2020 đã có 21.303 sáng kiến được công nhận, có 19.313 sáng kiến được đưa vào áp dụng hiệu quả mang lại giá trị làm lợi cho Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam trên 2.500 tỷ đồng.

Phong trào thi đua đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình các dự án đầu tư, các công trình quan trọng cũng đã được đẩy mạnh trong toàn Tập đoàn và diễn ra liên tục nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất.

Tập đoàn đã lựa chọn, giao mục tiêu thi đua và đã tổng kết, khen thưởng đối với 254 hạng mục công trình hoàn thành vượt tiến độ.

Nhiều công trình đã được các cấp ghi nhận, quyết định gắn biển chào mừng các sự kiện trọng đại của Đất nước cũng như của ngành và của các địa phương, như công trình “Nhà chờ xe ca công nhân và xưởng sản xuất sản phẩm gia công đúc sẵn phục vụ chống lò - Than Nam Mẫu;” Công trình “Đầu tư đổi mới công nghệ khai thác cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ tại lò chợ I-11-5 khu vực Khe Chàm của Công ty than Hạ Long;” Công trình “Cụm hệ thống các công trình môi trường của Công ty Kho vận Đá Bạc;” đặc biệt là Công trình “Nhà máy sàng-tuyển than Khe Chàm” để chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục