Phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ủy ban Xã hội của Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết phiên họp nhằm thẩm tra Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025...
Phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ủy ban Xã hội của Quốc hội ảnh 1Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ủy ban Xã hội khóa XV. (Nguồn: Quochoi.vn)

Chiều 21/7, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết phiên họp nhằm thẩm tra Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; xem xét, cho ý kiến vào dự thảo báo cáo của Ủy ban về các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ nhất.

Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chúc mừng Chủ nhiệm, Thường trực và các thành viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban Xã hội tập trung nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, định hướng, chủ trương của Đảng trong lĩnh vực xã hội và liên quan trực tiếp đến lĩnh vực của Ủy ban; thúc đẩy các dự án luật kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết liên quan về tăng cường công tác bảo vệ, nâng cao và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội...

[Nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa Quốc hội và các cơ quan]

Về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu các thành viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát huy trí tuệ tập thể, kế thừa kết quả thẩm tra sơ bộ của Ủy ban về các vấn đề Xã hội khóa XIV, tích cực thảo luận nhằm xây dựng báo cáo thẩm tra chất lượng cao nhất, là căn cứ quan trọng để các đại biểu Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương này, góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

Trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, chương trình tập trung giải quyết một số nội dung phát triển kinh tế-xã hội cấp bách, cần đầu tư công của quốc gia.

Hiện nay, nhiều huyện nghèo, xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Các địa phương này là vùng "lõi nghèo", có địa hình hiểm trở, kinh tế-xã hội và cơ sở hạ tầng còn khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao, một số nơi tỷ lệ hộ nghèo còn trên 40% như huyện Mường Nhé (Điện Biên) là 59,97%; huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) là 42,21%; huyện Đồng Văn (Hà Giang) là 41,96%.

Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững tại một số địa phương; tỷ lệ tái nghèo, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh còn cao do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, ốm đau.

Mục tiêu tổng quát của chương trình là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, chương trình chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho hay Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 đã giảm từ 5 dự án (15 tiểu dự án) xuống còn 4 dự án (11 tiểu dự án).

Tổng nguồn vốn đề xuất thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được điều chỉnh giảm từ 90.260 tỷ đồng xuống còn 75.000 tỷ đồng. Đối tượng, địa bàn thực hiện là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn quốc, chú trọng địa bàn còn nhiều khó khăn.

Sau khi nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai trình bày một số nội dung cơ bản của dự thảo Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các đại biểu đề nghị, ngoài giải quyết chiều nghèo về thu nhập, chương trình cần bổ sung các nội dung phù hợp để giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản còn cao của các hộ nghèo ở giai đoạn trước hoặc chưa bố trí nguồn lực thực hiện như về nhà ở, dinh dưỡng, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều hằng năm từ 1-1,5%. Đồng thời, chỉnh sửa mục tiêu, chỉ tiêu và các dự án thành phần của Chương trình phù hợp với đối tượng, phạm vi, nội dung nêu trên.

Một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát, bảo đảm không trùng lặp về: đối tượng, phạm vi, địa bàn, nội dung, nguồn lực giữa Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững với 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục