Ngày 14/9, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức hội thảo "Bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn tiếng Việt."
Tham dự có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, đại diện Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng đông đảo bà con Việt kiều làm công tác truyền thông từ Ba Lan, Đức, Lào, Pháp, Cộng hòa Séc, Nga, Hoa Kỳ và các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, đại biểu các cơ quan văn hóa, truyền thông, giáo dục trong nước.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhấn mạnh, bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam, giữ gìn tiếng Việt là một vấn đề cấp thiết đặt ra đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay.
Trong đó báo chí truyền thông tiếng Việt trong và ngoài nước đóng vai trò quan trọng nhằm tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng đất nước; thông qua cộng đồng giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người, bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam với thế giới.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã nêu ra thực tế hiện nay của gần 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, cùng với nỗ lực hòa nhập cộng đồng sở tại, cùng với những nỗ lực tìm kiếm và khai thác các cơ hội kinh doanh để mưu sinh, lập nghiệp thì những yếu tố văn hóa dân tộc có thể cũng dần bị phai nhạt. Quá trình đó diễn ra tự nhiên, xuất phát từ sức ép của hội nhập văn hóa sở tại, từ những khó khăn của cuộc sống hàng ngày mà không còn thời gian cho sự quan tâm đầy đủ đến việc giữ truyền thống văn hóa dân tộc, đến việc duy trì tiếng Việt cho các thế hệ tiếp theo.
"Thời gian qua, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều thanh thiếu niên kiều bào. Tôi thấy rất nhiều cháu không biết, biết ít hoặc không quan tâm đến văn hóa dân tộc Việt Nam, không nói được tiếng Việt. Tôi cảm thấy xu hướng này đang tăng lên, tạo ra nguy cơ mai một văn hóa, truyền thống dân tộc và tiếng Việt trong cộng đồng. Ngoài ra còn một số yếu tố khác tác động đến việc bảo tồn văn hóa dân tộc, tiếng Việt và gìn giữ tiếng Việt đó là sự trợ giúp từ trong nước qua việc cung cấp phương tiện, công cụ tiếp cận, nguồn tài liệu còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của cộng đồng", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho biết.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn bày tỏ mong muốn các đại biểu trong và ngoài nước cùng nhau chia sẻ các vấn đề liên quan đến bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam, giữ gìn tiếng Việt nói chung và đặc biệt với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng; xác định vai trò của báo chí truyền thông tiếng Việt, sự phối hợp giữa trong và ngoài nước và giữa các cộng đồng người Việt ở các nước với nhau nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, cũng như sự hưởng ứng tích cực với triển khai các chính sách, biện pháp hỗ trợ cộng đồng duy trì và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn tiếng Việt.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp như: cần xây dựng chương trình nội dung biên soạn tài liệu tiếng Việt phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài bằng nhiều ấn phẩm khác nhau; quan tâm hơn nữa đời sống văn hóa của kiều bào cũng như cần khuyến khích giao lưu văn hóa, tổ chức nhiều đoàn thanh niên kiều bào về nước giao lưu, tìm hiểu truyền thống văn hóa dân tộc cũng như thực hành tiếng Việt. Bên cạnh đó, một số trung tâm văn hóa Việt Nam đã được xây dựng ở một số nước như Lào, Pháp cũng cần được phát huy thế mạnh hơn nữa...
Đồng ý với ý kiến này, nhà văn hóa Hữu Ngọc đề xuất ở mỗi nước có cộng đồng người Việt sinh sống nên xây dựng một "Nhà văn hóa Việt Nam" bởi đây chính là nơi bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Việt cũng như giáo dục các thế hệ Việt kiều nối tiếp....
Nhận thức rõ tầm quan trọng của bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, những năm qua Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam, trong đó bao gồm việc bảo tồn bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc và giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Thông qua hình ảnh của cộng đồng, hình ảnh của đất nước Việt Nam được giới thiệu đến bạn bè quốc tế một cách hiệu quả.
Tuy nhiên hiện nay thế hệ Việt kiều thứ 2, thứ 3 là những người sinh ra tại nước sở tại, bản sắc, truyền thống và đặc biệt là tiếng Việt đang bị mai một. Do đó, những năm tới, bên cạnh những nỗ lực của cộng đồng, của mỗi gia đình kiều bào trong việc giữ gìn tiếng Việt cho con em, rất cần các cơ quan hữu quan trong nước quan tâm hơn nữa tới công tác phổ biến tiếng Việt ở nước ngoài./.
