Phó Chủ tịch nước dự ký giao ước thi đua 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước lưu ý phong trào thi đua ở một số địa phương chưa đồng đều; có địa phương công tác thi đua khen thưởng người lao động trực tiếp chưa được quan tâm
Cụm trưởng, Cụm phó của Cụm thi đua 9 tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2017 ra mắt hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN)

Ngày 17/2, cụm thi đua các tỉnh đồng bằng sông Hồng đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2016 và ký kết giao ước thi đua năm 2017. Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh dự và chỉ đạo hội nghị.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo 9 tỉnh trong cụm đã ký giao ước thi đua năm 2017. Các đại biểu dự hội nghị đã cử tỉnh Ninh Bình làm trưởng Cụm thi đua khen thưởng các tỉnh đồng bằng sông Hồng năm 2017. Năm 2016, 7 tập thể, 14 cá nhân thuộc các địa phương trong cụm có thành tích xuất sắc trong công tác thi đua khen thưởng được nhận bằng khen.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá năm 2016, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới... của các tỉnh trong cụm rất ấn tượng, mức tăng trưởng kinh tế của các tỉnh trong khu vực rất cao. Công tác xây dựng nông thôn mới, phát triển doanh nghiệp, phát triển du lịch của các tỉnh trong khu vực; lĩnh vực phát triển triển nông nghiệp có những chuyển biến tích cực, nhất là việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn để sản xuất hàng hóa mang tính tập trung được nhân rộng ở các địa phương.

Phó Chủ tịch nước cũng lưu ý phong trào thi đua ở một số địa phương chưa đồng đều; có địa phương công tác thi đua khen thưởng người lao động trực tiếp chưa được quan tâm, tỷ lệ ở đối tượng này được khen thưởng còn thấp so với hàng ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý...

Phó Chủ tịch nước yêu cầu các tỉnh trong cụm tiếp tục làm tốt công tác thi đua khen thưởng; trong đó tập trung thực hiện tốt Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 19/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch 5 năm (2016- 2020) theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Các địa phương cần tích cực tuyên truyền các tấm gương điển hình, người tốt, việc tốt; tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức làm công tác thi đua khen thưởng; tăng cường công tác kiểm tra để nắm bắt, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh, phát huy được hiệu quả hoạt động. Các địa phương trong cụm cần quan tâm hoàn thiện tiêu chí thi đua giữa các tỉnh để việc đánh giá, bình xét thi đua được công bằng, khách quan và khích lệ tinh thần thi đua của các thành viên trong cụm. Các tỉnh cần chú trọng khen thưởng cho công nhân, nông dân, người tham gia lao động sản xuất

Năm 2016, các tỉnh trong cụm thi đua khu vực đồng bằng sông Hồng đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội trong bối cảnh khó khăn, thuận lợi đan xen; tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua thường xuyên, thi đua theo đợt, theo chuyên đề... Ủy ban Nhân dân các tỉnh tiếp tục đổi mới thực hiện công tác thi đua, khen thưởng; các nội dung thi đua bám sát vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó có các phong trào "Thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi," "Lao động giỏi, lao động sáng tạo," "Chất lượng cao, hao phí ít," "Thi đua sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn"...

Những năm gần đây kinh tế-xã hội các tỉnh đồng bằng sông Hồng luôn phát triển cao. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh trong cụm cao hơn so với mặt bằng chung cả nước như: tỉnh Hà Nam đạt mức tăng 11,62%; Thái Bình tăng 10,12%; Quảng Ninh hơn 10%, Bắc Ninh 9%; Vĩnh Phúc tăng 8,56%; Hải Dương 7,9%... Tổng thu ngân sách trên địa bàn các tỉnh cũng đạt cao như: Quảng Ninh đạt 37.266 tỷ đồng, Vĩnh Phúc đạt trên 32.600 tỷ đồng, Bắc Ninh đạt 17.400 tỷ đồng, Hải Dương đạt 10.750 tỷ đồng... Phong trào xây dựng nông thôn mới và công tác an sinh xã hội cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn so hơn so với mặt bằng chung cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục