Philippines cấp phép sử dụng khẩn cấp vắcxin của Sinovac Biotech

Đây là loại vắcxin ngừa COVID-19 thứ 3 được quốc gia Đông Nam Á gồm 108 triệu dân này cấp phép lưu hành khẩn cấp, sau vắcxin của Pfizer/BioNTech và AstraZeneca.
Dây chuyền sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 của Sinovac tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 23/12/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 22/2, người đứng đầu Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Philippines Rolando Enrique Domingo cho biết nước này đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắcxin ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Trung Quốc Sinovac Biotech.

Đây là loại vắcxin ngừa COVID-19 thứ 3 được quốc gia Đông Nam Á gồm 108 triệu dân này cấp phép lưu hành khẩn cấp, sau vắcxin của Pfizer/BioNTech và AstraZeneca.

Philippines đến nay đã ghi nhận tổng cộng 561.169 ca nhiễm, trong đó 12.088 ca tử vong do COVID-19. 

Liên quan vấn đề vắcxin, Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 22/2 cho biết kế hoạch tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 của Palestine đang thiếu 30 triệu USD, ngay cả khi đã tính đến sự hỗ trợ thông qua cơ chế phân phối vắcxin toàn cầu COVAX cho các nền kinh tế nghèo. 

[Malaysia, Indonesia đẩy nhanh kế hoạch tiêm phòng COVID-19]

Trong một báo cáo, WB cho rằng Israel - được cho là nước đứng đầu thế giới về tốc độ tiêm chủng tính theo đầu người - có thể cân nhắc quyên góp số vắcxin dư cho Palestine để giúp thúc đẩy chương trình tiêm chủng tại vùng Bờ Tây và Dải Gaza.

Theo WB, để bảo đảm chiến dịch chủng ngừa có hiệu quả, các nhà chức trách Palestine và Israel nên hợp tác trong việc cung cấp tài chính, mua và phân phối vắcxin một cách an toàn và hiệu quả. 

Chính quyền Palestine dự kiến tiêm chủng cho 20% số dân Palestine thông qua cơ chế COVAX, đồng thời hy vọng sẽ mua được thêm vắcxin để đạt mục tiêu chủng ngừa cho 60% số dân.

Theo WB, để đạt được mục tiêu này, Palestine ước tính cần 55 triệu USD, nhưng hiện ước tính còn thiếu 30 triệu USD. Do đó, WB kêu gọi các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ Palestine. 

Trong tháng này, Palestine bắt đầu tiến hành chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 và đã nhận được một số lượng vắcxin do Israel, Nga và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tài trợ.

Tuy nhiên, khoảng 32.000 liều vắcxin ngừa COVID-19 mà Palestine nhận được đến nay quá ít số với số lượng cần thiết để chủng ngừa cho 5,2 triệu người ở Bờ Tây và Dải Gaza. 

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, một lô hàng gồm 20.000 liều vắcxin ngừa COVID-19 do UAE tài trợ ngày 21/2 đã được vận chuyển tới Dải Gaza thông qua Ai Cập.

Hoạt động tài trợ lô vắcxin Sputnik V do Nga sản xuất trên được ông Mohammad Dahlan, một quan chức thuộc phong trào Fatah đang sống lưu vong tại UAE và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas phối hợp tổ chức.

Số vắcxin này được chuyển đến vào đúng ngày Gaza dỡ bỏ những quy định hạn chế tập trung đông người tại các cơ sở tổ chức tiệc cưới và phòng tập gym, vốn được áp đặt từ tháng 8/2020 nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan. 

Người phát ngôn cơ quan y tế tại Gaza, ông Ashraf al-Qidra cho hay số vắcxin trên sẽ được ưu tiên tiêm cho các nhóm đối tượng có mức độ rủi ro cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục