Theo trang mạng eurasiareview.com, khi "kỷ nguyên Duterte" đang dần kết thúc, các cuộc chạy đua vũ trang mới và phổ biến vũ khí hạt nhân đang phủ bóng đen lên Đông Nam Á. Philippines có thể đang “mộng du” trong “mớ bòng bong quân sự-hạt nhân.”
Theo thỏa thuận an ninh ba bên mới giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS), Washington và London sẽ "giúp" Canberra phát triển và triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Thỏa thuận trị giá 66 tỷ USD gây nhiều tranh cãi này được cho là sẽ kích hoạt các cuộc chạy đua vũ trang và phổ biến vũ khí hạt nhân ở châu Á. Điều này vi phạm Hiệp ước khu vực không vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á (SEANWFZ) được ký năm 1995 và có hiệu lực từ năm 1997. Điều này cũng dường như vi phạm Hiến pháp Philippines và đang bị Trung Quốc phản đối kịch liệt.
Tuy nhiên, ngay sau khi AUKUS được ký kết, khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bắt đầu xây dựng sự đồng thuận về hiệp ước hạt nhân, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. đã hoan nghênh hiệp ước này.
Chính sách của Philippines, mối quan ngại của ASEAN
Theo ông Locsin, Philippines “hoan nghênh quyết định của Australia về việc thành lập” AUKUS. Ông nói thêm: “Các quốc gia thành viên ASEAN không sở hữu quân đội đủ sức mạnh để duy trì hòa bình và an ninh ở Đông Nam Á.”
Theo logic này, ASEAN hiện không đáp ứng giải quyết các vấn đề hòa bình và an ninh khu vực và do đó, mỗi quốc gia ASEAN nên liên kết với một cường quốc quân sự lớn khác, bất kể hậu quả chung là gì. Logic như vậy có thể làm chệch hướng, dù vô tình hoặc có chủ đích, cuộc đàm phán đang diễn ra giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) trước năm 2022.
[Tổng thống Philippines R. Duterte tuyên bố rút khỏi chính trường]
Quan trọng nhất, logic này mở ra cánh cửa cho việc “hạt nhân hóa” khu vực, gây ảnh hưởng đến hiệp ước SEANWFZ và nguyện vọng của cộng đồng ASEAN. Đó là lý do tại sao chính khách kỳ cựu của Malaysia Mahathir Mohamad đã lên án AUKUS làm “leo thang mối đe dọa.”
Phản ứng đầu tiên của cả Malaysia và Indonesia là cảnh báo về một cuộc chạy đua vũ trang sắp xảy ra sau một hiệp ước như vậy. Quyết định của Australia đã khiến Bộ Ngoại giao Indonesia đưa ra thông báo chính thức rằng nước này "quan ngại sâu sắc về cuộc chạy đua vũ trang và phô trương lực lượng trong khu vực." Vậy tại sao ông Locsin lại lựa chọn đi ngược lại với ASEAN?
Kế hoạch đối đầu với Trung Quốc vào năm 2022
Kế hoạch lôi kéo Philippines vào mặt trận Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc dường như đã phát triển vào giữa những năm 2010, nhưng đã “đổ bể” sau chiến thắng của ông Duterte trong cuộc bầu cử và sự tan rã của Đảng Tự do (LP).
Để tránh lặp lại lịch sử, cựu Ngoại trưởng Albert Del Rosario gần đây đã kêu gọi Philippines chọn một nhà lãnh đạo sẽ đảo ngược chính sách “xích lại gần Trung Quốc” của Tổng thống Duterte sau cuộc bầu cử năm 2022.
Trong nhiệm vụ này, vai trò hỗ trợ quan trọng thuộc về Viện Stratbase Albert del Rosario (ADRi), gắn liền với lợi ích kinh doanh và an ninh quốc gia của Mỹ.
Thông qua các thành viên hội đồng quản trị và giám đốc điều hành, Viện ADRi của ông Rosario hợp tác với công ty mẹ Stratbase, một “công ty tư vấn nghiên cứu,” và Bower Group Asia do Ernest Z. Bower IV lãnh đạo. Chủ tịch ADRi, ông Victor Manhit, khẳng định tranh chấp hàng hải với Trung Quốc là vấn đề “chúng tôi sẽ đưa ra trong cuộc bầu cử năm 2022.”
Xung đột lợi ích, vướng mắc quân sự
Ông del Rosario, một người được đào tạo tại Mỹ, là một giám đốc điều hành và là người giàu nhất trong chính phủ Aquino. Tháng 2/2010, chính phủ Philippines đã cấp cho Forum Energy, đối tác của Philex Mining, quyền thăm dò dầu khí tại Bãi Cỏ Rong.
Vào thời điểm đó, del Rosario là giám đốc của Philex. Sau khi được bổ nhiệm làm quyền Ngoại trưởng vào tháng 2/2011, del Rosario được cho là đã rời khỏi hội đồng quản trị của Philex.
Hai năm sau, Bộ Năng lượng Philippines đã chiểu theo quyết định của Bộ Ngoại giao về việc cấp phép thăm dò và khai thác tại Bãi Cỏ Rong, do tranh chấp hàng hải.
Điều này đã trao cho del Rosario, với tư cách là Ngoại trưởng Philippines, thẩm quyền để tác động đến các quyết định ở Bãi Cỏ Rong. Cũng trong năm 2013, chính phủ Aquino đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài ở La Haye về Biển Đông.
Sau vụ kiện chống lại Trung Quốc, chính phủ Aquino đã ký Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) với Mỹ. Điều đó cho phép del Rosario và Tổng thống Aquino mở cửa lại tiếp nhận quân đội, tàu và máy bay của Mỹ.
Đó cũng là lúc Philippines bắt đầu các nỗ lực làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Mỹ thông qua Viện Stratbase ADRi, song song với Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Tháng 5/2015, CSIS/AMTI đã khởi động Sáng kiến Chiến lược Mỹ-Philippines kéo dài 3 năm tại Washington, với các bài phát biểu của del Rosario và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen.
Những giấc mơ thất bại
Những giấc mơ này đã sụp đổ với thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines năm 2016 của nhà đầu tư Phố Wall Mar Roxas và những người theo chủ nghĩa tự do.
Cùng với sự thất bại của bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã chôn vùi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Tổng thống Obama, trong khi đặt câu hỏi về các liên minh Mỹ, vốn là hai nền tảng trong sáng kiến song phương của ông del Rosario. Đó là lý do tại sao Viện ADRi của ông Rosario đang hành động nhanh chóng ngày nay.
Họ muốn một tổng thống sẽ củng cố liên minh quân sự Mỹ-Philippines và đưa Philippines tham gia vào mặt trận Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, hiệp ước AUKUS cũng góp phần thúc đẩy các cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra ở Đông Nam Á. Nó sẽ thúc đẩy phổ biến vũ khí hạt nhân trong khu vực, điều vi phạm các mục tiêu của hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân và không phù hợp với Hiến pháp Philippines.
Chính sách của Philippines là gì?
Hiện nay, sức công phá của vũ khí hạt nhân còn lớn hơn nhiều, như đã được nhấn mạnh bởi Chiến dịch Quốc tế Bãi bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN).
Tháng 1/2021, Philippines đã phê chuẩn Hiệp ước về Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) mang tính ràng buộc pháp lý của ICAN. Ngày 19/5, ông Locsin tuyên bố rằng Philippines hoan nghênh hiệp ước hạt nhân AUKUS. Chỉ một ngày sau, ông Locsin lại tái khẳng định "chính sách và cam kết của Philippines đối với việc cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân, như được ghi trong các điều khoản liên quan của Hiến pháp Philippines và Hiệp ước TPNW."
Như vậy, Philippines đang đi theo hai nguyên tắc trái ngược: vừa hoan nghênh việc phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á, vừa cam kết với một Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân. Liệu “chính sách và cam kết” đó sẽ đưa Philippines đến đâu sau cuộc bầu cử năm 2022?