Lực lượng đặc nhiệm của Philippines chống virus SARS-CoV-2 đã chấp thuận cho các nhà đầu tư nước ngoài nhập cảnh nước này, bắt đầu từ ngày 1/11.
Thông tin trên do người phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông Harry Roque, đưa ra trong một phát biểu trên truyền hình ngày 23/10. Theo đó, người nước ngoài có giấy phép đầu tư do các cơ quan chức năng Philippines cấp sẽ được nhập cảnh nước này.
Quy định mới trên nằm trong một loạt các biện pháp nới lỏng được công bố cùng ngày nhằm nhanh chóng vực dậy nền kinh tế đất nước bị suy thoái do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trước đó, Philippines đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại từ tháng Hai để ngăn chặn dịch lây lan.
[Ấn Độ: Bang Tây Bengal có số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay]
Cùng ngày, Ấn Độ đã quyết định nới lỏng các hạn chế về thị thực nhằm cho phép công dân nước ngoài nhập cảnh nước này bằng đường không và đường biển vì các mục đích, ngoại trừ du lịch.
Thông báo của Bộ Các vấn đề nội địa Ấn Độ cho biết chính phủ "đã quyết định từng bước nới lỏng các hạn chế về thị thực và đi lại đối công dân nước ngoài và công dân Ấn Độ muốn nhập cảnh hoặc xuất cảnh."
Theo thông báo trên, các công dân nước ngoài có thể được nhập cảnh với mục đích kinh doanh, hội thảo, lao động, học tập, nghiên cứu, y tế..., song không cấp thị thực du lịch. Tất cả người nhập cảnh đều phải tuân thủ nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế Ấn Độ về cách ly.
Từ tháng Hai vừa qua, Ấn Độ đã áp dụng một loạt quy định nhằm kiềm chế hoạt động xuất-nhập cảnh của hành khách quốc tế.
Tháng Sáu vừa qua, một số hạn chế về thị thực đối với người nước ngoài đã được nới lỏng với đối tượng là doanh nhân đến Ấn Độ trên các chuyến bay thuê bao, các chuyên gia y tế và các chuyên gia kỹ thuật, nhà quản lý, thiết kế...
Đến tháng Tám, chính phủ nước này nới lỏng các hạn chế về thị thực, cho phép các phóng viên nước ngoài và công dân các nước Mỹ, Anh, Đức và Pháp nhập cảnh theo diện thị thực kinh doanh, thị thực làm việc, thị thực y tế.
Hiện, Ấn Độ đã ghi nhận 7.761.312 ca nhiễm, trong đó có 117.336 ca tử vong, là nước bị ảnh hưởng lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Trong một diễn biến khác, Nhóm Chuyên gia phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản sẽ đề xuất kéo dài kỳ nghỉ Năm mới Dương lịch thêm khoảng một tuần đến ngày 11/1 nhằm giảm thiểu tình trạng một lượng lớn người đổ về quê.
Kỳ nghỉ Năm mới Dương lịch ở Nhật Bản - hay còn gọi là Oshougatsu, thường được diễn ra từ ngày 1-3/1. Người Nhật quan niệm Oshougatsu là Tết sum vầy, đoàn viên nên vào những ngày này, các thành viên trong gia đình thường có truyền thống gặp mặt ăn cơm tất niên và cơm mừng năm mới./.