Sáng 31/3, tại sảnh lớn Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì lễ đón chính thức các Trưởng đoàn tham dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV 10).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón, bắt tay Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith; Thủ tướng Vương quốc Cam-pu-chia Samdech Techo Hun Sen; Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Takehiko Nakao; Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Vương Nghị; Phó Tổng thống nước Cộng hoà Liên bang Mi-an-ma U Henry Van Thio; Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lần lượt đón, bắt tay từng Trưởng đoàn, chụp ảnh lưu niệm trước khi các đại biểu vào Hội trường lớn - nơi diễn ra phiên họp kín GMS 6.
Sau lễ đón và phiên họp kín, Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 đã họp phiên toàn thể với sự tham dự của đông đảo quan chức các nước GMS, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển và các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực.
Phát biểu khai mạc phiên toàn thể GMS 6, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong 1/4 thế kỷ vừa qua, hợp tác GMS đã không ngừng mở rộng về quy mô, đi sâu về nội dung, khẳng định được bản sắc riêng là một cơ chế hợp tác khu vực có uy tín với chiến lược 3C "Kết nối, Cộng đồng và Cạnh tranh."
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, từng là khu vực của những quốc gia nghèo, chậm phát triển và biệt lập trong thế kỷ trước, đến nay GMS đã vươn lên và tự hào có những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, mở cửa, tích cực hội nhập và có các thị trường rộng lớn, sôi động với tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển.
Thành công của GMS minh chứng cho khát vọng và quyết tâm xây dựng khu vực Mekong hòa bình, thịnh vượng, phát triển bền vững, vì người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn sự hỗ trợ quý báu, hiệu quả của Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới và các đối tác phát triển đã dành cho khu vực Mekong nói chung, Việt Nam nói riêng và mong các tổ chức này tiếp tục đồng hành trên con đường xây dựng tương lai khu vực Mekong.
Khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong nỗ lực đóng góp vào các thành tựu chung của GMS, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong 25 năm qua, Việt Nam luôn coi trọng và tích cực tham gia hợp tác GMS, nỗ lực thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, bảo vệ môi trường, tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu.
Thủ tướng cho biết, đã có nhiều công trình kết nối hiệu quả bước đầu giữa Việt Nam và khu vực GMS (hành lang kinh tế Đông-Tây EWEC, hệ thống cầu đường kết nối Đồng bằng sông Cửu Long, hành lang ven biển phía Nam SEC, cao tốc Nội Bài-Lào Cai…). Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác thúc đẩy GMS hoạt động ngày càng hiệu quả, phát huy hơn nữa tiềm năng của khu vực Mekong.
[Photo] Phiên toàn thể của Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6]
Đánh giá cao việc xây dựng Kế hoạch hành động Hà Nội 2018-2022 cùng với Khung đầu tư khu vực 2022 RIF-22 với hơn 220 chương trình, dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật với tổng trị giá khoảng 66 tỷ USD, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị khởi động việc xây dựng Tầm nhìn Hợp tác GMS đến 2030 với nhiệm vụ chính là: Nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ các nước GMS tham gia ngày càng sâu, hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường phối hợp ứng phó với thách thức chung của khu vực, đặc biệt là biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất một số nội dung hợp tác lớn của GMS trong thời gian tới. Theo đó, xây dựng cơ sở hạ tầng "chất lượng, xanh và thông minh", sử dụng nguyên vật liệu và công nghệ tiên tiến thân thiện môi trường; gắn yếu tố môi trường, xã hội vào thiết kế và xây dựng; bảo đảm bền vững về tài chính; ứng dụng tiến bộ khoa học vào vận hành và quản lý. Phát huy tối đa hình thức kết nối đa phương thức kết hợp hài hòa vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy để các hành lang kinh tế của GMS đạt hiệu quả cao nhất trong giai đoạn mới. Chú trọng kết nối thông tin-viễn thông và năng lượng để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và quản lý sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị thúc đẩy "kết nối tương hỗ" về thương mại-đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo mới, đào tạo lại nguồn nhân lực; xây dựng GMS thực sự là một cộng đồng cùng chung lợi ích, cùng nhau ứng phó, giải quyết các thách thức chung.
Về những nội dung cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tăng cường chia sẻ thông tin, tiến hành nghiên cứu chung về quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, trong đó có nguồn nước sông Mekong; GMS và các đối tác phát triển mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; lồng ghép chiến lược tăng trưởng xanh vào chính sách phát triển quốc gia của từng nước thành viên; thực hiện tốt Chương trình Môi trường trọng điểm 2018-2022 của GMS; thúc đẩy việc lượng giá dịch vụ hệ sinh thái để làm rõ lợi ích của một môi trường sinh thái khỏe mạnh cho phát triển bền vững và nhiệm vụ cùng nhau bảo vệ môi trường...
Cùng với đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn GMS phát huy cơ chế hợp tác mở với sự tham gia của quốc gia, các đối tác phát triển, các định chế tài chính quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp nhằm mang lại lợi ích cho cả khu vực.
Hơn thế, sự phối hợp giữa GMS với các cơ chế hợp tác tiểu vùng khác (Hợp tác Mekong Lan Thương MLC, Ủy hội Mekong quốc tế MRC, Sáng kiến Hạ nguồn Mekong LMI,…) và với ASEAN, Liên hợp quốc... sẽ giúp chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, tối ưu nguồn lực phát triển.
Với quyết tâm của các Chính phủ và sự đồng lòng người dân, cùng sự đồng hành của ADB, WB và các đối tác phát triển, nhất là sự tham gia chủ động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, GMS hoàn toàn tự tin tiếp tục tiến bước với vai trò là cơ chế hợp tác đầu tiên, có vai trò chủ chốt ở khu vực Mekong vì hòa bình, phát triển bền vững mang lại thịnh vượng cho mọi người dân./.