Tham dự có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, đại diện Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng đông đảo bà con Việt kiều làm công tác truyền thông từ Ba Lan, Đức, Lào, Pháp, Cộng hòa Séc, Nga, Hoa Kỳ và các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, đại biểu các cơ quan văn hóa, truyền thông, giáo dục trong nước.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhấn mạnh, bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam, giữ gìn tiếng Việt là một vấn đề cấp thiết đặt ra đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay.
Trong đó báo chí truyền thông tiếng Việt trong và ngoài nước đóng vai trò quan trọng nhằm tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng đất nước; thông qua cộng đồng giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người, bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam với thế giới.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã nêu ra thực tế hiện nay của gần 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, cùng với nỗ lực hòa nhập cộng đồng sở tại, cùng với những nỗ lực tìm kiếm và khai thác các cơ hội kinh doanh để mưu sinh, lập nghiệp thì những yếu tố văn hóa dân tộc có thể cũng dần bị phai nhạt. Quá trình đó diễn ra tự nhiên, xuất phát từ sức ép của hội nhập văn hóa sở tại, từ những khó khăn của cuộc sống hàng ngày mà không còn thời gian cho sự quan tâm đầy đủ đến việc giữ truyền thống văn hóa dân tộc, đến việc duy trì tiếng Việt cho các thế hệ tiếp theo.
"Thời gian qua, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều thanh thiếu niên kiều bào. Tôi thấy rất nhiều cháu không biết, biết ít hoặc không quan tâm đến văn hóa dân tộc Việt Nam, không nói được tiếng Việt. Tôi cảm thấy xu hướng này đang tăng lên, tạo ra nguy cơ mai một văn hóa, truyền thống dân tộc và tiếng Việt trong cộng đồng. Ngoài ra còn một số yếu tố khác tác động đến việc bảo tồn văn hóa dân tộc, tiếng Việt và gìn giữ tiếng Việt đó là sự trợ giúp từ trong nước qua việc cung cấp phương tiện, công cụ tiếp cận, nguồn tài liệu còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của cộng đồng", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho biết.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn bày tỏ mong muốn các đại biểu trong và ngoài nước cùng nhau chia sẻ các vấn đề liên quan đến bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam, giữ gìn tiếng Việt nói chung và đặc biệt với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng; xác định vai trò của báo chí truyền thông tiếng Việt, sự phối hợp giữa trong và ngoài nước và giữa các cộng đồng người Việt ở các nước với nhau nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, cũng như sự hưởng ứng tích cực với triển khai các chính sách, biện pháp hỗ trợ cộng đồng duy trì và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn tiếng Việt.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp như: cần xây dựng chương trình nội dung biên soạn tài liệu tiếng Việt phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài bằng nhiều ấn phẩm khác nhau; quan tâm hơn nữa đời sống văn hóa của kiều bào cũng như cần khuyến khích giao lưu văn hóa, tổ chức nhiều đoàn thanh niên kiều bào về nước giao lưu, tìm hiểu truyền thống văn hóa dân tộc cũng như thực hành tiếng Việt. Bên cạnh đó, một số trung tâm văn hóa Việt Nam đã được xây dựng ở một số nước như Lào, Pháp cũng cần được phát huy thế mạnh hơn nữa...
Đồng ý với ý kiến này, nhà văn hóa Hữu Ngọc đề xuất ở mỗi nước có cộng đồng người Việt sinh sống nên xây dựng một "Nhà văn hóa Việt Nam" bởi đây chính là nơi bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Việt cũng như giáo dục các thế hệ Việt kiều nối tiếp....
Nhận thức rõ tầm quan trọng của bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, những năm qua Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam, trong đó bao gồm việc bảo tồn bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc và giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Thông qua hình ảnh của cộng đồng, hình ảnh của đất nước Việt Nam được giới thiệu đến bạn bè quốc tế một cách hiệu quả.
Tuy nhiên hiện nay thế hệ Việt kiều thứ 2, thứ 3 là những người sinh ra tại nước sở tại, bản sắc, truyền thống và đặc biệt là tiếng Việt đang bị mai một. Do đó, những năm tới, bên cạnh những nỗ lực của cộng đồng, của mỗi gia đình kiều bào trong việc giữ gìn tiếng Việt cho con em, rất cần các cơ quan hữu quan trong nước quan tâm hơn nữa tới công tác phổ biến tiếng Việt ở nước ngoài./.
Hoàng Thị Hoa (TTXVN/Vietnam+)