Phiến quân thân Al-Qaeda nhận đánh bom kinh hoàng ở Mali

Nhóm phiến quân Al Mourabitoun, vốn có liên hệ với chi nhánh của nhóm khủng bố Al-Qaeda tại Bắc Phi (AQIM), đã thừa nhận thực hiện vụ đánh bom liều chết nhằm vào doanh trại quân đội tại Mali ngày 18/1
Phiến quân thân Al-Qaeda nhận đánh bom kinh hoàng ở Mali ảnh 1Hiện trường vụ đánh bom liều ở Gao. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhóm phiến quân Al Mourabitoun, vốn có liên hệ với chi nhánh của nhóm khủng bố Al-Qaeda tại Bắc Phi (AQIM), đã thừa nhận thực hiện vụ đánh bom liều chết nhằm vào doanh trại quân đội tại Mali ngày 18/1 làm ít nhất 80 người thiệt mạng và 115 người bị thương.

Trong một tuyên bố do Tổ chức tình báo chuyên giám sát các trang mạng Hồi giáo (SITE) có trụ sở tại Mỹ trích dẫn, AQIM thừa nhận nhóm Al Mourabitoun đã thực hiện vụ tấn công trên, đồng thời thông báo đối tượng đánh bom liều chết là Abdul Hadi al-Fulani. AQIM cũng nêu rõ vụ tấn công nhằm ngăn cản việc lập những doanh trại hoặc căn cứ của những phái đoàn hộ tống và tuần tra thuộc lực lượng Pháp.

Trước đó, vụ đánh bom liều chết xảy ra tại doanh trại là nơi đồn trú của các binh sỹ chính phủ cũng như thành viên của một số nhóm vũ trang đối địch ở thành phố Gao, miền Bắc Mali. Các lực lượng này phối hợp tiến hành hoạt động tuần tra theo một thỏa thuận hòa bình do Liên hợp quốc làm trung gian nhằm dập tắt bạo lực ở khu vực miền Bắc bất ổn của Mali.

Một người phát ngôn của lực lượng Liên hợp quốc gìn giữ hòa bình tại Mali (MINUSMA) cho biết đối tượng đánh bom đã cho nổ tung chiếc xe chứa bom tại doanh trại trong lúc có mặt 600 binh sỹ ở đó. Đây được coi là vụ tấn công tồi tệ nhất tại Mali trong những năm gần đây. Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keïta đã tuyên bố 3 ngày quốc tang để tưởng niệm những nạn nhân.

Phản ứng trước sự việc trên, Phó Tổng Thư ký phụ trách các hoạt động gìn giữ hòa bình, ông Herve Ladsous đã lên án mạnh mẽ vụ đánh bom liều chết và gọi đây là “một vụ tấn công trực tiếp vào tiến trình hòa bình.” Theo ông, động cơ đằng sau vụ tấn công là làm xói mòn lòng tin giữa các đảng và người dân, từ đó làm chệch hướng tiến trình hòa bình tại Mali. Cùng ngày 18/1, Mỹ cũng lên án vụ đánh bom và gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân.

Hiện có khoảng 15.000 binh sỹ thuộc phái bộ MINUSMA kể từ khi Chính phủ Mali và các nhóm nổi dậy đạt được thỏa thuận hòa bình vào năm 2015. Được triển khai từ tháng 7/2013, MINUSMA là phái bộ gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc chịu tổn thất nhân sự nhiều nhất kể từ sau cuộc nội chiến tại Somalia giai đoạn 1993-1995, với hơn 60 binh sỹ mũ nồi xanh thiệt mạng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Miền Bắc Mali rơi vào kiểm soát của các nhóm thánh chiến liên quan đến mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và lực lượng nổi dậy người Tuareg (Tua-rếch) hồi tháng 3/2012. Đến tháng 1/2013, Pháp phát động cuộc can thiệp quân sự quốc tế đánh đuổi các tay súng Hồi giáo ra khỏi miền Bắc Mali và MINUSMA được triển khai vài tháng sau đó. Mặc dù thỏa thuận hòa bình đã được ký kết vào tháng 6/2015 giữa Chính phủ Mali và liên minh nổi dậy do người Tuareg đứng đầu, nhưng một khu vực rộng lớn của quốc gia Tây Phi này vẫn nằm ngoài kiểm soát của chính phủ và lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục