Phiên 16/11: Vàng giảm giá, dầu đi ngược chiều, khí đốt tăng mạnh

Trong phiên giao dịch ngày 16/11, các số liệu kinh tế Mỹ đã khiến giá vàng thế giới giảm, còn dự báo sản lượng dầu tăng đẩy giá dầu đi ngược chiều, trong giá khí đốt tai châu Âu tăng mạnh.
Phiên 16/11: Vàng giảm giá, dầu đi ngược chiều, khí đốt tăng mạnh ảnh 1Vàng tại một tiệm kim hoàn ở Meyrin, gần Geneva, Thụy Sĩ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch ngày 16/11, các số liệu kinh tế Mỹ đã khiến giá vàng thế giới giảm, còn dự báo sản lượng dầu tăng đẩy giá dầu đi ngược chiều, trong giá khí đốt tai châu Âu tăng mạnh.

Giá vàng thế giới giảm phiên 16/11 khi số liệu về kinh tế Mỹ mạnh

Giá vàng kỳ hạn giảm trong phiên 16/11 tại Sàn giao dịch hàng hóa New York, khi số liệu về kinh tế Mỹ mạnh đã thúc đẩy hoạt động chốt lời.

Hợp đồng vàng giao tháng 12/2021 được giao dịch nhiều nhất giảm 12,5 USD, hay 0,67%, chốt phiên ở mức 1.854,1 USD/ounce.

Bộ Thương mại Mỹ ngày 16/11 công bố báo cáo cho thấy doanh số bán lẻ tại nước này trong tháng 10 tăng 1,7%, vượt các dự báo của thị trường và người tiêu dùng Mỹ vẫn chi tiêu mạnh.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cùng ngày công bố báo cáo cho thấy sản lượng công nghiệp ở nước này tăng 1,6% trong tháng 10, sau khi giảm 1,3% trong tháng Chín, cũng vượt so với dự báo của thị trường. 

Đồng USD lên giá cũng gây sức ép lên giá vàng. 

Trong phiên này, giá bạc giao tháng 12 giảm 16,1 xu, hay 0,64%, xuống 24,944 USD/ounce. Giá bạch kim giao tháng 1/2022 giảm 22,4 USD, 2,04%, xuống  1.074,5 USD/ounce.

Còn tại Việt Nam, cuối ngày 16/11, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 61,1 - 61,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá dầu thế giới đi ngược chiều phiên 16/11

Giá dầu thế giới giao dịch ngược chiều nhau phiên 16/11 do triển vọng về lượng dầu tại các kho dự trữ trên thế giới thắt chặt lại bị “lấn át” bởi dự báo sản lượng dầu sẽ tăng trong những tháng tới và lo ngại về số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng tại châu Âu.

Phiên 16/11: Vàng giảm giá, dầu đi ngược chiều, khí đốt tăng mạnh ảnh 2 Một cơ sở lọc dầu ở Zubair, tỉnh Basra, miền Nam Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 38 xu Mỹ (0,5%) lên 82,43 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 12 xu Mỹ (0,2%) xuống 80,76 USD/thùng.

Nhà phân tích Carsten Fritsch của ngân hàng Commerzbank cho hay nguồn cung trên thị trường dầu sẽ vẫn hạn chế trong ngắn hạn, qua đó hỗ trợ cho giá.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành của tập đoàn Trafigura Group Jeremy Weir cho rằng sự thắt chặt tại thị trường dầu thế giới là do nhu cầu quay trở lại mức trước đại dịch.
Sản lượng dầu từ lưu vực Permian của Texas được dự báo sẽ đạt mức kỷ lục 4,953 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2021.

Các kho dự trữ dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ tăng trong tuần thứ tư liên tiếp, trong đó các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Reuters dự báo sẽ tăng khoảng 1,4 triệu thùng trong tuần trước.

Báo cáo về tình hình nguồn cung từ Viện Xăng Dầu Mỹ (API) dự kiến được công bố vào cuối ngày 16/11.

Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết đà tăng trên thị trường dầu có thể chậm lại do giá cao có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất, đặt biệt là tại Mỹ.

IEA dự báo giá dầu Brent trung bình ở mức khoảng 71,5 USD/thùng trong năm 2021 và 79,4 USD/thùng trong năm 2022. Trong khi theo hãng thông tấn TASS, tập đoàn dầu khí Rosneft dự đoán loại dầu này có thể chạm mức 120 USD/thùng trong nửa cuối năm 2022.

