Philippines kêu gọi Indonesia dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu than đá

Là quốc gia vốn phụ thuộc rất lớn vào than đá để sản xuất điện, Philippines chủ yếu nhập khẩu mặt hàng này từ Indonesia, phần còn lại nhập khẩu từ Australia và Việt Nam.
Philippines kêu gọi Indonesia dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu than đá ảnh 1Indonesia là nhà xuất khẩu than nhiệt điện lớn nhất thế giới, cung cấp phần lớn nhiên liệu mà Philippines sử dụng trong các nhà máy điện. (Nguồn: Reuters)

Ngày 10/1, Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi đã kêu gọi Indonesia dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu than đá, cho rằng chính sách này sẽ gây bất lợi cho các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào loại nhiên liệu này để sản xuất điện.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Indonesia - nhà xuất khẩu than lớn nhất thế giới - đã đình chỉ xuất khẩu mặt hàng này vào ngày 1/1/2022 sau khi Tổng Công ty điện lực PLN công bố mức tồn kho nhiên liệu tại các nhà máy điện trong nước ở mức thấp nguy hiểm.

Trong một thông cáo báo chí, Bộ trưởng Năng lượng Philippines Cusi cho biết đã đề nghị Bộ Ngoại giao gửi thư tới Bộ trưởng Năng lượng và tài nguyên khoáng sản Indonesia (EMR) Arifin Tasrif, song không nói rõ thời điểm.

[Philippines có thể mất tới 10 năm để phục hồi kinh tế sau COVID-19]

Ông Cusi cũng đã đề nghị Bộ Ngoại giao thay mặt Philippines can thiệp và kêu gọi Indonesia dỡ bỏ lệnh cấm thông qua cơ chế hợp tác của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Lệnh cấm trên khiến giá than ở Trung Quốc và Australia tăng vọt vào tuần trước, trong khi một lượng lớn tàu chở than cung cấp cho các khách hàng lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ đang trong hiện diện ngoài khơi tỉnh Kalimantan, nơi có các cảng than chính của Indonesia.

Là quốc gia vốn phụ thuộc rất lớn vào than đá để sản xuất điện, Philippines chủ yếu nhập khẩu mặt hàng này từ Indonesia và phần còn lại từ Australia và Việt Nam.

Theo số liệu của chính phủ, gần 70% trong tổng số 42,5 triệu tấn than tiêu thụ tại Philippines vào năm 2020 là than nhập khẩu.

Bộ Năng lượng Philippines cho biết điện than chiếm khoảng 60% tổng sản lượng điện của cả nước và vào năm 2021, trung bình mỗi tháng quốc gia này nhập khẩu 2,3 triệu tấn từ Indonesia để cung cấp cho các nhà máy điện của mình.

Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Thượng viện Philippines Win Gatchalian đã kêu gọi Bộ Năng lượng chuẩn bị các biện pháp dự phòng trước lệnh cấm của Indonesia, trong đó có việc tìm kiếm các nhà cung cấp tiềm năng khác.

Tuần trước, Đại sứ quán Nhật Bản tại Jakarta cũng đã đề nghị EMR Indonesia loại bỏ than nhiệt lượng cao ra khỏi lệnh cấm xuất khẩu do loại than này không được các nhà máy điện địa phương sử dụng và cho phép 5 tàu chở đầy than khởi hành đến Nhật Bản.

Trong cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với người đồng cấp Indonesia Muhammad Lutfi hôm 7/1, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yeo Han-koo cũng bày tỏ quan ngại về lệnh cấm xuất khẩu này, đồng thời kêu gọi Jakarta nhanh chóng nối lại các chuyến hàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

EU nâng tần suất kiểm tra sầu riêng Việt Nam lên 20%

Đối với sầu riêng, do không tuân thủ các quy định về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, căn cứ Điều 5 và Điều 6 của Quy định (EU) 2019/1793, EU tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 10% lên 20%.