Ngày 17/11, đã có thêm nhiều binh sỹ và cảnh sát được điều động đến thành phố Tacloban, miền Trung Philippines, nơi siêu bão Haiyan tàn phá cách đây 1 tuần, để ổn định an ninh.
Tình trạng cướp phá lan tràn đã khiến một số thành viên của tổ chức cứu hộ quốc tế, trong đó có Plan International, trước đó đã phải rời khỏi thành phố vì lý do an ninh. Hiện đã có thêm nhiều cảnh sát tuần tra trên đường phố so với những ngày trước đó.
Ngoài ra, do khâu tổ chức thiếu hiệu quả, hầu hết các nạn nhân đều không biết thông tin về việc tái định cư cũng như những địa điểm tạm trú. Việc phân phối công bằng các nhu yếu phẩm cũng rất khó khăn.
Trước đó, ngày 16/11, Ngoại trưởng Italy Emma Bonino cho hay trong số thiệt hại về người do trận siêu bão gây ra, 1 phụ nữ Italy đã thiệt mạng và 2 công dân khác của nước này bị mất tích.
Theo bà Bonino, Italy hiện đã gây quỹ được 1,1 triệu euro (1,5 triệu USD) cho những nỗ lực cứu hộ ở Philippines, trong khi dịch vụ bưu chính nước này sẽ cho phép tiền gửi về Philippines không mất phí trong 4 tháng. Một tàu chở hàng của Italy cũng đã đến đảo Cebu, Philippines vào sáng 16/11.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết một số công dân nước ông đã bị mất tích sau cơn bão Haiyan, song không nói rõ có bao nhiêu người.
Cùng trong ngày 16/11, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước đã sẵn sàng gửi các đội cứu hộ cũng như y tế đến các khu vực hứng chịu thảm họa do bão Haiyan gây ra ở Philippines.
Cụ thể, nhóm cứu hộ Blue Sky cùng với Hội chữ thập đỏ của Trung Quốc và các nhóm cứu hộ phi chính phủ khác đã bày tỏ mong muốn tham gia công tác cứu trợ tại Philippines. Lực lượng cứu hộ nước này sẽ sớm lên đường nếu được phép.
Theo Bộ Ngoại giao Philippines, tính đến ngày 15/11, quốc gia này đã nhận được hỗ trợ từ các chính phủ và các tổ chức nước ngoài cho nạn nhân bão Haiyan với tổng số tiền lên tới 5,48 tỷ peso (126,8 triệu USD).
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết các nguồn tài trợ đến từ 43 quốc gia và các tổ chức quốc tế. Nước vừa tuyên bố hỗ trợ là Kuwait với cam kết 10 triệu USD thông qua tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Kuwait. Cho đến nay, Mỹ là nước đóng góp lớn nhất vào nỗ lực chung khi điều một nhóm 8 tàu sân bay do tàu khổng lồ USS George Washington dẫn đầu tới Philippines.
Bên cạnh đó, Nhật Bản đã tăng gấp ba gói cứu trợ khẩn cấp lên hơn 30 triệu USD và đang chuẩn bị gửi 1.000 binh sỹ đến giúp các nỗ lực cứu trợ. Australia cũng đã điều 3 máy bay vận tải C-130 Hercules, tàu đổ bộ HMAS Tobruk cũng đang được chuyển hướng đến Philippines.
Các máy bay C-130 khác cũng đang được các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Điển, Thái Lan, và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), cũng như các cơ quan Liên hợp quốc và các tổ chức từ thiện tư nhân triển khai.
Ngày 16/11, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nêu rõ việc siêu bão Haiyan cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người tại Philippines là một ví dụ điển hình của sự biến đổi khí hậu và đây cũng là lời cảnh báo đối với loài người.
Liên hợp quốc đã nhấn mạnh mực nước biển dâng cao khiến những người dân sinh sống ven biển dễ bị tổn thương trước các đợt bão.
Tổ chức Khí tượng học thế giới (WMO) nhận định năm 2013 có xu hướng trở thành một trong những năm nóng nhất kể từ khi số liệu bắt đầu được thu thập, đồng thời mực nước biển cũng đã đạt mức cao kỷ lục.
Ông Ban Ki-moon cho biết Liên hợp quốc đã thành lập một ủy ban cố vấn khoa học, trong đó có ít nhất 30 nhà khoa học sẽ bắt đầu làm việc từ tháng 2/2014 nhằm giúp Liên hợp quốc đưa ra các quyết định về bảo vệ các nguồn tài nguyên toàn cầu và giải quyết mối đe dọa biến đổi khí hậu./.