Tổng thư ký Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Mohammad Barkindo dự kiến nguồn cung dư thừa có thể xảy ra sớm nhất là vào tháng 12/2021 và thị trường sẽ vẫn dư cung trong năm tới.

Tuần trước, OPEC đã hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới trong quý IV/2021 khoảng 330.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước, trong bối cảnh giá năng lượng cao cản trở sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Lo lắng về nhu cầu sụt giảm cũng gây áp lực khi châu Âu một lần nữa trở thành “tâm” dịch COVID-19, khiến một số nước xem xét áp dụng lại các biện pháp phong tỏa, trong khi đó Trung Quốc đang chống chọi với sự lây lan của đợt bùng phát lớn nhất do biến thể Delta gây ra.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã xem xét “khai thác” các kho dự trữ khẩn cấp của Mỹ để hạ nhiệt giá dầu đang tăng. Tuy nhiên, quyền người đứng đầu Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết việc giải phóng dầu từ Kho Dự trữ Dầu chiến lược Mỹ (SPR) có thể sẽ chỉ có tác động ngắn hạn đến thị trường dầu mỏ.

Bên cạnh đó, đồng USD đã chạm mức cao nhất trong 16 tháng so với rổ tiền tệ sau số liệu về doanh số bán lẻ khả quan của Mỹ. Đồng USD mạnh hơn khiến giá dầu đắt hơn đối với những người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.

Trở ngại trong dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đẩy giá khí đốt tại châu Âu tăng mạnh

Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng mạnh sau khi Cơ quan Quản lý năng lượng Đức ngày 16/11 thông báo tạm đình chỉ tiến trình phê duyệt dự án đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đưa khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức. Lý do được đưa ra là vì công ty vận hành dự án này chưa tuân thủ luật pháp Đức.

Phiên 16/11: Vàng giảm giá, dầu đi ngược chiều, khí đốt tăng mạnh ảnh 3Trạm cung ứng PIG trong hệ thống đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trên đất liền ở Lubmin, Đức ngày 21/9/2020. “Dòng chảy phương Bắc 2” trị giá 11 tỷ USD, cùng với tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc hiện nay đi qua Biển Baltic, sẽ cho phép Nga vận chuyển khí đốt tới châu Âu mà không phải trung chuyển qua Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đến nay đã hoàn tất về mặt lắp đặt thi công, song giấy phép hoạt động vẫn đang bị "treo."

Theo Cơ quan Quản lý năng lượng Đức, kế hoạch của công ty vận hành đường ống - có trụ sở tại Thuỵ Sỹ - là thành lập một công ty con tại Đức để quản lý phần đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2  đi qua lãnh thổ Đức.

Tuy nhiên, điều này được cho là chưa đủ. Thủ tục pháp lý của Đức yêu cầu các tài sản và nguồn nhân lực chính phải được chuyển từ công ty mẹ sang chi nhánh tại Đức.

Cơ quan Quản lý năng lượng Đức nhấn mạnh, doanh nghiệp điều hành đường ống phải được tổ chức và hoạt động theo luật pháp của Đức, sau đó cơ quan này mới có thể “bật đèn xanh" cho dự án, cụ thể là đề nghị Uỷ ban châu Âu thẩm tra dự án và sau đó Cơ quan Quản lý năng lượng Đức sẽ cấp giấy phép cuối cùng - một tiến trình có thể mất thêm nhiều tháng nữa.

Quyết định nêu trên đã ngay lập tức tác động tới giá khí đốt trong bối cảnh châu Âu kỳ vọng Nga sẽ tăng đáng kể nguồn cung khi Dòng chảy Phương Bắc 2 được phê duyệt.

Theo hãng tin Bloomberg, hợp đồng tương lai khí tự nhiên châu Âu đã tăng sát mức cao nhất trong 4 tuần qua. Bloomberg cho biết, giá khí đốt châu Âu chuẩn (benchmark) đã tăng tới 19% do những lo ngại về sự không chắc chắn của nguồn nhiên liệu trong mùa Đông này.

Trong khi đó, giá khí đốt giao kỳ hạn tháng 12/2021 ở Hà Lan tăng 18%. Giá khí đốt đã tăng hơn ba lần trong năm nay do lượng khí đốt dự trữ của châu Âu vẫn ở mức dưới trung bình sau một mùa Đông kéo dài mùa trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục