Philippines nhanh chóng "hồi sinh" liên minh lâu đời với Mỹ?

Trong “nhiệm kỳ thứ hai trên thực tế,” ông Duterte có thể sẽ tiếp tục làm hoen ố nền dân chủ của Philippines, vốn đã trở nên lung lay hơn dưới sự cai trị của ông.
Philippines nhanh chóng "hồi sinh" liên minh lâu đời với Mỹ? ảnh 1Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu tại thủ đô Manila ngày 26/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong cuộc gặp năm 2017 tại Bắc Kinh với người đồng cấp Philippines Alan Peter Cayetano, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã ca ngợi “thời kỳ phát triển vàng son” trong quan hệ song phương giữa hai nước. Đứng cạnh ông Cayetano, người sau đó trở thành Chủ tịch Hạ viện Philippines, ông Vương Nghị nhấn mạnh rằng 2 nước đã ký kết 22 thỏa thuận hợp tác trong chưa đầy 6 tháng.

Với việc Trung Quốc lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Philippines trong kỷ nguyên hiện đại,ông Vương Nghị tuyên bố: “Nếu bất kỳ ai muốn đảo ngược tiến trình hiện tại, điều đó sẽ gây tổn hại đến lợi ích của người dân Philippines và đó không phải là điều chúng tôi muốn thấy”. Sau nhiều năm quan hệ hài hòa trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông căng thẳng, cuối cùng, hai nước láng giềng này đã tìm thấy điểm chung để xây dựng một tương lai hợp tác.

Tuy nhiên, "thời kỳ vàng son" của quan hệ song phương Trung Quốc-Philippines không kéo dài vì Manila đã dần nối lại quan hệ với Mỹ - đế quốc đô hộ cũ và là đồng minh hiệp ước duy nhất của họ.

Trong những tháng cầm quyền cuối cùng, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - người trước đó đã tuyên bố “tách khỏi Mỹ” trong chuyến thăm cấp cao tới nước này - đang thay đổi giọng điệu.

[Tổng thống Philippines R. Duterte tuyên bố rút khỏi chính trường]

Ông Duterte đã khôi phục hoàn toàn Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) và công khai cảm ơn chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vì đã hỗ trợ Philippines trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, đặc biệt là việc tài trợ vaccine do Mỹ sản xuất trên quy mô lớn.

Trong khi đó, các cấp phó và tướng lĩnh hàng đầu của ông đang giám sát việc xây dựng ổn định hợp tác quốc phòng với Lầu Năm Góc, khi hai đồng minh đánh dấu kỷ niệm 70 năm Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) trong năm 2021.

Năm 2022, khi Tổng thống Duterte bước vào những tháng cầm quyền cuối cùng, hai đồng minh sẽ nối lại các hoạt động chiến tranh trên “quy mô toàn diện”, dự kiến nâng số lượng các cuộc tập trận song phương lên mức kỷ lục.

“Tuần trăng mật” ngắn ngủi

Khi Tổng thống Duterte mới lên nắm quyền, có nhiều lý do chính đáng để kỳ vọng vào một cuộc cải tổ lớn trong chính sách đối ngoại của Philippines. Mặt khác, ông Duterte không hoàn toàn nể phục Mỹ, quốc gia vốn bị ông nhiều lần cáo buộc là ngang nhiên can thiệp vào công việc nội bộ của Philippines.

Ác cảm của ông Duterte đối với phương Tây phần lớn bắt nguồn từ kinh nghiệm cá nhân của ông khi còn là một chính khách cấp tỉnh ở Mindanao, một hòn đảo nghèo khó ở miền Nam Philippines, nơi thường xuyên bị Mỹ can thiệp quân sự trong suốt thế kỷ qua.

Từ cuộc chiếm đóng thuộc địa của Mỹ ở Philippines vào đầu thế kỷ XX đến Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu (GWOT) thời Bush, Mindanao đã phải trả giá đắt cho những hành động can dự của Washington. Hơn nữa, ông Duterte cũng có tư tưởng đối đầu với phương Tây.

Trong số các cố vấn tại trường đại học của ông có Jose Maria Sison, cựu giáo sư và là người sáng lập Đảng Cộng sản Philippines, và Nur Misuari, thủ lĩnh nhóm ly khai Hồi giáo ở Mindanao.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Philippines cũng có nhiều lý do thực dụng hơn để suy nghĩ lại về mối quan hệ đồng minh kéo dài nhiều thế kỷ giữa nước này với Mỹ.

Theo quan điểm của Tổng thống Duterte, Mỹ hầu như không bao giờ là một đối tác đáng tin cậy, thường coi Philippines không là gì ngoài một tiền đồn thuộc địa ở Đông Nam Á. Liên quan đến các tranh chấp trên Biển Đông, ông Duterte từng hỏi đại sứ Mỹ tại Manila: "Ông có đồng hành cùng chúng tôi không?", ngụ ý rằng Mỹ sẽ từ bỏ đồng minh Đông Nam Á trong trường hợp xảy ra xung đột tại khu vực này.

Trái lại, Tổng thống Duterte lại coi Trung Quốc là một siêu cường đang trỗi dậy và chưa từng can thiệp vào nền chính trị hiện đại của Philippines. Quan trọng hơn, ông coi Trung Quốc là một đối tác tiềm năng cho sự phát triển quốc gia cũng như một nhà bảo trợ chiến lược, đặc biệt là trước những chỉ trích toàn cầu về cuộc chiến ma túy tàn khốc và hồ sơ nhân quyền của Philippines.

