Phiên dịch viên khiếm thính góp phần vào thành công của Paralympic

Thông qua kênh giáo dục của đài NHK, các phiên dịch viên khiếm thính đã sử dụng ngôn ngữ ký hiệu của họ để truyền tải lễ bế mạc Olympic và lễ khai mạc Paralympic Tokyo 2020 chi tiết và sinh động hơn.
Phiên dịch viên khiếm thính góp phần vào thành công của Paralympic ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Korea.net)

Để không ai bị bỏ lại phía sau, các hãng truyền thông Nhật Bản đã sử dụng các phiên dịch viên khiếm thính phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu trong các buổi phát sóng trực tiếp các sự kiện tại thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020. Sáng kiến này đã nhận được nhiều ý kiến khen ngợi.

Thông qua kênh giáo dục của đài NHK, các phiên dịch viên khiếm thính đã sử dụng ngôn ngữ ký hiệu của họ để truyền tải lễ bế mạc Olympic và lễ khai mạc Paralympic Tokyo 2020 chi tiết và sinh động hơn.

Những khán giả khiếm thính cho biết những phiên dịch viên đặc biệt này đã giúp họ tận hưởng trọn vẹn không khí của các buổi lễ cùng người thân trong gia đình. 

Bà Harumi Kimura, 56 tuổi, giảng viên phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu tại Trung tâm Phục hồi chức năng quốc gia cho người khuyết tật cho biết hiện nay ở Nhật Bản, trong hầu hết các sự kiện, trong đó có các buổi họp báo của thủ tướng, công việc phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu do những người không bị khiếm thính đảm nhận. Bản thân bà Kimura là người khiếm thính và đang làm phát thanh viên cho kênh Tin tức ngôn ngữ ký hiệu 845 của đài NHK.

Đài NHK đã sử dụng phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu trong các buổi phát sóng lễ bế mạc Olympic và lễ khai mạc Paralympic với mục tiêu truyền tải thông tin nhiều hơn và sinh động hơn đến các khán giả khiếm thính. Theo đó, một phiên dịch viên không khiếm thính giữ vai trò “người truyền tin” lập một nhóm với 3 phiên dịch khiếm thính. “Người truyền tin” nghe các sự kiện phát trên TV đồng thời mô tả cho 3 phiên dịch viên khiếm thính luân phiên nhau truyền tải lại bằng ngôn ngữ ký hiệu của họ, mỗi người trong 15 phút, cho đến hết buổi lễ kéo dài 3 giờ.

[Paralympic Tokyo 2020: Bản hòa tấu của sự gắn kết]

Công chúng, đặc biệt là cộng đồng người khiếm thính đã đánh giá rất cao các phiên dịch viên này, đặc biệt là biểu cảm sinh động của họ. Theo bà Kimura, chuyển động môi, lông mày cùng các bộ phận khác trên khuôn mặt rất quan trọng trong truyền tải ngôn ngữ ký hiệu của những người khiếm thính.

Những người truyền tin không chỉ hoàn thành nhiệm vụ cung cấp thông tin cho khán giả mà còn giúp tăng trải nghiệm và cảm xúc của người xem. Chính vì vậy, dù không thể thưởng thức âm nhạc, song các khán giả khiếm thính vẫn có thể trải nghiệm đầy đủ màn trình diễn của nghệ sĩ guitar Tomoyasu Hotei trong lễ khai mạc Paralympic.

Với thành công này, các chuyên gia hy vọng các phiên dịch viên khiếm thính sẽ được sử dụng thường xuyên hơn trong nhiều lĩnh vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục