Phía sau những nụ cười trên hành trình "khoác balô lên và đi"

Nhiều phụ huynh có con tham gia các chiến dịch tình nguyện chia sẻ rằng, nỗi sợ đeo bám tâm trí họ suốt từ khi con nói sẽ đi tình nguyện đến khi chiến dịch kết thúc.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tối 5/7, khi chương trình thời sự đưa tin Ban Bí thư Trung ương Đoàn gửi công văn đề nghị các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc tăng cường bảo đảm an toàn cho thanh niên, sinh viên tham gia chiến dịch tình nguyện Hè 2016, em gái tôi (sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội) kể:

“Chị biết không, vào tối 2/7, ngay sau khi TV phát bản tin về ba người bạn cùng trường em tử nạn trong thời gian tham gia hoạt động tình nguyện ở Quảng Ninh, ông ngoại lập tức gọi điện thoại cho em: ‘Cháu đang ở đâu? Có chuyện gì xảy ra với cháu không?’ - giọng ông đầy hoảng hốt.”


Nỗi sợ đeo bám

Chắc hẳn, khi nghe tin ấy, không chỉ có ông ngoại tôi mới cảm thấy lo lắng như vậy. Những phụ huynh có con đang tham gia chiến dịch tình nguyện Hè năm nay cũng không khỏi giật mình, hoang mang.

Tôi tin, câu chuyện này sẽ không chỉ dừng lại ở đây. Những mùa Hè tiếp theo, khi con cái bày tỏ nguyện vọng tham gia chiến dịch thanh niên, sinh viên tình nguyện tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, không ít ông bố, bà mẹ sẽ lắc đầu tỏ ý nghi ngại. Mặc dù, mục đích đề ra của những chiến dịch ấy mang ý nghĩa rất lớn: “Thông qua hoạt động tình nguyện tạo môi trường cho đoàn viên, thanh niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành; góp phần hình thành lớp thanh niên giàu lòng nhân ái, có bản lĩnh, trí tuệ, có kỹ năng thực hành xã hội, có sức khỏe...”

Nhiều phụ huynh đã chia sẻ với rằng, họ… sợ! Họ sợ con mình sẽ không có đủ những kỹ năng cần thiết để xử lý những tình huống phát sinh ở những miền đất xa, còn nhiều khó khăn, kiểu như: cháu nhà tôi không biết bơi, nếu không may bị ngã xuống sông, ao, hồ hay gặp lũ ống, lũ quét... thì phải làm sao? Nếu không may bị lạc trong rừng, các cháu sẽ phải xử lý ra sao?

Nỗi sợ ấy thậm chí có thể đeo bám tâm trí họ suốt từ khi con nói sẽ đi tình nguyện đến khi chiến dịch kết thúc.

“Tôi hiểu, tham gia các hoạt động xã hội, đoàn thể là việc rất nên làm. Tuy nhiên, nỗi lòng người mẹ thì không thể yên khi biết con đi đến những vùng xa xôi, hẻo lánh. Năm ngoái, khi tận mắt thấy con gái kết thúc đợt tình nguyện Hè ở vùng biên giới phía Bắc và trở về nhà, tôi mới thở phào nhẹ nhõm,” chị Lê Hương (ngõ 464, đường Âu Cơ, Hà Nội) chia sẻ.

Những đợt tình nguyện ở xa đã vậy. Thế nhưng, với những đợt tình nguyện ở ngay chính các địa thành phố lớn, đôi khi, phụ huynh cũng “lắc đầu.”

“Nhìn hình ảnh các bạn sinh viên xếp hàng rào sống phân làn đường, nhiều người thấy ấn tượng, tự hào. Còn với tôi chỉ là cảm giác bất an. Tôi không dám hình dung chuyện gì sẽ xảy ra nếu không may có một chiếc xe không kiểm soát được tốc độ lao đến! Với cách thức tổ chức các chương trình tình nguyện như hiện nay, tôi chưa và sẽ không bao giờ đồng ý cho con mình tham gia,” chị Hoài Thu (đường Cầu Vồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ.

Hình ảnh những sinh viên tình nguyện lập ‘hàng rào sống’ giúp thí sinh sang đường. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Đời không như mơ”

Nhắc lại câu chuyện đi tình nguyện tại Hòa Bình cách đây 5 năm, Nguyễn Hằng (cựu sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) thẳng thắn thừa nhận: “Thực sự, sau chuyến đi đó, việc tích lũy được kỹ năng, kinh nghiệm thực tế cho bản thân hay giúp đỡ cộng đồng dân cư địa phương là rất… ít. Chuyến đi mang tính chất… vui là chính, giống như việc ‘đổi gió’ sau một năm học !”

Nguyễn Hằng kể, sau chuyến đi ấy, cô không đăng ký tham gia các chiến dịch tình nguyện khác trong những năm học tiếp theo nữa. “Tôi không tham gia nữa vì thấy ‘đời không như mơ.’ Mọi việc đều rất hình thức! Những công việc khác nhau (dạy học, tuyên truyền pháp luật, làm đường...) sẽ được phân công phù hợp với khả năng của từng thành viên. Tuy nhiên, việc tổng kết, đánh giá hiệu quả những công việc đó lại khá chung chung: thực hiện tốt!”

Không chỉ có vậy, một trong những lý do khác khiến cô không đăng ký tham gia các chiến dịch tình nguyện ở xa là: không được tập huấn, đào tạo kỹ lưỡng những kỹ năng sinh tồn khi xảy ra sự cố.

“Thực tế, trước mỗi chuyến đi, các tình nguyện viên đều được tập huấn những kỹ năng như sơ cứu vết thương, làm việc nhóm…; được dặn dò cách thức để hòa nhập với cộng đồng dân cư địa phương… Tuy nhiên, nếu gặp hỏa hoạn, thú dữ hay sạt lở đất… thì chúng tôi thực sự không biết phải xử lý như thế nào, vì chưa bao giờ được tập huấn. Nói chung, mọi thứ đều rất lý thuyết,” cựu sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ.

Dẫu vậy, mỗi mùa Hè đến, hàng nghìn thanh niên, sinh viên vẫn háo hức “khoác ba lô lên và đi,” hòa mình vào những đoàn tình nguyện đi đến những miền xa. Mỗi người có những lý do riêng.

“Tôi đi không phải vì những lý tưởng to tát như góp phần tạo ra những sự thay đổi mang tính đột biến cho những vùng đất mà chúng tôi đến hay cuộc sống của những con người mà chúng tôi gặp. Tôi đi, đơn giản bởi đó là cơ hội thực tế đối với những sinh viên hàng ngày chỉ biết tới lý thuyết, sách vở; đi để rèn luyện khả năng thích ứng với hoàn cảnh khó khăn, sự thiếu thốn - những thứ vốn không xuất hiện trong gia đình, giảng đường; đi để học cách kiềm chế cái ‘tôi’…,” Lê Thảo (sinh viên Đại học Y Hà Nội) bày tỏ.

Nỗi đau từ những tai nạn thương tâm trong các chuyến tình nguyện vẫn sẽ ám ảnh nhiều người. Nỗi lo lắng, nghi ngại của các bậc phụ huynh khi con hòa mình vào hành trình tình nguyện vẫn sẽ còn đó. Ấn tượng “vui chơi là chính” khi tham gia hoạt động tình nguyện vẫn còn khá nguyên vẹn với không ít thành viên đã từng lên đường đi tình nguyện…

Điều ấy đặt ra yêu cầu về việc đánh giá lại cách thức tổ chức các hoạt động, chiến dịch thanh niên, sinh viên tình nguyện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục