Philippines có thể răn đe tàu chiến của đối thủ nhờ tên lửa BrahMos?

Với tầm bắn 290km, tên lửa này đã khiến chuyên gia hàng hải của Philippines thừa nhận rằng loại vũ khí này sẽ tạo ra "một vùng đệm phòng thủ trên một phạm vi nhất định của vùng đặc quyền kinh tế."
Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos được phóng thử nghiệm từ tàu khu trục INS Kochi, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng thediplomat.com, sau các cuộc bàn luận và tranh cãi từ năm 2019, cuối cùng một thỏa thuận đã đạt được. Hồi đầu tháng 1/2022, Philippines tuyên bố nước này đã ký kết một thỏa thuận trị giá 375 triệu USD cho thương vụ mua tên lửa chống hạm BrahMos của Ấn Độ kèm theo những thiết bị hỗ trợ khác.

Lập luận chính cho thỏa thuận này là loại vũ khí siêu thanh này sẽ giúp nâng cao năng lực phòng thủ yếu kém của Manila, nhất là trong bối cảnh Các lực lượng vũ trang Philippines đang ngày càng phải đối mặt với những hành động quân sự hung hăng của Trung Quốc.

Khi quan sát thương vụ này, một nhà bình luận lưu ý rằng tên lửa BrahMos sẽ là phương tiện "răn đe cứng rắn" đối với hành động quyết đoán của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Tương tự, một nhà quan sát khác lập luận rằng việc sở hữu BrahMos "sẽ nâng cao đáng kể năng lực phòng thủ của Philippines vì khí tài này cho phép Manila tấn công các mục tiêu trên mặt biển hoặc xuất hiện từ biển từ một khoảng cách khá xa bờ."

Như nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ Henry Kissinger từng khái quát rằng khả năng ngăn chặn và răn đe là sản phẩm của sự kết hợp giữa năng lực và ý chí, cũng như việc đối thủ tin tưởng vào năng lực của một nước nào đó và ý chí để sử dụng năng lực đó.

Trong sự kết hợp này, khí tài chính là một thành tố không thể thiếu của yếu tố năng lực. Tuy nhiên, chỉ cần thiếu một trong ba yếu tố này thì hiệu quả răn đe sẽ chỉ là con số 0, giống như một học sinh đang ở trình độ học toán cấp 1.

Trên thực tế, nhìn từ góc độ vận hành, thương vụ BrahMos của Philippines sẽ có thể cho phép Manila sở hữu khả năng răn đe và ngăn chặn ở mức độ thấp bởi nước này không có đủ những hệ thống cảm biến cần thiết để tối ưu hóa tầm bay của loại tên lửa này.

Do đó, khả năng răn đe và ngăn chặn của Philippines đối với Trung Quốc khi sử dụng hệ thống tên lửa này sẽ bị giới hạn.

Theo các nhà sản xuất tên lửa BrahMos, với tầm bắn khá lớn 290km, tên lửa này đã khiến chuyên gia hàng hải của Philippines, ông Rommel Jude Ong thừa nhận rằng loại vũ khí này sẽ tạo ra "một vùng đệm phòng thủ trên một phạm vi nhất định của vùng đặc quyền kinh tế."

Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, một hệ thống tên lửa chỉ có thể đạt hiệu quả tối ưu về tầm bay và khả năng bắn trúng mục tiêu chỉ khi hệ thống đó được trang bị cùng với những hệ thống cảm biến hiệu quả.

Lý thuyết này đặc biệt quan trọng đối với những trường hợp mà mục tiêu là những vật thể di động như tàu chiến. Vì khi đó, tên lửa sẽ cần một hệ thống cảm biến thường xuyên hỗ trợ tên lửa để xác định chính xác vị trí liên tục thay đổi của mục tiêu.

[Ấn Độ thử thành công tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos]

Thế nên, cho dù BrahMos có tầm bay xa đến mức nào nhưng hệ thống cảm biến chỉ có thể phát hiện, định vị và dõi theo vị trí của mục tiêu ở khoảng cách ngắn hơn nhiều so với tầm bay của tên lửa thì hiệu quả hoạt động của tên lửa cũng chỉ là con số 0.

Đây chính là vấn đề mà Manila sẽ phải đối mặt vì hệ thống radar được trang bị kèm theo hệ thống BrahMos chỉ có thể cung cấp khả năng định vị trong khoảng cách hạn hẹp, đòi hỏi Philippines cần có hệ thống cảm biến hỗ trợ.

