Phiên 29/7, giá dầu Brent tăng trở lại mức 75 USD mỗi thùng

Giá dầu tại thị trường châu Á đi lên giúp đưa giá dầu Brent trở lại mốc 75 USD/thùng, sau khi chứng kiến đà giảm mạnh vào đầu tháng Bảy.
Phiên 29/7, giá dầu Brent tăng trở lại mức 75 USD mỗi thùng ảnh 1Công nhân làm việc tại một cơ sở lọc dầu của Iran trên đảo Khark ở ngoài khơi vùng Vịnh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu tại thị trường châu Á đi lên trong phiên giao dịch 29/7 giữa bối cảnh dự trữ dầu thô của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2020.

Kết quả này đã giúp đưa giá dầu Brent trở lại mốc 75 USD/thùng, sau khi chứng kiến đà giảm mạnh vào đầu tháng Bảy.

Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 37 xu Mỹ (0,5%), lên 75,11 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng tiến 39 xu Mỹ (0,5%), lên 72,78 USD/thùng.

[Giá dầu châu Á tăng khi dự trữ của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến]

Giá dầu Brent vượt qua ngưỡng 75 USD/thùng lần đầu tiên trong hơn hai năm vào tháng 6/2021, song sau đó đã giảm mạnh vào đầu tháng 7/2021 do lo ngại về sự lây lạn nhanh chóng của biến thể Delta khiến đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trở lại trên toàn cầu và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia liên minh đạt được thỏa hiệp nhằm tăng nguồn cung "vàng đen."

Tuy nhiên, nhân tố có tác động lớn nhất đối với đà tăng của giá dầu trong phiên này là báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay lượng dầu tồn kho của Mỹ đã giảm 4,1 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 23/7 do nhập khẩu giảm và sản lượng cũng đi xuống. Mỹ là quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ, có trụ sở tại Melbourne (Australia), cho biết việc lượng dầu tồn kho giảm cho thấy sự gia tăng số ca mắc COVID-19 đang ít ảnh hưởng đến hoạt động di chuyển của người dân. Các kho dự trữ xăng của Mỹ cũng giảm trong tuần qua, gần về với mức trước đại dịch.

Ngày 28/7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết ngân hàng này vẫn lạc quan về chính sách tiền tệ hiện tại và các cuộc đàm phán liên quan tới việc cắt giảm các chương trình mua tài sản hàng tháng trị giá 120 tỷ USD đang diễn ra.

Chủ tịch Fed Jerome Powell lưu ý lạm phát đã tăng cao hơn mục tiêu 2% của Fed, chủ yếu là do các yếu tố tạm thời bao gồm sự tắc nghẽn nguồn cung.

Tuy nhiên, ông Powell tái khẳng định tin tưởng rằng mặc dù lạm phát sẽ vẫn ở mức cao trong một số tháng nhưng cuối cùng sẽ chững lại và Fed sẽ sẵn sàng hành động nếu cần thiết.

Tuy nhiên, lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu vẫn còn khi nhu cầu xăng ở Mỹ và châu Âu bắt đầu đi xuống.

Các nhà phân tích lưu ý rằng, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trên toàn cầu sẽ không thể phục hồi về mức trước đại dịch cho đến năm 2022 hoặc thậm chí lâu hơn, nếu đại dịch không đươc kiểm soát và tốc độ tiêm chủng chậm lại càng kéo theo những thay đổi cơ cấu trong nhu cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục