Phiên họp Chính phủ: Dừng thu phí đường bộ với xe máy từ 2016

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9, các thành viên Chính phủ nhất trí tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với môtô từ ngày 1/1/2016.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Sáng 30/9, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 9/2015.

Trong ngày làm việc đầu tiên của phiên họp, Chính phủ đã nghe, cho ý kiến vào báo cáo về thực trạng và giải pháp nâng cao năng suất lao động của Việt Nam; việc tính tiền lương vào giá dịch vụ y tế, thanh toán bảo hiểm y tế; việc tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe môtô…

Tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe môtô từ ngày 1/1/2016

Báo cáo của Bộ Giao thông-Vận tải về việc thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện đối với xe môtô từ đầu năm 2013 đến 30/6/2105 cho thấy số phí thu không cao và có xu hướng giảm dần, một số địa phương chưa thực hiện được việc thu phí.

Gần 3 năm qua, số phí thu được mới là gần 1.280 tỷ đồng trong khi theo kế hoạch tại đề án xây dựng Quỹ bảo trì đường bộ là 2.600 tỷ đồng/năm.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm nay số thu giảm rõ rệt, mới đạt hơn 174 tỷ đồng, bằng 6,7% kế hoạch năm. Đánh giá các nguyên nhân hiệu quả thu thấp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết chế tài xử phạt đối với các trường hợp không kê khai, nộp phí còn chưa khả thi, khó kiểm soát, vì thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực phí, lệ phí do các cơ quan thuế, thanh tra Sở chuyên ngành, Ủy ban Nhân dân các cấp thực hiện, không phải do cơ quan công an.

Việc triển khai thu phí của một số quận, huyện, thị xã chưa thực sự tích cực, đồng bộ, chưa thống nhất từ khâu quản lý số lượng xe đến khâu tổ chức thu phí, chưa có giải pháp triệt để khắc phục tình trạng không nộp thuế.

Hiện nay, việc thu phí phụ thuộc chủ yếu vào ý thức tự giác của người dân, trong khi đó ý thức tự giác của một bộ phận người dân còn chưa cao, việc triển khai thu phí tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn khó khăn.

Bên cạnh đó, một số địa phương chậm thực hiện thu phí hoặc dừng thu phí như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa dẫn đến sự không công bằng và tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Thêm vào đo, có sự di chuyển số lượng lớn các xe môtô giữa các địa phương với nhau, đặc biệt tập trung tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng dẫn đến công tác lập, tổ chức thu phí đối với lượng xe này rất khó khăn.

Việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe môtô là đúng với quy định tại Luật giao thông đường bộ, Pháp lệnh phí, lệ phí nhưng đây là việc chưa có tiền lệ. Chính vì vậy, Bộ Giao thông-Vận tải đề nghị Chính phủ cho phép tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe môtô từ ngày 1/1/2016. Đề nghị này được các thành viên Chính phủ đồng tình, nhất trí cao.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cho rằng để đảm bảo công bằng, các địa phương chưa thu phí sử dụng đường bộ trong thời gian qua phải thực hiện thu cho đến khi quy định này có hiệu lực.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định thu phí sử dụng đường bộ là lẽ công bằng. Có địa phương chấp hành nghiêm túc, người dân đã nộp đầy đủ, có địa phương không nghiêm túc mà số này rơi vào các tỉnh, thành phố kinh tế phát triển, đã gây nhiều thắc mắc trong dư luận. Phó Thủ tướng đề nghị cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc này, không tạo tiền lệ đưa ra chủ trương, nơi làm được, nơi không, những địa phương chưa thu phí phải thực hiện thu.

Nâng cao năng suất lao động của Việt Nam

Cho ý kiến vào báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thực trạng và giải pháp nâng cao năng suất lao động của Việt Nam, các thành viên Chính phủ cho rằng muốn tăng năng suất lao động, cần đẩy nhanh quá trình xã hội hóa cạnh tranh, xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao, cải tiến quản trị doanh nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực còn nhiều dư địa.

Bên cạnh đó, một yếu tố đóng vai trò quyết định là đầu tư khoa học công nghệ máy móc, trang thiết bị, sản xuất trong từng lĩnh vực phải chuyên môn hóa.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với quá trình phát triển kinh tế, năng suất lao động của Việt Nam những năm qua đã cải thiện đáng kể, tăng trưởng tương đối nhanh, giúp thu hẹp khoảng cách với các nước ASEAN nhưng nhìn chung năng suất lao động vẫn còn thấp, chưa đủ để giảm khoảng cách tuyệt đối so với các nước.

Trên cơ sở phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động của Việt Nam, như cơ cấu kinh tế và tỷ trọng lao động trong nông nghiệp, năng suất lao động các ngành và quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ sản xuất, chất lượng lao động, cơ cấu nhân lực và hiệu quả sử dụng lao động qua đào tạo, trình độ tổ chức, quản lý trong sản xuất kinh doanh và hiệu quả sử dụng các nguồn lực… báo cáo đã đưa ra các phương thức để nâng cao năng suất lao động, đó là đầu tư tài sản và nâng cao chất lượng đầu tư; nâng cao chất lượng và kỹ năng lao động; hoàn thiện thể chế, môi trường pháp lý cho sản xuất kinh doanh và sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Giá dịch vụ y tế có tính tiền lương, phụ cấp

Một nội dung được các thành viên Chính phủ quan tâm thảo luận, đó là việc ban hành giá dịch vụ y tế có tính tiền lương, phụ cấp.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thực hiện Luật bảo hiểm y tế, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng Thông tư liên tịch quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc, theo đúng lộ trình tính giá tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP, gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương.

Tại cuộc họp ngày 17/9 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, các Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thống nhất tính 100% tiền lương của bệnh viện huyện và lương của bộ phận quản lý vào giá; giá tại trạm y tế xã làm được áp dụng giá của bệnh viện và trung tâm y tế huyện.

Giá của các bệnh viện thuộc Quân đội, Công an cũng tính cả tiền lương và phụ cấp như các bệnh viện dân sự (để tránh có 2 giá). Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn tính toán để giảm trừ tương ứng phần tiền lương đã kết cấu vào giá trong dự toán chi thường xuyên được ngân sách nhà nước bảo đảm để tránh trùng lắp, thống nhất, giao liên Bộ hướng dẫn cơ chế đặc thù trong trường hợp số tiền lương thu được theo mức đã kết cấu vào giá không đủ chi lương theo chế độ được ngân sách nhà nước cấp bù. Trạm y tế xã được áp dụng mức giá của bệnh viện huyện, bao gồm cả tiền lương và phụ cấp.

Lộ trình thực hiện đã được nhiều thành viên Chính phủ thống nhất, đó là thực hiện một bước trong năm 2015. Theo đề xuất của Bộ Y tế thì trong năm 2015 (dự kiến cuối tháng 11 đầu tháng 12), khi Thông tư ban hành có hiệu lực, thực hiện theo mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24h, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật).

Từ 1/3/2016, thực hiện mức giá theo đúng lộ trình tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP, bao gồm cả tiền lương. Thành viên Chính phủ nhận định việc điều chỉnh giá là để nâng cao chất lượng dịch vụ, thực hiện việc chuyển ngân sách cấp cho bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

Việc tham gia bảo hiểm y tế sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán cơ bản chi phí khám chữa bệnh khi không may bị đau ốm, giảm chi từ tiền túi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng giá khám ở tất cả các nơi dù gọi là bệnh viện hay không là bệnh viện không thể quy định khác nhau, về lộ trình tính sớm là theo yêu cầu của Luật bảo hiểm y tế, cần phải làm trong năm nay.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh giá dịch vụ phải tính đúng, tính đủ. Các cơ quan chức năng liên quan phải tuyên truyền rõ nguyên nhân điều chỉnh là để nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân hiểu rõ; nhà nước sẽ hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ Trung ương phải có khung giá, để không có sự khác nhau giữa các cơ sở. Có 3 nội dung tính vào giá chi phí khám chữa bệnh, chi phí các loại phụ cấp và chi phí tiền lương. Các chi phí này đều thực hiện theo quy định Luật và định hướng kết luận của Trung ương, nghị định của Chính phủ, có lộ trình tính toán cụ thể.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, hơn 71% người dân đã có bảo hiểm y tế, nếu tính theo lộ trình này, quỹ bảo hiểm y tế đảm bảo đến năm 2017, sau đó tính toán điều chỉnh nâng mệnh giá của bảo hiểm y tế. Đồng thời cơ cấu lại ngân sách, cách thức cấp phát ngân sách, về tổng thể, ngân sách không phải chi bao cấp như hiện nay mà sẽ chi qua bảo hiểm y tế, thay đổi cách hạch toán và nâng cao hiệu quả hoạt động của chính bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh.

Nguyên tắc điều chỉnh theo hai bước nhưng nơi nào có đủ điều kiện có thể cho làm ngay, tùy tình hình thực tiễn, không chờ lộ trình. Bộ Y tế hướng dẫn cho các địa phương, có thể bệnh viện trung ương làm trước, địa phương làm sau, không thực hiện đồng loạt, tránh gây tâm lý căng thẳng trong xã hội.

Cũng trong ngày họp đầu tiên, Chính phủ đã nghe các báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2015; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2015 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Chính phủ cũng nghe báo cáo đánh giá việc thực hiện ngân sách nhà nước 5 năm 2011-2015; thảo luận về kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Tờ trình Luật sửa đổi, bổ sung mọt số điều của các Luật về thuế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục