Ngày 10/8, các tay súng Taliban đã siết chặt kiểm soát vùng lãnh thổ mà lực lượng này chiếm giữ ở miền Bắc Afghanistan, trong khi một chỉ huy lực lượng thân chính phủ tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ Mazar-i-Sharif, thành phố lớn nhất ở miền Bắc.
Theo hãng tin Reuters, tại thị trấn Aibak, thủ phủ tỉnh Samangan trên tuyến đường chính giữa thủ đô Kabul và thành phố Mazar-i-Sharif, người dân địa phương cho biết các tay súng Taliban đang tiến vào các tòa nhà chính quyền địa phương, trong khi các lực lượng an ninh dường như đã rút khỏi thị trấn.
Các quan chức Chính phủ Afghanistan và các thủ lĩnh Taliban xác nhận trong những ngày gần đây lực lượng này đã chiếm giữ thủ phủ của sáu tỉnh ở miền Bắc, Tây và Nam nước này. Các tay súng Taliban đang tiến từ nhiều hướng đến thành phố lớn nhất vùng là Mazar-i-Sharif.
Tại Kabul, các trợ lý của Tổng thống Ashraf Ghani cho biết nhà lãnh đạo này đang tìm kiếm sự hỗ trợ của dân quân địa phương để bảo vệ chính phủ, đồng thời kêu gọi người dân bảo vệ "thành quả dân chủ" của đất nước.
Mỹ sẽ hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan vào cuối tháng này theo một thỏa thuận với Taliban.
[Lầu Năm Góc: Tình hình an ninh Afghanistan không đi đúng hướng]
Trước diến biến xung đột tại Afghanistan, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết sẽ tăng cường các nỗ lực để đưa các nhân viên người bản địa từng làm việc cho quân đội Đức có thể bay an toàn sang Đức.
Từ năm 2013, Đức đã đón gần 800 người Afghanistan tị nạn dưới dạng này và khoảng 2.500 thân nhân của họ do lo ngại an ninh và kêu gọi đẩy nhanh việc đưa những người còn lại sang Đức nhanh chóng trong bối cảnh Taliban đang ngày càng thắng thế.
Đức là nước đóng góp nhiều binh sỹ thứ hai cho liên quân tại Afghanistan, sau Mỹ. Theo tổ chức tị nạn Pro Asyl, ít nhất 1.000 nhân viên người bản địa đã làm việc cho quân đội Đức hiện vẫn đang ở Afghanistan.
Trước đó, Mỹ và Canada cũng đã xúc tiến kế hoạch tiếp nhận hàng nghìn người Afghanistan từng làm việc cho Mỹ và các lực lượng nước ngoài tại Afghanistan để tránh bị Taliban trả thù.
Trong khi đó, 6 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) gồm Đức, Áo, Hà Lan, Đan Mạch và Hy Lạp đã cùng nhau gửi bức thư tới Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi khối không nên ngừng trục xuất người Afghanistan xin tị nạn.
Bộ trưởng của Bỉ về nhập cư và tị nạn Sammy Mahdi cho rằng: "Nước nào không an toàn không đồng nghĩa với việc công dân của nước đó tự động được bảo vệ." Ông Mahdi nhấn mạnh cần tiếp tục việc trục xuất những người bị từ chối tị nạn.
EC cho biết đã nhận thư trên và sẽ sớm hồi đáp. Dự kiến, vấn đề này cũng sẽ được đưa ra một cuộc họp các bộ trưởng nội vụ EU ngày 18/8 tới, vốn được lên kế hoạch để thảo luận chính về người nhập cư trái phép từ Belarus sang Lithuania./.