Phía sau mục tiêu thu hút các nhà khoa học Australia của Trung Quốc

Ước tính có khoảng 1.000 nhà khoa học Australia được cho là đã được tuyển dụng để tham gia các kế hoạch thu hút nhân tài ở nước ngoài của Trung Quốc
Phía sau mục tiêu thu hút các nhà khoa học Australia của Trung Quốc ảnh 1(Nguồn: skynews.com.au)

Một báo cáo mới đây của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) cho biết Trung Quốc có ít nhất 57 “trạm” tuyển dụng nhân tài ở Australia để thu hút các nhà khoa học hàng đầu làm việc cho Bắc Kinh theo mục tiêu thống trị toàn cầu trong các công nghệ quan trọng.

Báo cáo cho biết ước tính có khoảng 1.000 nhà khoa học Australia được cho là đã được tuyển dụng để tham gia các kế hoạch thu hút nhân tài ở nước ngoài của Trung Quốc, trong đó có nhiều người đang nghiên cứu các công nghệ có thể được quân đội Trung Quốc sử dụng.

Các kế hoạch thu hút nhân tài là một phần trong nỗ lực quốc gia của Trung Quốc nhằm đạt được ưu thế công nghệ trong các lĩnh vực quan trọng, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nhà khoa học và kỹ sư Trung Quốc vào năm 2018 “tích cực nắm bắt các đỉnh cao của cạnh tranh công nghệ và phát triển trong tương lai.”

[Ứng dụng AI giúp nâng cao hiệu quả tuyển dụng lao động]

Các nhà tuyển dụng chương trình nhân tài của Trung Quốc được trả tới 40.000 đôla Australia (khoảng 28.600 USD) cho mỗi nhà khoa học họ tuyển dụng được, cộng với chi phí hoạt động hàng năm. Trung Quốc sử dụng hơn 200 chương trình nhân tài như là “một hình thức chuyển giao công nghệ.”

Báo cáo của ASPI viết: “Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ảnh hưởng và thu hút các chuyên gia đang hoạt động trên toàn cầu và ở tất cả các quốc gia phát triển. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng các chương trình tuyển dụng nhân tài của họ đã tuyển dụng tới 60.000 nhà khoa học và doanh nhân nước ngoài từ năm 2008 đến năm 2016.”

ASPI xác định có 57 trung tâm tuyển dụng nhân tài có trụ sở tại Australia, hầu hết liên kết với các hội các học giả Trung Quốc và các trường đại học Australia. Các trung tâm này nằm trong mạng lưới hơn 600 trung tâm đặt tại các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến.

Các hội học giả bao gồm Liên đoàn Học giả Trung Quốc tại Australia và Hiệp hội Học giả và Sinh viên Trung Quốc của Đại học Công nghệ Sydney (UTS) (CSSA) đang “hợp tác với chính phủ Trung Quốc để tổ chức các cuộc thi tuyển dụng gắn liền với Kế hoạch 1.000 nhân tài.”

Các văn phòng của CSSA tại các bang Victoria, New South Wales và Tây Australia cũng tham gia vào việc điều hành các trạm tuyển dụng nhân tài này.

Báo cáo của ASPI cho hay: “Các tổ chức như vậy đã thiết lập các liên kết bên trong các cộng đồng người Trung Quốc và nhận được các khoản tiền cho việc phát hiện và tuyển dụng nhân tài, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và tiếp đón các phái đoàn chính thức từ Trung Quốc."

ASPI nhận định những người tham gia vào các chương trình tuyển dụng nhân tài dường như cũng có tỷ lệ khá cao trong các nhà khoa học ở nước ngoài cộng tác với quân đội Trung Quốc.

Nhiều người mới được tuyển dụng làm việc trong các lĩnh vực công nghệ lưỡng dụng tại các cơ sở của Trung Quốc có liên kết chặt chẽ với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Báo cáo khuyến nghị các trường đại học Australia thực thi nghiêm túc các quy định hiện hành với lý do phần lớn các hành vi sai trái liên quan đến các chương trình tuyển dụng nhân tài vi phạm pháp luật, hợp đồng và chính sách thể chế hiện hành.

Ngoài ra, theo báo cáo, Chính phủ Australia cần có các chính sách mới để thúc đẩy tính minh bạch và quản lý xung đột lợi ích, cùng với việc đầu tư vào các năng lực mới để hiểu được công việc tuyển dụng nhân tài của Trung Quốc.

Báo cáo cũng cho biết Mỹ là mục tiêu hàng đầu của các nhà tuyển dụng và được truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả là “kho báu” tài năng công nghệ lớn nhất. Ngoài Mỹ, có khả năng hơn một 1.000 người đã được tuyển dụng từ Anh, Đức, Singapore, Canada, Nhật Bản, Pháp và Australia kể từ năm 2008./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục