Phổ cập Luật Người khuyết tật cho luật sư tương lai

Chính phủ Ireland và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã hỗ trợ đưa Luật Người Khuyết tật vào chương trình giảng dạy chính thức của Đại học Luật Hà Nội.

Đã có 850 sinh viên bậc đại học ngành luật đầu tiên hoàn thành khóa đào tạo về Luật Người khuyết tật để bảo vệ tốt hơn quyền của người khuyết tật tại Việt Nam.

Đây là kết quả được đưa ra tại buổi tổng kết của chương trình hợp tác giữa Đại học Luật Hà Nội, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Chính phủ Ireland trong việc đưa Luật Người khuyết tật vào chương trình giảng dạy chính thức diễn ra sáng 12/11.

Theo đó, Luật Người Khuyết tật được đưa vào chương trình giảng dạy chính thức của Đại học Luật Hà Nội từ năm 2012, với mục tiêu giúp các luật sư và thẩm phán tương lai bảo vệ tốt hơn quyền của người khuyết tật tại Việt Nam.

Phát biểu tại sự kiện tổng kết chương trình, Giám đốc ILO Việt Nam ông Gyorgy Sziraczki cho rằng Việt Nam đã có một bước tiến quan trọng bảo vệ quyền của người khuyết tật thông qua việc đưa những quyền này vào luật, nhưng thực thi luật lại là một nhiệm vụ còn khó khăn hơn.

Ông Gyorgy Sziraczki nhấn mạnh: “Việt Nam cần có những thẩm phán và luật sư giỏi với nhận thức và thái độ đúng đắn đối với người khuyết tật để phá bỏ rào cản và mở rộng cánh cửa đưa họ đến với việc làm và hòa nhập với xã hội. Nếu bản thân các sinh viên là người khuyết tật được đào tạo để trở thành luật sư tương lai, điều đó còn tuyệt vời hơn nữa.”

Cũng trong khuôn khổ hợp tác với ILO và Chính phủ Ireland, Đại học Luật Hà Nội đã tăng về số lượng và chất lượng các nghiên cứu do sinh viên và giảng viên thực hiện về pháp luật bình đẳng cho người khuyết tật.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội cho biết: “Dự án hợp tác đã gợi mở việc cần thiết phải triển khai các tư tưởng nhân quyền về người khuyết tật đến nhiều môn học, lĩnh vực nghiên cứu khác trong nhà trường.”

Luật Người Khuyết tật có hiệu lực năm 2011 và đã luật hóa quyền của hơn 7 triệu người khuyết tật Việt Nam, tương đương với 8% dân số cả nước. Những luật sư giỏi về luật này có thể giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người khuyết tật và đưa họ hòa nhập với xã hội./.

Ở Việt Nam, rất ít người khuyết tật có việc làm và thu nhập ổn định. So với các nhóm lao động khác, tỷ lệ thất nghiệp của người khuyết tật cao hơn nhiều, ở mức 30%.

Số người khuyết tật được tiếp cận với các chương trình vay vốn và cơ hội học nghề còn khá thấp. Trong số 1,5 triệu người được đào tạo nghề hàng năm ở Việt Nam, chưa đầy 0,4% là người khuyết tật. Trong hai năm qua, chỉ 1% trong tổng số 8.000 hội viên Hội Người Khuyết tật Hà Nội được tiếp cận với các chương trình tài chính vi mô. ILO ước tính Việt Nam mất 3% GDP vì người khuyết tật phải đứng ngoài thị trường lao động./. 
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục