Philippines, Indonesia ghi nhận hơn 3.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày

Bộ Y tế Philippines thông báo có thêm 3.257 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, trong khi Indonesia là nước có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất ở Đông Nam Á.
Một địa điểm xét nghiệm COVID-19 tại Manila, Philippines. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 18/9, Bộ Y tế Philippines thông báo có thêm 3.257 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 24 giờ qua, đánh dấu ngày thứ 11 liên tiếp số ca nhiễm mới hàng ngày ở nước này ở mức trên 3.000 ca.

Tổng số ca mắc COVID-19 ở Philippines đã lên tới 279.526 ca, tập trung chủ yếu ở thủ đô Manila, trong khi số ca tử vong tăng 47 ca lên tổng cộng 4.830 ca.

Cùng ngày, Bộ Y tế Indonesia thông báo có thêm 3.891 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 236.519 ca.

Theo Bộ trên, số ca tử vong do COVID-19 ở Indonesia cũng tăng thêm 114 ca lên tổng cộng 9.336 ca. Như vậy, Indonesia là nước có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất ở Đông Nam Á.

Trước diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết năm 2021 chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp chịu tác động của dịch bệnh, song theo cách "thận trọng hơn" so với năm nay căn cứ kỳ vọng nhu cầu sẽ hồi phục.

Phát biểu tại một hội nghị chuyên đề do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức, Bộ trưởng Sri Mulyani Indrawati nói: "Chúng tôi sắp bắt đầu củng cố chính sách tài chính để đảm bảo có thể cân bằng sự cần thiết tiếp tục hỗ trợ ngành y tế và phục hồi kinh tế, đồng thời cũng đảm bảo rằng tình hình tài chính sẽ bền vững về trung và dài hạn."

Bà cho biết thêm Chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục dùng hỗ trợ tài chính, kết hợp với sự hỗ trợ của ngân hàng trung ương để đối phó với những thách thức mà đại dịch COVID-19 gây ra đối với nền kinh tế nước này.

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Yogyakarta, Indonesia. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong báo cáo mới nhất vừa được công bố, ADB dự báo kinh tế của Indonesia năm 2020 sẽ giảm 1%, đánh dấu lần đầu tiên kinh tế Indonesia giảm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998.

Theo Giám đốc phụ trách ADB Winfried Wicklein tại Indonesia, mặc dù có nền kinh tế vĩ mô vững chắc, song do phạm vi và xu hướng ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dự kiến Indonesia sẽ phải đối mặt với một chặng đường tăng trưởng khó khăn cho đến hết năm 2020.

Tuy nhiên, tình hình sẽ được cải thiện và có thể tăng trưởng trở lại ở mức 5,3% vào năm 2021 do dịch bệnh khi đó được kiểm soát, các hoạt động kinh tế trở lại bình thường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục