Bộ phim mới của đạo diễn từng đoạt giải Oscar Lý An, “Life of Pi” (Cuộc đời của Pi) nói về mối quan hệ giữa một cậu bé Ấn Độ và một chú hổ Bengal. Nhưng trên thực tế, số lượng của những kẻ săn mồi này lại đang bị đe dọa bởi chính con người, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi xương hổ được dùng để nấu cao, được ví như một loại thần dược. Sự gia tăng xung đột giữa con người và động vật cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm số lượng loài hổ. Nhóm bảo vệ quyền lợi động vật PETA đang hy vọng sự nổi tiếng của bộ phim sẽ hướng sự quan tâm của con người vào hoàn cảnh sống thực tế của hổ Bengal. “Life of Pi là một tác phẩm hư cấu, nhưng có trong cuộc sống thực, có những mối đe dọa đối với động vật trong môi trường sống tự nhiên của chúng cần được giải quyết,” Manilal Valliyate, giám đốc hoạt động thú y tại PETA-India cho biết. Ấn Độ là nơi sinh sống của 1.706 cá thể hổ, theo số liệu mới nhất, tức chiếm gần một nửa dân số loài hổ trên thế giới. Tuy nhiên, con số đó là một phẩn nhỏ trong tổng số 40.000 con hổ đang sinh sống trên đất nước này vào năm 1947, khi Ấn Độ giành được độc lập. Hồi đầu tháng này, những người dân làng gần biên giới Bangladesh-Ấn Độ đã đánh một con hổ đến chết khi nó đi lạc từ Sundarbans, rừng ngập mặn lớn nhất thế giới. Đám đông đã dùng gậy và mái chèo đánh chết hổ vì nghi ngờ con vật đã tấn công một người dân địa phương. “Bản năng đầu tiên khi phát hiện ra một con hổ là giết chết nó,” Gurmeet Sapal, một nhà làm phim về động vật hoang dã có trụ sở tại New Delhi than thở. “Cảm giác sợ hãi và sự trừng trị rất mạnh mẽ, lấn át bất kỳ cảm xúc nào khác. Điều chúng ta không nhận ra là loài hổ không bao giờ tấn công con người trừ khi nó buộc phải làm thế,” Sapal cho AFP biết. Trong bộ phim của Lý An, nhân vật chính là Pi buộc phải chia sẻ một chiếc xuồng cứu sinh với một con hổ sau khi cả gia đình cậu chết vì bị đắm tàu, trên đường từ Ấn Độ tới Canada cùng với một số con vật từ sở thú. [Lý An dùng tới 4 con hổ để quay "Cuộc đời của Pi"] Ban đầu Pi rất sợ hãi, nhưng rồi cậu phải cố gắng để huấn luyện con hổ, với hy vọng nó sẽ không giết mình khi lên cơn đói khát. Mối quan hệ dần dần phát triển giữa hai nhân vật trong 227 ngày cả hai cùng chia sẻ chiếc xuồng cứu sinh. Ấn Độ đang vật lộn để ngăn chặn sự suy giảm của loài hổ do những kẻ săn trộm, mạng lưới buôn lậu quốc tế và sự suy giảm môi trường sống, khiến các loài động vật phải rời khỏi rừng để tìm kiếm thức ăn. Đầu năm nay, theo báo cáo của Tigernet, cơ sở dữ liệu chính thức của cơ quan bảo tồn quốc gia, thì đã có 58 cá thể hổ đã chết. “Thức ăn của loài hổ đã nhanh chóng suy giảm bởi chúng ta đã đụng đến nguồn tài nguyên của chúng. Động vật ăn thịt phải nỗ lực rất nhiều để tìm thức ăn,” Mayukh Chatterjee, một người ủng hộ với Bảo vệ động vật hoang dã của Ấn Độ cho biết. “Trong kịch bản như vậy, vật nuôi và con người dễ dàng trở thành con mồi cho loài hổ và chắc chắn sẽ dẫn đến xung đột,” ông cho AFP biết. Nhà làm phim Sapal nói rằng việc con người coi loài hổ là một loài vật nguy hiểm là chuyện bình thường, nhưng hình ảnh về một con vật giết người và phàm ăn là không chính xác.
Da hổ cũng là món đồ trang trí giá trị (Nguồn: AFP)
“Hổ không giết chóc để tiêu khiển. Chúng không lưu giữ thịt trong nhiệt độ lạnh. Chúng giết con mồi của mình khi đang đói,” ông nói. “Nếu chúng tôi có thể làm mọi người hiêu được tầm quan trọng của hổ trong chuỗi thức ăn và hệ sinh thái của chúng ta, chúng tôi có thể thắng được một nửa trận chiến.” Nửa còn lại – chống lại những kẻ tham lam săn trộm hổ– chỉ có thể giành chiến thắng khi liên tục giám sát và tuần tra, Belinda Wright, giám đốc của Hiệp hội phi lợi nhuận bảo vệ động vật hoang dã của Ấn Độ cho biết. “Bi kịch là hổ chết có giá trị lớn hơn hổ sống đối với những kẻ tội phạm,” Wright cho AFP cay đăng nói./.
S.N (Vietnam+)