Mọi chuyện bắt đầu với chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Duterte tới Bắc Kinh vào năm 2016, khi Trung Quốc đề nghị đầu tư 24 tỷ USD và các thỏa thuận hợp tác tiềm năng nhằm hạn chế căng thẳng trên Biển Đông, trong đó có một thỏa thuận phát triển chung về việc chia sẻ các nguồn tài nguyên hydrocarbon trong khu vực.

Tuy nhiên, khởi đầu đầy hứa hẹn này đã bị tổn hại bởi 2 yếu tố quan trọng:  Trước hết, các nhà phê bình bắt đầu cáo buộc Trung Quốc đặt ra “bẫy cam kết” vì Bắc Kinh hầu như không thực hiện lời hứa đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Sự hoài nghi của công chúng kết hợp với sự thiếu chắc chắn trong quy định, cũng như những bất đồng lâu năm về các điều khoản hợp đồng và lãi suất đã hủy hoại hầu hết các dự án lớn do Trung Quốc tài trợ.

Thứ hai, hai bên không thể hoàn tất bất kỳ thỏa thuận lớn nào nhằm tăng cường hợp tác trên Biển Đông trong bối cảnh bất đồng về các điều khoản pháp lý, vì Bắc Kinh vẫn kiên quyết với yêu sách “đường 9 đoạn”, trong khi Philippines liên tục nhắc lại phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 tại La Haye.

Hàng loạt sự cố lớn, trong đó có vụ một tàu dân quân được cho là của Trung Quốc đánh chìm một tàu cá Philippines ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) vào năm 2019, cũng như căng thẳng kéo dài nhiều tháng ở Đá Ba Đầu trong năm 2021, càng làm tăng thêm sự hoài nghi của công chúng về khả năng Philippines hướng tới bất kỳ thỏa thuận hợp tác nào với Trung Quốc.

Quay lại với Mỹ

Giữa những kỳ vọng chưa thành hiện thực về hợp tác kinh tế sâu rộng, căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và việc người dân kêu gọi chính phủ thể hiện lập trường mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc, giới tinh hoa an ninh Philippines đã nắm bắt cơ hội khôi phục quan hệ vốn đang rạn nứt với Mỹ.

Nhiều năm qua, giới chức chính sách đối ngoại và quốc phòng Philippines có tư tưởng truyền thống - trong đó có nhiều người được đào tạo ở Mỹ - đã chống lại bất kỳ thỏa thuận quốc phòng hay thỏa thuận hợp tác lớn nào với Trung Quốc tại Biển Đông.

Trên thực tế, giới tinh hoa chiến lược Philippines vẫn luôn thúc đẩy hợp tác quốc phòng mở rộng với Lầu Năm Góc trong suốt những năm qua, nổi bật là việc hai nước đã có 281 cuộc tập trận quân sự song phương vào năm 2019.

Cả Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, một cựu tướng lĩnh và tùy viên quốc phòng tại Washington, và Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro Locsin Jr., một luật sư và nhà báo được đào tạo tại Harvard, đều ủng hộ việc duy trì và thậm chí mở rộng hợp tác quốc phòng với Mỹ.

Cả hai quan chức này cũng công khai chỉ trích các hoạt động xâm nhập của Trung Quốc vào vùng biển Philippines, thường với lời lẽ gay gắt.

Nhờ cuộc vận động hành lang không ngừng nghỉ của cơ quan quốc phòng Philippines, Tổng thống Duterte đã đồng ý khôi phục hoàn toàn VFA với Mỹ trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến Manila vào cuối tháng 7/2021.

Khi được hỏi về sự thay đổi này, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines tự tin trả lời: "Từ quan điểm cá nhân, tôi cho rằng sau tất cả, có vẻ như Tổng thống không quyết liệt trong việc chấm dứt VFA".

Ngay sau đó, cả Lorenzana và Locsin đều đến thăm Washington để kỷ niệm 70 năm thành lập MDT, nền tảng của liên minh Mỹ-Philippines. Sau cuộc gặp giữa các quan chức hàng đầu, hai nước đã đồng ý nối lại Đối thoại Chiến lược Song phương vào cuối năm 2021, tiến hành Đối thoại Bộ trưởng với định dạng “2+2” vào đầu năm 2022 và thậm chí đàm phán về một khuôn khổ quốc phòng mới để tăng cường hợp tác an ninh hàng hải.

Sau khi khôi phục thành công VFA, hai đồng minh hiện đang tập trung vào việc vận hành đầy đủ Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA), cho phép quân đội Mỹ chuẩn bị vũ khí và tài sản chiến lược tại các căn cứ quan trọng gần Biển Đông.

Trên thực tế, trong một bài phát biểu tại Washington năm 2021, Lorenzana đã đề xuất những cải thiện lớn trong MDT nhằm làm sâu sắc hơn nữa hợp tác an ninh hàng hải trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng.

Trong lúc quan hệ song phương đang được cải thiện nhanh chóng, gần đây, vị tướng mới được bổ nhiệm của quân đội Philippines là Jose Faustino Jr. tuyên bố rằng các hoạt động chiến tranh song phương ở Biển Đông sẽ tiếp tục trên “quy mô toàn diện” trong tương lai gần. Theo dự kiến, hai nước sẽ có hơn 300 hoạt động quân sự chung trong năm 2022. Nói tóm lại Philippines và Mỹ đang nhanh chóng hồi sinh liên minh lâu đời của họ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục