Phiên tòa xem xét dẫn độ CFO Huawei: Những thông tin ''trước giờ G''

Bộ trưởng Tư pháp Canada David Lametti có thể can thiệp vào phiên tòa và việc dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ có thể ngay lập tức bị gạt bỏ, tuy nhiên, kịch bản này khó có thể xảy ra.
Phiên tòa xem xét dẫn độ CFO Huawei: Những thông tin ''trước giờ G'' ảnh 1Bà Mạnh Vãn Châu (trái) rời tòa án ở Vancouver, Canada ngày 6/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phiên tòa xem xét việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Huawei, dự kiến được mở tại Vancouver, Canada trong ngày 20/1 (giờ địa phương).

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, giai đoạn 1 của phiên tòa xem xét dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu sẽ kéo dài khoảng 5 ngày.

Chính quyền Mỹ cáo buộc Huawei đã sử dụng một công ty vỏ bọc ở Hong Kong (Trung Quốc) để tránh lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ đối với Iran.

[Trung Quốc tiếp tục hối thúc Canada trả tự do cho CFO Huawei]

Giai đoạn tranh tụng này nhằm tìm câu trả lời liệu hành vi của bà Mạnh Vãn Châu theo cáo buộc của Mỹ có vi phạm luật pháp tại Canada hay không.

Giai đoạn 2 của phiên tòa này sẽ được mở vào tháng 6/2020. Tại phiên tòa này, phía bà Mạnh sẽ tranh luận về việc các quyền của bà liệu có bị vi phạm khi bà bị bắt giữ tại sân bay quốc tế Vancouver ngày 1/12/2018.

Bộ trưởng Tư pháp Canada David Lametti có thể can thiệp vào phiên tòa và việc dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ có thể ngay lập tức bị gạt bỏ. Tuy nhiên, kịch bản này khó có thể xảy ra.

Thủ tướng Justin Trudeau cùng một số quan chức Canada khác đã nhiều lần nhắc lại quan điểm rằng Canada là quốc gia thượng tôn pháp luật.

Đối với các luật sư bảo vệ bà Mạnh, “cuộc chiến” để thân chủ của mình được tự do có thể sẽ là lâu dài. Theo thống kê của Bộ Tư pháp Canada, trong giai đoạn 2008-2018, gần 90% số người bị bắt giữ tại Canada theo đề nghị của Mỹ, đã bị dẫn độ về Mỹ.

Việc bắt giữ bà Mạnh đã đẩy Canada vào “thế kẹt” trong mối quan hệ với hai siêu cường là Mỹ và Trung Quốc, trong bối cảnh Huawei là một tập đoàn hàng đầu tại Trung Quốc.

Sau khi bị bắt giữ, bà Mạnh Vãn Châu đã nộp 10 triệu CAD (tương đương 7,65 triệu USD) để được bảo lãnh tại ngoại. Tuy nhiên, bà phải đeo thiết bị giám sát GPS ở mắt cá chân.

Trong một động thái được giới quan sát cho là để trả đũa Ottawa, Trung Quốc đã tiến hành giam giữ 2 công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor với cáo buộc hoạt động gián điệp, đồng thời hạn chế khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc đối với một loạt nông sản Canada.

Mối quan hệ đang trong giai đoạn sóng gió giữa Canada và Trung Quốc không chỉ bị chi phối do liên quan đến số phận của bà Mạnh, mà còn bởi quyết định của Ottawa có cho phép Huawei tham gia vào mạng 5G ở Xứ sở Lá phong hay không. Mỹ và Australia - hai đồng minh thân cận của Canada - đã nói “Không” với Huawei./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục