Phim Việt đột phá?

Phim Việt thăng hạng nhưng có đủ để đột phá?

Sôi động với những cú xuất ngoại thăng hạng bất ngờ và cả dấu lặng ở sân nhà vào năm qua, năm nay liệu điện ảnh Việt có đột phá?
Một năm phim Việt xuất ngoại mệt nghỉ với những cú thăng hạng bất ngờ nhưng lại bị xử ép trên chính sân nhà trước sự bành trướng của phim ngoại nhập, do hạn ngạch nhập khẩu phim bị bãi bỏ theo đúng cam kết của Việt Nam khi tham gia WTO.

Năm qua, có nhiều rạp mới được xây nhưng phim Việt vẫn loay hoay tìm đường ra rạp... Thuận lợi xen lẫn khó khăn, liệu có thể hy vọng vào sự đột phá?

Cú thăng hạng bất ngờ

Năm 2009 có thể coi là năm thành công của điện ảnh Việt ở khía cạnh hội nhập quốc tế. Tuy chưa thể bước được vào các Liên hoan phim tầm cỡ như Berlin, Cannes nhưng lần đầu tiên đã có một bộ phim Việt Nam chính hiệu chính thức nhận được lời mời của Liên hoan phim quốc tế lâu đời nhất thế giới, Venice 2009.

Nếu có danh hiệu Bộ phim được nhắc đến nhiều nhất năm 2009 thì có lẽ “Chơi vơi” của Bùi Thạc Chuyên 100% giành giải.

Chắc chắn bộ phim này sẽ còn được nhắc đến rất nhiều sau này bởi “Chơi vơi” là bộ phim Việt Nam đầu tiên chính thức được mời tham dự Liên hoan phim Venice danh giá kể từ sau “Xích lô” của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng.

Bộ phim này tuy giành giải Sư tử vàng và giải Fipresci Prize của Hiệp hội các nhà phê bình phim quốc tế tại Liên hoan phim Venice năm 1995 nhưng là một bộ phim mang quốc tịch Pháp.

“Chơi vơi” tuy không lọt vào vòng tranh giải thưởng chính thức của Venice 2009 mà chỉ tranh giải tại khu vực dành cho các tác phẩm điện ảnh đương đại Orizzonti (giải quan trọng thứ hai của Liên hoan phim Venice sau Sư tử vàng) nhưng có thể nói việc bộ phim được mời đến Venice cũng đánh dấu một bước tiến vượt bậc của điện ảnh Việt trong năm qua.

Đáng chú ý hơn nữa là việc “Chơi vơi” giành giải Fipresci Horizons and Critics’ Week Prize của Hiệp hội các nhà phê bình quốc tế Fipresci danh tiếng.

Đây là giải thưởng độc lập với hệ thống giải thưởng chính thức tại Liên hoan phim Venice do các thành viên của Fipresci lựa chọn dành cho những bộ phim mà họ cho là có lối làm phim mạnh bạo nhất.

Fipresci là một giải thưởng tầm cỡ và hết sức quan trọng vì ban giám khảo là những nhà phê bình chuyên nghiệp nổi tiếng trên thế giới.

Họ đã có ấn tượng rất sâu sắc với sự đậm đà và hoàn thiện của cảm xúc cũng như nghệ thuật quay phim trong “Chơi vơi.”

Fipresci nhận xét rằng bộ phim thể hiện thành công những tình cảm hết sức tinh tế về con người cũng như bản năng giới tính rất riêng của các nhân vật trong phim tại một đất nước mà truyền thống gia đình và các chuẩn mực đạo đức luôn luôn được coi trọng.

Sự tán dương của khán giả sau buổi chiếu ra mắt phim tại Liên hoan phim Venice hồi tháng 9/2009 cũng có thể coi là niềm tự hào của điện ảnh Việt Venice cũng là sự kiện mở màn cho chuỗi hơn chục Liên hoan phim quốc tế mà “Chơi vơi” được mời tham dự trong năm 2009 như Toronto, Vancouver, London, Rotterdam, Pusan, châu Á-Thái Bình Dương, Bangkok...