Tên lửa Brahmos được trưng bày tại một triển lãm quốc phòng ở Chennai, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, quân đội Philippines lại không sở hữu hệ thống radar có khả năng phát hiện mục tiêu ở tầm rất xa. Sự thiếu thốn này là điều dễ hiểu vì thường thì chỉ những cường quốc quân sự lớn hơn mới sở hữu những hệ thống phòng thủ quy mô như vậy.

Mặc dù những giới hạn do độ cong của Trái Đất gây ra có thể được khắc phục phần nào nhờ những hệ thống cảm biến trên không, song ngay cả vấn đề này cũng là một khó khăn đối với Manila bởi quốc gia Đông Nam Á này hiện đang thiếu trầm trọng hệ thống tình báo, giám sát và trinh sát (AISR).

Ngoài ra, Không quân Philippines không được trang bị hệ thống cảnh báo sớm và kiểm soát trên không như hệ thống E-3 Sentry.

Trong khi đó, các hệ thống AISR hiện có của Philippines chỉ đơn thuần bao gồm 12 máy bay dân dụng Cessna và máy bay cường kích và thám sát hạng nhẹ OV-10 Bronco. Một hệ thống như vậy khó có thể đáp ứng những yêu cầu thu thập thông tin tình báo, giám sát và trinh sát trên biển.

Mặc dù Manila sở hữu nhiều thiết bị bay không người lái Heron và Blue Horizon có nhiệm vụ chính là giám sát, song quân số này cũng chỉ là èo uột để tạo ra hiệu quả hoạt động cho BrahMos.

Thực tế, những thiết bị bay không người lái này thuộc quân số không quân chứ không phải phục vụ cho hoạt động của BrahMos trong tương lai. Hơn nữa, những chủng loại máy bay này của Manila có năng lực bay chậm chạp, khiến chúng dễ gặp rủi ro và tai nạn trước đối thủ, đặc biệt là với một đối thủ có năng lực không quân đáng kể như Trung Quốc.

Ngay cả khi Manila có kế hoạch thiết lập những nền tảng AISR đáng tin cậy thì việc tích hợp những nền tảng này với những hệ thống khác như hệ thống BrahMos lại không hề đơn giản vì cần lưu ý rằng quân đội Philippines cũng yếu kém cả về năng lực chỉ huy và kiểm soát cũng như hệ thống liên lạc và máy tính.

Đây là những năng lực đóng vai trò thiết yếu trong bất kỳ cuộc chiến tranh mạng nào. Thực tế việc Hải quân Philippines chỉ mới bước vào thời đại tên lửa hồi năm 2018 cho thấy trình độ lạc hậu của quân đội nước này.

Tóm lại, trái ngược với những bàn luận chung, thực tế cho thấy việc Manila sở hữu tên lửa BrahMos cũng khó có thể giúp nước này ngăn chặn và răn đe tàu chiến của đối thủ ở một khoảng cách xa ngay cả khi BrahMos được quảng bá có tầm bắn gần 300km.

Với những hạn chế đã trình bày ở trên, tên lửa BrahMos mà Philippines sở hữu sau này chỉ có thể hoạt động ở mức tối ưu là trong phạm vi vài chục km.

Vì vậy, Tướng về hưu của Philippines Edilberto Adan đã đúng khi nhấn mạnh đến sự cần thiết phải sở hữu những hệ thống "giám sát và trinh sát" cho một hệ thống tên lửa như BrahMos. Trong đó, vị tướng này đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tích hợp hệ thống trinh sát trong hệ thống tình báo và giám sát.

Vì vậy, khi thương vụ BrahMos của Philippines được thông báo công khai từ hồi đầu tháng 1/2022, có lẽ ở Trung Quốc, một thành viên chủ chốt nào đó của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ cười thầm khi loại hệ thống BrahMos của Philippines ra khỏi danh sách những mối đe dọa của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Đá Vành Khăn - thực thể tranh chấp với Bắc Kinh vốn chứng kiến Trung Quốc không ngừng lắp đặt thiết bị mới tại đây - có thể trở thành mục tiêu đối với BrahMos của Philippines bởi đây là mục tiêu cố định, không di chuyển và chỉ cách bờ biển Philippines chưa đầy 220km.

Có lẽ, đây là giá trị sẽ giúp Manila giữ thể diện khi sở hữu BrahMos trong tương lai. Rốt cuộc, hệ thống BrahMos có thể giúp quân đội Philippines đe dọa một yếu tố nhỏ bé nhưng quan trọng trong tổ hợp quân sự chính trị của Bắc Kinh mà không gây phương hại đến các lực lượng vũ trang của Manila./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục