Phiên họp thứ 14, UBTVQH: Cho ý kiến về công tác dân nguyện tháng Bảy

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết theo báo cáo của các cơ quan chức năng, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tháng 7/2022 có chiều hướng giảm so với tháng trước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 9/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào công tác dân nguyện tháng 7/2022 của Quốc hội.

Trình bày báo cáo tóm tắt, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết theo báo cáo của các cơ quan chức năng, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tháng 7/2022 có chiều hướng giảm so với tháng trước đó.

Cử tri và nhân dân bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời có những giải pháp đúng đắn chỉ đạo, điều hành nên mặc dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2022 tiếp tục phục hồi rõ nét và đạt được kết quả quan trọng, khá toàn diện.

Cử tri hoan nghênh việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và kỳ vọng chất lượng công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật; kịp thời phát hiện những nội dung trái với Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên hoặc không còn phù hợp với thực tiễn để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, đáp ứng ngày càng tốt hơn ý kiến, nguyện vọng của cử tri và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm phản ánh việc giá xăng đã điều chỉnh giảm nhưng giá các mặt hàng thiết yếu vẫn chưa giảm tương ứng; việc người dân đi làm các thủ tục liên quan đến các giao dịch dân sự, hành chính nhưng một số cơ quan, tổ chức còn yêu cầu người dân cung cấp sổ hộ khẩu gốc hoặc bản sao hộ khẩu có công chứng; về hoạt động vay tiền qua mạng xã hội và qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh gây mất ổn định an ninh, trật tự xã hội; một số thông tin cá nhân của người dân bị lộ lọt ra ngoài, nhiều đối tượng lợi dụng giả danh lừa đảo qua điện thoại, gây tâm lý hoang mang cho người dân và bất ổn xã hội; các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài khoản ngân hàng của người dân qua Zalo, Facebook, điện thoại vẫn còn xảy ra…

[Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công trung hạn đợt 3]

Về kết quả tiếp nhận, xử lý và giải quyết kiến nghị của cử tri, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết trong tháng 7/2022, qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 3 của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Dân nguyện tổng hợp, kịp thời chuyển kiến nghị của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đối với kiến nghị cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ 3 còn 87,2% chưa được trả lời, chủ yếu là ở một số bộ có nhiều kiến nghị cử tri gửi đến. Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục đôn đốc và cập nhật kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của các cơ quan có thẩm quyền để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào Phiên họp tới.

Về tình hình khiếu nại, tố cáo, theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong tháng 7/2022 tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm so với tháng 6/2022. Theo báo cáo của Bộ Công an, trong tháng 7/2022, tình hình khiếu kiện đông người vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhất là ở một số địa phương thực hiện cưỡng chế, thu hồi đất, tháo dỡ hàng trăm công trình xây dựng trái phép. Theo tổng hợp từ công an các địa phương nổi lên 08 vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự.

Về thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các Báo cáo công tác dân nguyện kỳ trước, Trưởng ban Dân nguyện cho biết, trên cơ sở kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, có 5 nội dung kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, có giải pháp cụ thể để thực hiện và đến nay đã có kết quả, như vấn đề môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông; vấn đề xử lý tin xấu độc trên môi trường Internet; vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế trầm trọng tại cơ sở y tế của Trung ương và địa phương; kết quả xử lý đối với 02 vụ việc cụ thể phức tạp về an ninh, trật tự ở địa phương.

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo của Ban Dân nguyện; đồng thời đánh giá cao sự chuẩn bị Báo cáo rất công phu, đầu tư nhiều công sức, đến nay công tác dân nguyện đã ngày càng nâng cao hiệu quả.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị bổ sung trong báo cáo công tác dân nguyện các vấn đề liên quan đến thực trạng giá xăng đã giảm qua các kỳ điều chỉnh, nhưng giá các mặt hàng khác còn ở mức cao; việc đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn... Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nâng cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu kiện, tụ tập đông người, gây mất an ninh, trật tự.

Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh cần có sự quan tâm đúng mức, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành ở địa phương, nhất là các ngành chức năng để xử lý đơn từ khiếu nại của công dân đúng theo thẩm quyền, bảo đảm thấu tình, đạt lý.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tại Hội nghị lần thứ năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Trong đó có nêu vấn đề tăng cường vai trò của các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, với những vụ việc khiếu kiện đông người đã được giải quyết hết thẩm quyền, các cơ quan chức năng cần có hình thức phù hợp thông báo cho đương sự, trả lời dứt điểm là cơ quan Nhà nước đã giải quyết hết thẩm quyền theo quy định về giải quyết khiếu nại hành chính. Nếu công dân vẫn chưa đồng ý và tiếp tục muốn khiếu kiện thì hướng dẫn họ khởi kiện để giải quyết theo trình tự tố tụng tại tòa án.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ nguyên nhân khiếu nại, tố cáo giảm nhưng lại diễn biến phức tạp; đánh giá một cách toàn diện, khách quan về công tác tiếp công dân và giải quyết kiến nghị, phản ánh cũng như đơn, thư khiếu nại, tố cáo trong tháng 7/2022 và giai đoạn 2016-2021 theo chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Dân nguyện xây dựng dự thảo thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện tháng 7/2022 của Quốc hội, trình các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi chuyển để Tổng Thư ký Quốc hội phát hành thông báo kết luận tới các cơ quan hữu quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục