Mới đầu năm 2021, các diễn đàn điện ảnh Việt Nam xôn xao với không chỉ chuyện rút phim, “chèn ép” giờ chiếu mà còn cả những số tiền sản xuất lỗ hàng chục tỷ đồng.
Những cuộc tranh cãi, làn sóng tẩy chay xung quanh từ khóa “phim chuyển thể” cũng khiến điện ảnh tháng Một trở nên sôi động, nhưng lại là theo chiều hướng tiêu cực.
Chưa chạm tới kỳ vọng của khán giả
Loạt phim điện ảnh chuyển thể từ các tác phẩm văn học, truyện tranh Việt Nam đình đám gần đây không chạm tới kỳ vọng của người hâm mộ, thậm chí tạo hiệu ứng xấu như hô hào tẩy chay.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn (phim học đường “Dành cho tháng Sáu,” “Mặt trời, con ở đâu?”) nhận định nguyên nhân nằm ở việc: “Khán giả muốn chuyển thể trung thực và họ tin rằng đó là cách tốt nhất truyền tải đúng và đủ các bài học, giá trị nhân văn trong truyện trong khi đạo diễn lại muốn sáng tạo.”
Những bộ phim có "mâu thuẫn" như trên gồm “Cậu Vàng” (sáng tạo chủ yếu từ “Lão Hạc,” “Sống mòn” và “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao) và hai phim chưa ra mắt “Kiều” (dựa theo “Truyện Kiều,” Nguyễn Du), “Trạng Tý phiêu lưu ký” (chuyển thể từ bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt”).
Trong đó, phim khiến khán giả bất bình và “đứng ngồi không yên” nhất vẫn là “Cậu Vàng” và “Trạng Tý phiêu lưu ký.” Vấn đề chung của hai phim nằm ở sự “lệch sóng” với khán giả về xu hướng chuyển thể.
Liên hệ giữa chuyện sáng tạo của đạo diễn và tẩy chay của khán giả, đạo diễn Hữu Tuấn cũng nhận xét: “Nhà làm phim có quyền làm phim theo tưởng tượng của mình, miễn không làm ảnh hưởng tới nhân thân tác giả."
Anh cũng khẳng định khi phim khác với những gì khán giả tưởng tượng, họ phản đối, ngay cả tẩy chay cũng là chuyện bình thường.
[Mặc dư luận, 'Cậu Vàng' ngoại vẫn được chọn cho phim thuần Việt?]
"Tuy nhiên, người làm phim cần học cách chấp nhận và lường trước được những tình huống như thế này. Khán giả cũng cần tránh quá khích và tấn công những người khác quan điểm.”
Không chỉ gây tranh cãi, bị hô hào tẩy chay từ khâu tiền kỳ (chọn lựa “diễn viên”), phim “Cậu Vàng” còn bị nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm nhận xét là “phá nát tinh thần của tác phẩm gốc, đặc biệt là những tác phẩm văn chương kinh điển.”
Bộ phim bổ sung nhiều tuyến nhân vật và lồng ghép nhiều câu chuyện khiến anh đánh giá bộ phim là “một thứ ngôn tình hời hợt, sống sượng, thông điệp về luật nhân quả hết sức ngô nghê” và hình thức thể hiện “chẳng ra phim cũng chẳng ra truyền hình, cũng khó gọi là sân khấu.”
Chất lượng quyết định số phận phim
Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, thu về 2 tỷ đồng sau 3 ngày chiếu đầu được coi là thành tích không tệ nhưng “Cậu Vàng” chỉ dừng ở 3 tỷ đồng trong suốt gần nửa tháng trụ rạp vì chất lượng yếu.
Anh cũng nhận xét trong khi nhiều phim chỉ có doanh thu “lẹt đẹt”: “Sám hối” của Bình Minh thu 900 triệu đồng, “Võ sinh đại chiến” và ”Người cần quên phải nhớ” lần lượt thu 1,3 tỷ đồng và 1,9 tỷ đồng thì chỉ có tác phẩm chuyển thể từ truyện ngắn của Nam Cao - “Cậu Vàng” chịu làn sóng tẩy chay.