Trong số này đáng chú ý có Toronto (TIFF), một Liên hoan phim rất quan trọng, đặc biệt cho thị trường Bắc Mỹ và được xếp vào hàng những Liên hoan phim lớn nhất thế giới.

“Chơi vơi” không chỉ tranh giải ở hạng mục Điện ảnh đương đại của thế giới tại các Liên hoan phim Toronto, FIFF mà còn lọt vào vòng Tranh giải chính tại Liên hoan phim Bangkok sau đó.

Năm 2009 vừa khép lại với “Chơi vơi” với giải Âm thanh xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Châu Á-Thái Bình Dương. Có lẽ chưa khi nào, phim Việt lại được nhắc đến nhiều tại các Liên hoan phim quốc tế như năm nay khi “Chơi vơi” có mặt ở hầu hết các châu lục, tại những giải thưởng điện ảnh đáng chú ý nhất.

Không có một hồ sơ hoành tráng như “Chơi vơi” nhưng “Trăng nơi đáy giếng” của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, một tác phẩm hợp tác nữa giữa Việt Nam và Pháp cũng góp phần tạo nên những hiệu ứng Việt Nam mới tại các Liên hoan phim quốc tế trong suốt một năm qua.

“Trăng nơi đáy giếng” có một khởi đầu thuận lợi tại Liên hoan phim quốc tế Dubai tháng 12/2008 với giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Hồng Ánh và sau đó là một loạt Liên hoan phim khác như Pusan, Bangkok, FIFF, châu Á-Thái Bình Dương.

Việc “Trăng nơi đáy giếng” được lựa chọn vào phần Tranh giải chính thức tại Liên hoan phim quốc tế Pháp ngữ (FIFF) lần thứ 24 tại Namur (Bỉ) hồi tháng 10 hay được đưa vào tranh giải ở khu vực dành riêng cho các phim do các nền điện ảnh thuộc Đông Nam Á sản xuất tại Liên hoan phim quốc tế Bangkok 2009 cũng đã là một thành công đáng kể của điện ảnh Việt trong năm qua.

Bộ phim thứ ba cũng được nhắc đến nhiều trong năm qua là “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Việc bộ phim này đoạt tới ba giải trong đó có Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam 2009 hay được chọn là đại diện cho Việt Nam dự tranh đề cử Oscar 2010 cho Phim nước ngoài hay nhất có lẽ không quan trọng bằng việc “Đừng đốt” đa đến được với khán giả quốc tế qua hàng loạt Liên hoan phim.

Cùng với “Huyền thoại bất tử”“Chơi vơi”, “Đừng đốt” có tên trong danh sách tuyển chọn chính thức khu vực “Cửa sổ nhìn ra điện ảnh châu Á” tại Liên hoan phim Pusan hồi tháng 10 tại Hàn Quốc.

Bộ phim này trước đó cũng đã giành giải “Khán giả bình chọn” của Liên hoan phim Fukuoka tại Nhật hồi tháng 9.

Tại đây, “Đừng đốt” cùng với “Huyền thoại bất tử” của đạo diễn Lưu Huỳnh là hai trong 20 bộ phim được lựa chọn chính thức.

“Đừng đốt” cũng là một trong ba bộ phim nhựa của Việt Nam được gửi đi dự Liên hoan phim châu Á-Thái Bình Dương diễn ra tại Đài Loan hồi tháng tháng 12/2009.

Nếu xét về khía cạnh giải thưởng thì cả ba bộ phim “Chơi vơi”, “Trăng nơi đáy giếng”“Đừng đốt” đều không mấy thành công. Tuy nhiên, có thể nói bộ ba này đã hoàn thành tốt sứ mạng quảng bá cho điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế trong năm 2009.

Điều đáng nói hơn là những liên hoan phim mà ba bộ phim này tham dự đa phần là những liên hoan phim uy tín, có độ cạnh tranh cao và không mang tính giao lưu đơn thuần hay gửi phim đi cho vui như thường thấy ở các phim Việt trước đó.

Trầy da tróc vảy vì phim ngoại

Nếu như năm 2009 chứng kiến những chuyến xuất ngoại tưng bừng của vài ba bộ phim thì điện ảnh trong nước lại phải trầy da tróc vẩy vì sức ép của phim ngoại trên chính sân nhà.

Trong khi điện ảnh trong nước vẫn duy trì tốc độ sản xuất phim “rùa bò” với chỉ trên chục đầu phim nhựa mỗi năm, trong đó đã có 4-5 đầu phim đều dồn vào dịp Tết, gần như không thể đáp ứng nhu cầu xem phim quanh năm của khán giả nội thì phim ngoại đã nhanh chân “chiếm sóng”.

Năm 2009 chứng kiến sự bùng nổ của thị trường phim ngoại nhập và sự bành trướng của các cụm rạp gắn mác nước ngoài tại thị trường Việt Nam.

Mô hình cụm rạp hiện đại với nhiều phòng chiếu và những dịch vụ và loại hình giải trí đi kèm như MegaStar, Lotte, Trung tâm chiếu phim quốc gia... ngày càng chứng tỏ sức hút với công chúng.

Trái với sự sôi động tại các cụm rạp MegaStar, Lotte, những rạp chiếu phim cũ, dù đa phần nằm ở các vị trí đẹp lại lâm vào cảnh chợ chiều vì không cạnh tranh nổi. Đã thế, các rạp này thường không được ưu tiên chiếu các bộ phim lớn của Hollywood ngay vòng 1 mà thường chiếu phim cũ nên càng mất khách.

Cả năm, phim Việt dường như chỉ trông chờ vào mỗi dịp Tết âm lịch với vài ba bộ phim nội cùng lúc ra quân và trụ lại trong thời gian khoảng một tháng. Còn lại, các rạp chiếu phim quanh năm chịu sự khống chế của phim ngoại mà chủ yếu là phim Mỹ.

Với tần suất nhập phim chóng mặt như hiện nay, trung bình mỗi tuần có 2-3 bộ phim mới ra rạp thì mỗi năm cũng đã có tới trên 100 bộ phim ngoại được chiếu tại thị trường Việt Nam, mà đa phần là những bộ phim chọn lọc với kinh phí từ hàng chục đến cả trăm triệu USD.

Năm 2009 cũng là một năm thách thức với điện ảnh trong nước khi quy định về hạn ngạch nhập khẩu phim bị bãi bỏ, tức là không hạn chế số lượng đối với phim nhập khẩu theo đúng cam kết của Việt Nam khi tham gia WTO.

Điều này có nghĩa là phim ngoại sẽ vào Việt Nam nhiều hơn, đa dạng hơn và khán giả Việt cũng có nhiều điều kiện tiếp cận với những bộ phim mới nhất của điện ảnh thế giới nhanh hơn.

Thực tế này diễn ra ngay ở những ngày cuối cùng của năm 2009 khi “Bẫy rồng”, một bộ phim võ thuật được đầu tư công phu với chi phí vỏn vẹn 800.000 USD của Việt Nam và bom tấn “Avatar”, bộ phim có chi phí sản xuất cao nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới với 235 triệu USD, được cho là bộ phim mở màn cho cuộc cách mạng về công nghệ mới của Hollywood ra rạp cùng thời điểm.

Do đã đặt lịch trước với các rạp chiếu phim cách đây nhiều tháng nên việc thay đổi lịch chiếu “Bẫy rồng” là nhiệm vụ bất khả thi cho dù nhà sản xuất nào cũng thừa biết đương đầu với một bộ phim tấn của Hollywood chẳng khác nào “châu chấu đá voi.”

Bởi không chỉ riêng “bom tấn” của Việt Nam mà ngay ở Hollywood, những bộ phim công chiếu cùng thời điểm với “Avatar” cũng đều bị đè bẹp do bộ phim này hút tới 50% lượng khán giả của tổng số các phim công chiếu cùng thời điểm.

Cuộc đấu với phim ngoại chắc chắn sẽ khốc liệt hơn nhiều trong năm 2010 tới, nhất là khi phim 3D được nhập về thị trường Việt Nam với tần suất 1 phim/tháng bên cạnh những bộ phim bom tấn của Hollywood được phát hành quanh năm, trong khi lượng phim Việt Nam sản xuất mỗi năm chưa với tới con số 20./.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục