“Dành hết các nguồn tiền mà các bạn có (cả trong khu vực nhà nước và tư nhân) để đầu tư vào giáo dục. Hãy cho thế hệ trẻ của các bạn một có hội! Đây là giải pháp để Việt Nam có thể nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.”
Đó là ý kiến từ ông Philipp Röslerr, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Hội thảo “Vai trò doanh nghiệp trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế,” do Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) phối hợp tổ chức, ngày 28/11, tại Hà Nội.
Theo Báo cáo của WEF về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2014-2015, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ tăng 2 bậc, từ vị trí 70 lên 68 trong 148 nền kinh tế. Bên cạnh đó, Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2014, Việt Nam xếp hạng 78 trên 189 nước.
Ồng Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định: “Tuy đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế-xã hội, song năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn chậm cải thiện và có vị trí xếp hạng khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực. Trong khi đó, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang bước sang một giai đoạn mới sâu rộng hơn.”
Trong môi trường hội nhập, các liên kết kinh tế đa tầng, đa nấc với luật chơi mới và mức độ mở cửa thị trường cũng ngày càng sâu rộng sẽ tạo ra không gian phát triển mới, song cũng đặt ra thách thức lớn phải nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp là lực lượng chủ chốt, cấu thành nền kinh tế quốc gia, do đó năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia liên quan mật thiết với nhau và phụ thuộc lẫn nhau.
Nhưng ông Lộc lại đưa ra dẫn chứng thực tế, trong số hơn 500.000 doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động có đến 95%-96% doanh nghiệp cỡ nhỏ (trong đó là 66%-67% là các doanh nghiệp cỡ siêu nhỏ, sử dụng dưới 10 lao động) với khả năng cạnh tranh hết sức hạn chế và đang trên đà suy giảm do tác động của khủng hoảng kinh tế.
Ông Lộc cho rằng, những điểm còn hạn chế trong năng lực cạnh tranh của đa số doanh nghiệp Việt Nam là khả năng hoạch định chiến lược, khả năng phát triển thị trường và thương hiệu cũng như năng lực quản trị còn hạn chế và đặc biệt là năng suất lao động trong khu vực doanh nghiệp còn chưa cao. Bên cạnh đó, các rào cản về thủ tục hành chính từ môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều bất cập cũng là những yếu tố cản trở, đặt thêm gánh nặng lên vai các doanh nghiệp.
Tại Hội thảo, ông Philipp Rösler khẳng định: “Việt Nam có quyền tự hào về những thành tựu đạt được trong 30 năm đổi mới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể làm tốt hơn nữa và tất nhiên sẽ phải làm tốt hơn khi áp lực cạnh tranh đang hiện hữu từ các nước trong khu vực cũng như từ quá trình hội quốc tế ngày càng sâu rộng.
Tôi tin chắc, điều mong muốn của Việt Nam là trở thành một trong những nền kinh tế tốt nhất trong khu vực, nhưng làm thế nào để đạt được cũng như các giải pháp để có thể xử lý tất cả các thách thức trong tương lai?”
Theo ông Philipp Rösler, Việt Nam cần có một khuôn khổ tài chính ổn định, hạ tầng cơ sở vững mạnh, hạ tầng số hiện đại và đặc biệt là đầu tư đào tạo nguồn nhân lực đồng thời giảm bớt các thủ tục quan liêu, nhằm thúc đẩy được tinh thần kinh doanh (trong cả khu vực tư nhân và khu vực kinh tế công.)
“Bởi, doanh nghiệp chính là đại sứ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia,” ông Philipp Rösler nói.
Đồng tình với các đánh giá trên, ông Sơn nhấn mạnh: “Doanh nghiệp là tế bào cấu thành của nền kinh tế, nên một nền kinh tế khó có thể ‘khỏe mạnh’ nếu các tế bào ốm yếu. Vì vậy, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp là một trong các nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia.
Những nỗ lực của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh xét cho cùng là nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát huy sức sáng tạo và đổi mới để có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Do đó, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đòi hỏi không chỉ quyết tâm của Chính phủ, mà cần cả sự nỗ lực vươn lên của chính các doanh nghiệp”./.