Phó Chủ tịch nước gặp mặt đại biểu dự Đại hội Hội Khuyến học Việt Nam

Phó Chủ tịch nước mong muốn, Hội Khuyến học Việt Nam có những kế hoạch cho công tác xây dựng chiến lược nguồn nhân lực trong tương lai để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của đất nước.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Sáng 30/11, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt Đoàn đại biểu dự Đại hội lần thứ VI Hội Khuyến học Việt Nam, do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khóa V, làm Trưởng đoàn.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước gửi lời cảm ơn, biểu dương và ghi nhận những nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm, tình cảm của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, lãnh đạo Hội các cấp về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập suốt đời trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch nước mong muốn, Hội khuyến học Việt Nam ngày càng phát triển hơn, tiếp tục xứng đáng với trọng trách Đảng, Nhà nước, xã hội giao phó.

Nhấn mạnh phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (24/11/2021) về các truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, trong đó có truyền thống hiếu học, Phó Chủ tịch nước nêu rõ, từ xa xưa, cha ông ta đã quan tâm tới học tập cũng như công tác khuyến học để đào tạo nhân lực, nhân tài. Tôn trọng truyền thống hiếu học, xem “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, suốt chiều dài lịch sử, chúng ta đã đào tạo được nhiều nhân tài cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước, có nhiều người được vinh danh trong nước và thế giới.

[Trưởng ban Tuyên giáo TW: Khuyến học vì nguồn nhân lực chất lượng cao]

Ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, Bác Hồ coi việc diệt "giặt dốt" đi đôi với diệt giặc ngoại xâm và "giặc đói." Từ đó, truyền thống hiếu học, khuyến học, khuyến tài đã trở thành chủ trương chính sách cụ thể của Đảng, Nhà nước ta trong suốt hơn 76 năm qua.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Qua mỗi giai đoạn, nhiệm kỳ, Đảng và Nhà nước nhận thấy, việc thành lập Hội Khuyến học Việt Nam năm 1996 là chủ trương cần thiết, đúng đắn cho sự nghiệp phát triển đất nước, nhất là trong giai đoạn đổi mới.

Đến nay, Hội Khuyến học Việt Nam ngày càng mở rộng, phát triển mạnh mẽ trên cả nước; chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên. Các hoạt động không chỉ chăm lo công tác học tập cho trẻ em, học sinh, sinh viên mà còn mở rộng học tập suốt đời cho toàn xã hội, xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh phong trào khuyến tài, lập thân lập nghiệp... Phong trào đã lan tỏa rộng khắp tinh thần học tập, trở thành ý thức trách nhiệm không chỉ của người học mà còn của gia đình, tổ chức, xã hội trong sự nghiệp giáo dục-đào tạo.

Hoan nghênh những định hướng sắp tới của Hội, Phó Chủ tịch nước nêu rõ, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra tầm nhìn dài hạn, chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, năm 2045; trong đó, phát triển nguồn nhân lực luôn được đặt lên vị trí hàng đầu, là một trong ba khâu đột phá quan trọng. Cùng với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay của Đảng, Nhà nước, ngành Giáo dục, các hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam chủ động đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

Phó Chủ tịch nước mong muốn, Hội Khuyến học Việt Nam có những kế hoạch cho công tác xây dựng chiến lược nguồn nhân lực trong tương lai để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của đất nước.

GS. TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Cảm ơn Phó Chủ tịch nước đã dành thời gian gặp mặt Đoàn, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thông tin về Đại hội đại biểu Khuyến học toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2021-2026, diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày (30/11 và 1/12) với 457 đại biểu chính thức, đại diện cho trên 21 triệu hội viên của toàn Hội trên cả nước.

Trong thời gian qua, Hội Khuyến học Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập. Phong trào khuyến học, xây dựng xã hội học tập đã trở thành phong trào rộng lớn, phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trong cả nước, đưa sự nghiệp giáo dục của Việt Nam phát triển cả về lượng và chất, đáp ứng yêu cầu công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Sau 25 năm hoạt động, tổ chức hội đã phủ kín 100% địa bàn cấp tỉnh và huyện, trên 98% cấp xã với hơn 21 triệu hội viên. Hội Khuyến học Việt Nam đã làm tốt các chức năng quan trọng, khuyến khích, tạo điều kiện cho mọi người học tập; hỗ trợ giáo viên và tư vấn phát triển sự nghiệp giáo dục cho các cơ quan chức năng và địa phương; xây dựng các mô hình học tập hiệu quả trên địa bàn hành chính cấp xã như gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học.

Giai đoạn 2021-2026, Hội Khuyến học Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu nâng tỷ lệ hội viên đạt 25% so với dân số cả nước; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”; đẩy mạnh phát triển quỹ khuyến học nhằm tăng cường các hoạt động hỗ trợ giáo dục vùng khó khăn; tặng học bổng, phần thưởng cho học sinh, người lao động có thành tích tốt nhằm góp phần động viên, khuyến khích việc học tập.../.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân với các đại biểu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục