Phnom Penh đóng cửa nhà hàng không có biện pháp phòng chống dịch

Chủ tịch Hiệp hội nhà hàng Campuchia kêu gọi các hộ kinh doanh hàng ăn uống tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp vệ sinh theo hướng dẫn của Bộ Y tế để ngăn chặn COVID-19.
Hình ảnh đường phố ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia, hôm 30/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hình ảnh đường phố ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia, hôm 30/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, nhật báo Khmer Times ngày 19/5 đưa tin, Thị trưởng Phnom Penh Khuong Sreng ngày 18/5 đã đưa ra cảnh báo nếu nhà hàng nào không tuân thủ hướng dẫn y tế phòng chống và ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thì sẽ bị đóng cửa cho tới khi tuân thủ, thực hiện đầy đủ các quy định này.

Thị trưởng Phnom Penh lưu ý người dân về hiện tượng thiếu tôn trọng và đang bỏ qua những quy định, hướng dẫn an toàn.

Một số chủ nhà hàng, quán ăn không thực hiện các biện pháp do Bộ y tế Campuchia quy định, không chuẩn bị cồn rửa tay đặt tại cửa ra vào, cử nhân viên kiểm tra thân nhiệt khách hàng nhằm bảo vệ cá nhân và khách hàng.

Hưởng ứng chỉ đạo của chính quyền thành phố Phnom Penh, bà Hak Lina, Chủ tịch Hiệp hội nhà hàng Campuchia kêu gọi các hộ kinh doanh hàng ăn uống tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp vệ sinh theo hướng dẫn của Bộ Y tế để ngăn chặn làn sóng bùng phát lần thứ hai dịch COVID-19.

[Trao tượng trưng một số vật tư y tế hỗ trợ 8 nước phòng chống COVID-19]

Cùng ngày, phát biểu tại Ban điều hành toàn cầu của tổ chức Hồi giáo lớn nhất Indonesia Nahdlatul Ulama (PCINU) ở thủ đô Jakarta, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ không kết thúc trong tương lai gần do xu hướng lây nhiễm ở một số quốc gia cho thấy sự gia tăng đáng báo động như Nga, Ấn Độ, Brazil, Saudi Arabia và các nước châu Phi.

Ngoài ra, một số quốc gia như Singapore và Hàn Quốc đang phải đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 thứ hai do các trường hợp có nguồn gốc từ nước ngoài.

Bà Retno cũng cho biết theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đại dịch COVID-19 đã lan rộng tới 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Căn bệnh đã lây nhiễm cho 4,6 triệu người trên toàn thế giới với 311.000 ca tử vong. Sự lây lan của đại dịch cũng dẫn đến suy thoái kinh tế và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Do đó, mọi quốc gia phải đang chiến đấu để giành chiến thắng hai cuộc chiến cùng một lúc. Thứ nhất là cuộc chiến chống COVID-19 và thứ hai là cuộc chiến chống lại những khủng hoảng về kinh tế.

Mặc dù trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế mạnh mẽ, nhưng tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong quý 1 của năm 2020 vẫn tốt hơn các quốc gia khác.

Trong quý 1/2020, nền kinh tế của Indonesia tăng trưởng 2,97%, thấp hơn so với 5,07% trong quý I/2019 nhưng chắc chắn tăng trưởng kinh tế trong quý II/2020 sẽ nghiêm trọng hơn và có khả năng trải qua sự suy giảm mạnh hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục