Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 54/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh có hiệu lực từ ngày 7/7/2010.
Theo nghị định này, tỷ lệ số buổi chiếu phim truyện Việt Nam trên hệ thống rạp ít nhất phải đạt 20% so với tổng số buổi chiếu từ 18 đến 22h trong ngày, ngoài ra còn có thể chiếu vào các giờ khác. Tuy nhiên, với số lượng xuất xưởng khoảng 10 phim mỗi năm thì mốc 7/7/2010 đang trở thành "nhiệm vụ bất khả thi" đối với các rạp chiếu bóng và đẩy Nghị định 54 vào tình thế rất "kịch."
“Nghị định để… phấn đấu!”
Nghị định và hướng dẫn thực hiện như vậy rõ ràng là sẽ tạo thuận lợi cho các nhà sản xuất phim trong nước. Tuy nhiên, từ sự phát triển cần có quá trình đến nhu cầu “ngay và luôn” của thị trường là một khoảng cách rất lớn.
Theo thạc sĩ Nguyễn Danh Dương - Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, mục tiêu của Nghị định là rất tốt, rất đúng nhưng để thực hiện cần có một quá trình.
Ông Dương chia sẻ, nếu là một phim hay thì còn có khách chứ phim dở thì không thể mở một phòng chiếu cả 100 chỗ chỉ để phục vụ 5-7 khách. Đó là một sự lãng phí từ nhân lực đến tiền bạc rất vô lý. Song vấn đề chính là nhà làm phim và cả rạp chiếu phim phải cân nhắc bài toán hiệu quả, không phải cứ làm phim để cho có, đủ tiêu chuẩn về số lượng, thời lượng, mà cái chính phải là chất lượng...Tức là đặt ra bài toán dài hơn, đằng sau chuyện quy định 20%.
“Đối với Trung tâm Chiếu phim quốc gia thì việc thực hiện 20% số buổi chiếu trong giờ vàng ở một, hai phòng chiếu là có thể. Vấn đề là phải có phim được công chúng đón nhận. Với phim 'Bẫy rồng,' 'Để mai tính,' chúng tôi đã chiếu suốt hơn hai tháng nhưng vẫn nhiều khách xem. Và đương nhiên là toàn chiếu vào giờ đẹp. Thế nên tôi rất ủng hộ nghị định nhưng vấn đề làm sao phải có nhiều phim và các phim phải thực sự cuốn được khách xem, " ông Nguyễn Danh Dương nhấn mạnh.
"Kịch bản" của Nghị định cũng cần hơi thở thực tiễn
Theo Giám đốc một trung tâm chiếu phim lớn ở Hà Nội, hiện nay, mỗi năm trung tâm này chiếu khoảng 100 bộ phim, trong đó chỉ có gần 10 bộ phim của Việt Nam. Nếu quy định ngay 20% phim Việt chiếu trong suốt giờ vàng thì trung tâm sẽ không thể kiếm đủ phim để đáp ứng cho 5 phòng chiếu.
Ngược lại, số phim nhập khẩu lại có chiều hướng tăng dần theo từng năm. Dự kiến năm 2010, Megastar nhập khoảng 50 phim, Thiên Ngân nhập 30 phim, BHD nhập từ 20 đến 30 phim và Lotte Cinema nhập khoảng 10 phim. Như vậy, tổng cộng là trên 110 phim ngoại.
Không chỉ bị ảnh hưởng của phim nhập khẩu, các nhà sản xuất trong nước còn bị phim trên các kênh HBO, StarMovies, Cinemax do VTV mua bản quyền phát sóng “chiếm chỗ" với đủ loại phim, phụ đề tiếng Việt và phát sóng 24/24 giờ. Ngoài ra, nạn đĩa lậu cũng đã làm ảnh hưởng đến sản phẩm điện ảnh. Thế nên nếu phim không hay mà chỉ chiếu đủ số lượng theo quy định thì sẽ làm khán giả sẽ ngày càng thờ ơ với phim chiếu rạp.
Ông Trần Luân Kim – Chủ tịch Hội Điên Ảnh Việt Nam cũng nhận định rằng: “Nghị định nhằm tạo một cái mốc để vươn đến. Dù chưa thực hiện được ngay vì nhiều lý do nhưng nó có ý nghĩa thúc đẩy việc sản xuất phim trong nước.”
“Tuy nhiên cần phải có một sức bật mạnh mẽ thì mới có thể đạt được số lượng và chất lượng như yêu cầu. Phải có số lượng không phải chỉ để đáp ứng được số phim mà còn để có nhiều phim mà lựa chọn ra phim hay," ông Kim nói thêm.
Thực tế làm điện ảnh cho thấy, cho dù mỗi nhà làm phim, mỗi diễn viên đều muốn, đều cố gắng cho phim của mình xuất sắc, thế nhưng cũng như chọn hoa hậu phải chọn một trong số nhiều người đẹp thì chất lượng cuộc thi sẽ khác.
Không có chuyện sản xuất ra bao nhiêu bộ phim thì có bằng ấy bộ phim hay. Có số lượng để chọn nhưng cũng phải có chất lượng. Phải hấp dẫn thì mới chiếu được ở rạp. Nếu không thể hấp dẫn người xem thì bộ phim sẽ nhanh chóng bị xếp xó.
Ông Trần Luân Kim chia sẻ: “Bây giờ mình mới sản xuất được khoảng 10 phim trên tổng số hơn 100 phim nhập khẩu. Vậy thì tỷ lệ chỉ là dưới 10% mà lại muốn vươn lên 20% thì chỉ tính về số lượng đã là rất khó khăn. Đó là chưa kể đến quy định giờ chiếu ở rạp lại càng khó hơn nữa. Chắc chắn các rạp khó có thực hiện được yêu cầu của Nghị định 54 vì phim Việt còn rất thiếu.”
Nhìn lại chuyện “bia kèm lạc” trong lần quy định trước đây buộc các rạp phải chiếu phim tài liệu trước phim chính, ta sẽ nghĩ về tính khả thi của các quy định. Thực tế cho thấy, trong một Nghị định trước, yêu cầu chiếu phim tài liệu kèm theo phim truyện trong cùng một buổi chiếu đã gây khó cho các rạp.
Tương tự như phim truyện Việt, số lượng phim tài liệu được sản xuất trong năm cũng chỉ tính trên đầu ngón tay nên các buổi chiếu phim tài liệu cứ lặp đi lặp lại khiến khán giả nhàm chán và phản đối. Cuối cùng, Nghị định này chỉ "sống" được hai tháng, rồi "chết" hẳn.
Với cùng một "kịch bản" như nghị định trước, không biết Nghị định 54 sẽ "sống" được bao lâu?