Phim tài liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Ấn Độ: Những tư liệu quý

Bộ phim tài liệu dài khoảng 30 phút, sử dụng nhiều hình ảnh tư liệu quý về những chuyến đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Ấn Độ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ba lần đến thăm Ấn Độ.
Một số đại biểu dự sự kiện thông tin chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ấn Độ”. (Nguồn: Vietnam+)

Ngày 28/12, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tổ chức buổi thông tin chuyên đề “Phim tài liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Ấn Độ: bối cảnh và ý nghĩa.”

Đây là một sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động khoa học nhằm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ, đồng thời hướng tới việc kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ.

Diễn giả chính tại buổi chuyên đề là Phó giáo sư, Tiến sỹ Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông cũng là đạo diễn, người viết kịch bản, lời bình và thể hiện lời bình của bộ phim tài liệu “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ấn Độ.”

Phim tài liệu này là sản phẩm của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Công ty Truyền thông Media 21, được thực hiện vào năm 2021, nhằm ghi lại những câu chuyện lịch sử và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đất nước Ấn Độ.

Bộ phim tài liệu, dài khoảng 30 phút và thể hiện bằng hai ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Việt, đã tham gia Liên hoan Phim Tài liệu Quốc tế lần thứ 10 tại thành phố Noida, Ấn Độ vào năm 2022.

Phim sử dụng nhiều hình ảnh tư liệu quý về những chuyến đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Ấn Độ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ba lần đến thăm Ấn Độ. Lần thứ nhất vào năm 1911 khi Người làm phụ bếp trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville trong chuyến hải trình từ Việt Nam sang châu Âu.

Lần thứ hai Người dừng chân tại Ấn Độ vào năm 1946 khi đại diện Chính phủ Việt Nam sang thăm Pháp. Lần thứ ba là năm 1958 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Ấn Độ.

Tình cảm của Bác Hồ đối với đất nước và con người Ấn Độ đã đặt nền móng cho mối quan hệ truyền thống, hữu nghị hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày hôm nay.

Phim tài liệu được đánh giá là một công cụ truyền thông đối ngoại hữu ích, cũng như một tài liệu dạy học sống động cho hệ thống Học viện.

Các khách mời như Tiến sỹ Monica Sharma, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Vivekananda thuộc Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, và Tiến sỹ Đỗ Thanh Hải, Tham tán Công sứ-Người thứ Hai, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, đều đánh giá cao sự đóng góp của phim trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống hữu nghị giữa hai quốc gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục