2015 có lẽ là một năm thăng hoa của phim về cộng đồng LGBT (đồng tính nam/nữ, lưỡng tính và chuyển giới). Chỉ riêng Liên hoan phim Toronto đã quy tụ hơn 20 phim, và giới chuyên môn nhận định đó không phải chuyện tình cờ.
Điện ảnh được ví như khuôn cửa sổ mở vào từng mảnh đời của mỗi cá nhân, cũng vì thế, nó giúp công chúng nhìn thấy nhiều yếu tố khác biệt, thậm chí xa lạ và rất khó hình dung.
Tình yêu đồng giới từ lâu đã trở thành một đề tài thú vị, đặc biệt với các nhà làm phim nghệ thuật, nhưng ẩn chứa trong đó rất nhiều thách thức, giống cuộc phiêu lưu vào thế giới hoang dại và đầy biến đổi.
Những cuộc tình giằng xé
“Carol,” bộ phim mới trình chiếu hồi tháng 11/2015 vừa qua, với diễn xuất điêu luyện của Cate Blanchet và Rooney Mara không chỉ đơn thuần là một câu chuyện về tình yêu vượt qua mọi rào cản mà còn là hành trình đau đớn khám phá bản thân, giằng xé giữa những ham muốn đầy mâu thuẫn và quan trọng hơn hết: học cách trở thành một người đồng tính thực sự.
Thông điệp này cũng dễ dàng tìm thấy trong một kiệt tác đình đám khác của điện ảnh Pháp đã giành giải Cành cọ vàng năm 2013 là “Blue is the warmest colour.”
Theo dõi một giai đoạn ngắn ngủi trong cuộc đời Adèle (tên gốc của bộ phim là “La vie d’Adèle” - Cuộc sống của Adèle), khán giả chắc hẳn sẽ đồng cảm hơn với những người không-được-là-chính-mình. Bởi khi đó, họ sẽ chẳng thể nào tìm kiếm được một tình yêu đích thực, và mọi cố gắng để được bình thường như những người xung quanh sẽ chỉ là sự hành hạ bản thân cả về mặt thể xác lẫn tinh thần.
Quan điểm của Vương Gia Vệ trong bộ phim nổi tiếng “Xuân quang xạ tiết” lại có đôi chút khác biệt. Đạo diễn người Hong Kong dường như muốn mô tả những diện mạo khác nhau của tình yêu thông qua một cặp đồng tính nam. Ở đó, thông điệp rõ ràng mà ông muốn truyền tải chính là bất kỳ ai cũng có quyền yêu và sống hạnh phúc, nhưng hạnh phúc như thế nào lại tùy thuộc vào cách người ta nhìn nhận nó trong từng thời điểm của cuộc đời.
Trong khi đó, “Hỷ yến” của đạo diễn Lý An lại mang đến một câu chuyện đồng giới qua góc nhìn khắt khe của truyền thống phương Đông. Hóm hỉnh nhưng chua chát, bộ phim dạy các ông bố bà mẹ cách chấp nhận những mối tình không theo lẽ thường của con cái mình, đặc biệt vào lúc nó vẫn còn là chuyện cấm kỵ.
Tranh cãi vẫn còn, nhưng đã dần cởi mở
Điểm qua danh sách khoảng vài chục phim nổi tiếng nhất về đề tài này có thể nhận ra hầu hết đều tập trung khai thác khía cạnh nghiệt ngã của tình yêu, đặc biệt khi đặt nó trước sự phán xét của xã hội hoặc của bản thân nhân vật, những người vật vã để có được một cái tôi trọn vẹn. Như “Brokeback mountain” cũng của đạo diễn Lý An, không phải là một bộ phim “đồng tính nam” mà chỉ là “câu chuyện về hai người đàn ông yêu nhau,” theo lời diễn viên chính Jake Gyllenhaal.
Có những câu chuyện đơn giản như “Beautiful thing,”
“Making love,” hay hài hước, hóm hỉnh như “The adventures of Priscilla,”
“Queen of the desert,”
“But I’m a cheerleader,” cũng có những câu chuyện mệt mỏi và căng thẳng như “Milk,”
“Maurice”…
Dĩ nhiên, những bộ phim này thường không có kết thúc đẹp đẽ. Cho dù là một mối quan hệ thoáng qua trong “Chloe” hay dữ dội như trong “A single man,” cho dù là tình yêu đã đến mức thăng hoa như “Blue is the warmest colour” hay bền vững như “The kids are all right,” thì những dư vị để lại luôn là sự buồn bã tiếc nuối. Không phải ai cũng đủ dũng cảm đứng lên đấu tranh với cả một định chế xã hội như “Harvey Milk” trong “Milk” hay can đảm trải qua những giờ phút sinh tử như Eina Wegener trong “The Danish Girl” để “sửa chữa một sai lầm của tạo hóa”, rồi từ đó, tìm đến một tình yêu đích thực.
Mọi tác phẩm điện ảnh lấy chủ đề tình yêu đồng giới đều gây tranh cãi, bất kể chất lượng nghệ thuật cao tới đâu, ra mắt vào thời điểm nào. Đơn giản, bởi xã hội chưa đủ dũng khí, chưa đủ “thông thoáng” về mặt tư duy để tiếp nhận sự khác biệt - đã và vẫn đang bị nhiều người coi là tội lỗi này.
Tình yêu đồng giới trên màn ảnh cũng như ở ngoài đời luôn gặp nhiều thách thức chông gai. Nhưng, không thể không nói rằng, cũng nhờ những bộ phim như thế mà mọi thứ đang dần thay đổi. Hôn nhân đồng giới đã được chấp thuận ở nhiều quốc gia, người đồng tính và chuyển giới cũng nhận được nhiều cảm thông hơn từ cộng đồng.
Đặc biệt, sau sự kiện lịch sử nước Mỹ chính thức chấp nhận hôn nhân đồng giới hồi tháng 6/2015, dễ thường sẽ ngày càng có nhiều câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ điện ảnh, sẽ có nhiều diễn viên là người đồng tính, lưỡng tính hoặc chuyển giới thực sự tỏa sáng trong những bộ phim về chính họ.
Các nhà sản xuất thì hy vọng phim họ làm ra sẽ mang đến cho khán giả những góc nhìn đúng đắn hơn về cộng đồng LGBT, qua đó khơi dậy sự khoan dung và đồng cảm. Còn đạo diễn Tom Hopper của “The Danish Girl” thì mong muốn các bộ phim này sẽ giúp những người còn đang “mắc kẹt” trong việc xác định giới tính sớm tìm được câu trả lời thích hợp…/.
10 phim về tình yêu đồng giới hay nhất (theo lựa chọn của Tạp chí Đẹp)
1. “Brockback mountain” – đạo diễn Lý An
2. “Bound” – đạo diễn Andy & Lana Wachowski
3. “Beautiful thing” – đạo diễn Hettie MacDonald
4. “Xuân quang xạ tiết” – đạo diễn Vương Gia Vệ
5. “Bá vương biệt cơ” – đạo diễn Trần Khải Ca
6. “A single man” – đạo diễn Tom Ford
7. “Bad education” – đạo diễn Pedro Almodóvar
8. “Blue is the warmest colour” – đạo diễn Abdellatif Kechiche
9. “Maurice” – đạo diễn James Ivory
10. “Milk” – đạo diễn Gus Van Sant