Biên kịch Trần Khánh Dương (người sáng lập cộng đồng truyện tranh Comic Cola, bộ truyện tranh “Long thần tướng”) nhận xét chính những con số này khẳng định một điều: Tẩy chay hay không, doanh thu của phim phản ánh chính chất lượng của tác phẩm.
Chính vì vậy, anh cho rằng “Trạng Tý” hiện chưa ra mắt nên khó đưa ra đánh giá toàn diện nào.
Trước câu hỏi: Đạo diễn cần giữ yếu tố nào từ tác phẩm gốc để dễ chiều lòng khán giả, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho biết sẽ rất khó để chỉ ra từng đầu mục. Bởi, tốt hay dở tùy thuộc hoàn toàn vào tài năng và mục đích của nhà làm phim chứ không có “tiêu chuẩn vàng” nào khi chuyển thể.
Trước đó, “Trạng Tý phiêu lưu ký” đã đăng tải đoạn trích “Pháp sư gọi bưởi.” Do những thay đổi giữa phim và nguyên tác khiến khán giả đã phản ứng tiêu cực, nhà sản xuất rút đoạn video khỏi internet ngay trong ngày và cho biết sẽ thực hiện chỉnh sửa cho phù hợp.
Trong nguyên tác, khi lũ trẻ đang chơi đá bóng bằng một quả bưởi, nhân vật Cả Mẹo đã đá quả bưởi xuống một hố sâu. Để giải quyết, nhân vật Tí đã huy động các bạn đổ nước từ bên ngoài vào giếng khiến khán giả xôn xao, cho rằng giếng nối mạch nước ngầm nên không thể làm đầy bằng cách này, đồng thời làm vậy có thể khiến nước giếng bị vẩn đục.
Việc chọn diễn viên và xây dựng nhân vật bước đầu của phim dường như cũng không đạt tới kỳ vọng của khán giả, cho rằng nhân vật Trạng Tý không toát lên vẻ lanh lợi như họ thường tưởng tượng.
Lồng ghép yếu tố kỳ ảo, câu chuyện đi tìm cha không có trong nguyên tác cũng khiến khán giả cảm thấy “thiếu trung thực so với truyện.” Những điểm sáng tạo của đạo diễn sinh ra một lượng anti-fan, phản đối và hô hào tẩy chay phim.
Song anh Nguyễn Hữu Tuấn khẳng định vẫn còn những khán giả trung lập chờ đón phim: “Hãy để chất lượng phim tự quyết định số phận của nó, phim hay thì có doanh thu, phim dở thì anti-fan có thêm lực lượng...”./.
Nhiều phim Việt báo lỗ hàng chục tỷ đồng Tháng 1/2021, nhiều phim lần lượt báo lỗ hàng chục tỷ đồng: “Sám hối” của Bình Minh lỗ 49 tỷ đồng, “Võ sinh đại chiến” và ”Người cần quên phải nhớ” đều lỗ trên 24 tỷ đồng, “Cậu Vàng” lỗ hơn 20 tỷ đồng. Song đây không phải hiện tượng mới, theo nhận định của nhiều nhà quan sát điện ảnh. Họ ước lượng: Mỗi năm phim Việt ra mắt mới chừng 40 tác phẩm, chưa tới 1/10 trong đó thực sự để lại điểm nhấn về doanh thu hay phản hồi tốt. Nhà sản xuất Charlie Nguyễn thừa nhận “Người cần quên phải nhớ” đã “không chạm được tới trái tim khán giả, không khiến người xem khóc, cười cùng nhân vật.” Vấn đề tương tự nằm ở “Võ sinh đại chiến” - phim có nội dung chỉn chu nhưng không đủ hấp dẫn với khâu quảng bá yếu, theo nhận định của phần lớn khán giả. “Sám hối” là trường hợp phim không thuyết phục được khán giả, khi nhiều cá nhân thuộc giới phê bình quyết định không xem vì “chủ đề không hấp dẫn, phản hồi của khán giả yếu, phong cách quay chậm của phim Ấn Độ không hợp thị hiếu.” |