Philstar đưa tin, để biện minh cho lập trường mềm mỏng của chính quyền Philippines trong các tranh chấp trên biển, Tổng thống Rodrigo Duterte liên tục khẳng định việc thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ dẫn đến chiến tranh.
Tuy nhiên, Manila thực tế có nhiều lựa chọn hơn việc phát động chiến tranh.
Philippines có các lựa chọn chính sách về pháp lý, ngoại giao và an ninh sau phán quyết của tòa án quốc tế hồi tháng 6/2016.
Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Hàng hải và Luật biển, Đại học Philippines, nhận xét, việc sử dụng các lực lượng vũ trang để giải quyết tranh chấp chắc chắn không phải là một lựa chọn.
Giáo sư Batongbacal nói: “Khung chính sách duy nhất của Philippines trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông cần phải được dựa trên các phương thức xử lý tranh chấp hòa bình được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc và Phần XV của Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).”
Giáo sư Batongbacal cũng cho rằng có khả năng Trung Quốc thay đổi lập trường xung quanh phán quyết của tòa trọng tài thường trực quốc tế, một khi “có sự trao đổi quyền hợp pháp lấy lợi ích kinh tế hoặc một sự thỏa hiệp bị ép buộc thông qua các hành động đơn phương.”
[Philippines: Đã giải quyết việc Trung Quốc điều tàu đến bãi Sandy Cay]
Việc tái khởi động đàm phán tranh chấp với Trung Quốc trên cơ sở lập trường pháp lý sẽ trao cho Philippines hai lựa chọn: hợp tác và cải thiện quan hệ song phương, hoặc tiếp tục xuất hiện các hành động đơn phương và leo thang căng thẳng trên biển.
Ông Batongbacal nhận xét: “Các lựa chọn này cho thấy đây là các phương án phù hợp nhất cho Philippines để bảo vệ và duy trì các đặc quyền và lợi ích trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa, trong khi vẫn để ngỏ cánh cửa hợp tác liên quan tới các lợi ích chung tại các khu vực tranh chấp còn lại....”
Giáo sư luật hàng hải này nhận xét: “Tóm lại, phán quyết đã trao cho Philippines đòn bẩy pháp lý rất mạnh, có thể được tận dụng trong các mối quan hệ song phương và các cuộc thảo luận với Trung Quốc, và trong các mối quan hệ đa phương với các bên khác trong và ngoài khu vực.”
Trong khi đó, nhà phân tích chính trị Richard Heydarian đề xuất, một thỏa thuận đánh bắt chung tại Bãi cạn Scarborough, khu vực mà Bắc Kinh tiếp tục kiểm soát, sẽ là một sự thỏa hiệp “mang tính thay đổi cuộc chơi."
Theo chuyên gia này, xét tới việc chính quyền Tổng thống Duterte nghiêng về phương án tránh xung đột, một thỏa thuận thỏa đáng cho cả hai bên sẽ tiến gần hơn tới mục tiêu tái bình thường hóa quan hệ giữa hai nước này.
Còn Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), một viện nghiên cứu của Mỹ, đề xuất, ASEAN hoặc một bên trung lập như Singapore nên đóng vai trò hòa giải trong trường hợp xung đột xảy ra trong khu vực.
CFR nhận định: “Các bên cũng có thể kêu gọi tiến hành một phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để đàm phán một lệnh đình chiến, mặc dù việc Trung Quốc là một thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an có thể hạn chế tính hiệu quả của phương án này.”
CFR cũng đề xuất phương án thiết lập các cơ chế liên lạc, như đường dây nóng quân sự để giải quyết các tình huống khẩn cấp trên biển, tương tự như cơ chế đã được thiết lập giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam, hay Trung Quốc và ASEAN.
Trong tình huống xung đột liên quan tới Philippines nổ ra, Mỹ có nghĩa vụ xem xét hành động quân sự trong khuôn khổ Hiệp ước Quốc phòng Chung./.