Phía sau câu chuyện Trung Quốc vượt Mỹ về cơ sở hạ tầng

Cơ sở hạ tầng của Mỹ cũ kỹ, không đổi mới được nhiều người nhìn nhận như biểu tượng cho sự suy tàn của bá quyền và sớm bị Trung Quốc thay thế. Liệu điều này có là sự thật?
Phía sau câu chuyện Trung Quốc vượt Mỹ về cơ sở hạ tầng ảnh 1Thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. (Nguồn: britannica.com)

Ngày 31/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phác thảo kế hoạch đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng và ứng phó với biến đổi khí hậu trị giá 2.300 tỷ USD.

Theo thông tin từ Nhà Trắng, đề xuất này sẽ được thực hiện trong hơn 8 năm với ngân sách đến từ việc tăng thuế doanh nghiệp và gia đình có thu nhập từ 400.000 USD/năm trở lên trong 15 năm.

Ông Biden tuyên bố kế hoạch sẽ tạo ra hàng triệu việc làm và được phân giai đoạn thực hiện.

Do đảng Cộng hòa phản đối tăng thuế, kế hoạch này có thể trở thành "bánh vẽ lúc đói" giống như dưới thời các cựu Tổng thống như ông Barack Obama và ông Donald Trump.

[Mỹ có thể học hỏi điều gì từ sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc?]

Đây chính là khác biệt lớn nhất về mô hình xây dựng cơ sở hạ tầng giữa hai thể chế Mỹ và Trung Quốc.

Nhưng liệu rằng hành động chi tiền phát triển của Trung Quốc có giúp nước này "thắng" Mỹ về cơ sở hạ tầng?

Những năm gần đây, cạnh tranh Mỹ-Trung bao gồm cả cạnh tranh về xây dựng cơ sở hạ tầng cứng như đường cao tốc, đường sắt cao tốc, cầu cống, sân bay, cảng biển, đập nước, mạng lưới truyền tải điện, đường ống dẫn nước và cả trạm sạc xe điện, hệ thống mạng viễn thông 5G…

Cơ sở hạ tầng của Mỹ cũ kỹ, không đổi mới được nhiều người nhìn nhận như biểu tượng cho sự suy tàn của bá quyền và sớm bị Trung Quốc thay thế.

Khi tranh cử, ông Trump từng chỉ trích rằng cơ sở hạ tầng của Mỹ ngang với các nước thuộc thế giới thứ ba.

Hiệp hội Kỹ sư xây dựng quốc gia Mỹ cũng xếp cơ sở hạ tầng nước này ở mức D+ hoặc C- trong nhiều năm liên tiếp, có nghĩa kém xa mức tiêu chuẩn.

Tổng thống Mỹ ba nhiệm kỳ gần đây đều muốn cải thiện cơ sở hạ tầng, nhưng hơn 10 năm trôi qua, các nỗ lực đều không tiến triển.

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng cứng của Trung Quốc phát triển nhảy vọt trong những năm gần đây.

Có người chỉ trích đó là các "công trình bộ mặt," tức là các công trình chỉ được vẻ bề ngoài, và rất nhiều trong số đó là "công trình bã đậu" (chỉ các công trình xây dựng có chất lượng kém).

Tuy nhiên, không thể phủ nhận Trung Quốc dựa vào "ưu thế phát triển sau" và Nhà nước đầu tư rất nhiều để phát triển cơ sở hạ tầng.

Diện mạo mới của các thành phố và Trung Quốc vượt Mỹ trong một số lĩnh vực đã khiến rất nhiều người tự hào với thành tựu này.

Dù vậy, cần thấy rằng cơ sở hạ tầng tiến bộ không có nghĩa là có nhiều nhà chọc trời hơn, có sân bay lớn hơn hoặc nhiều đèn neon hơn. Quan trọng vẫn là tính thiết thực, hiệu quả và lợi ích mà cơ sở hạ tầng mang lại cho người dân.

Cơ sở hạ tầng của Mỹ là "đồ cổ" hàng thế kỷ. Mạng lưới đường cao tốc "mới" nhất ở Mỹ được xây dựng cách đây hơn 70 năm, mặt đường đã lỗ chỗ.

Trong số 614.000 cây cầu trên toàn nước Mỹ, có 56.000 cây cầu có khiếm khuyết, gây nguy hiểm. Đó là sự thực.

Theo tờ Tin tức Thế giới, có một số nguyên nhân liên quan tới việc cơ sở hạ tầng của Mỹ "lạc hậu" hơn so với Trung Quốc.

Thứ nhất, sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ đứng vững ở vị trí siêu cường toàn cầu, có hệ thống đường sắt, hàng không, cao tốc xây dựng trong hơn 60 năm không nước nào bì kịp.

Nước Mỹ tự mãn về điều đó và không tiếp tục đầu tư. Vấn đề của cơ sở hạ tầng Mỹ không phải là lạc hậu mà là cũ kỹ.

Thứ hai, trong hơn nửa thế kỷ, Mỹ dồn tài nguyên quốc gia đầu tư cho quân đội và nhân dân, chi tiêu quân sự tăng vọt, mấy cuộc chiến tranh tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD.

Ngân sách quốc gia hàng năm dành phần lớn cho an sinh xã hội và trợ cấp y tế, thâm hụt liên tục lập kỷ lục mới. Chính phủ không có tiền và cũng không có ý định đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Các Tổng thống Mỹ trước thời cựu Tổng thống Obama cũng ít coi trọng việc cải thiện cơ sở hạ tầng.

Thứ ba, 20 năm qua, từ thời cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cùng cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Trung Quốc đã đầu tư 4.000 tỷ nhân dân tệ để kích thích kinh tế.

Chính phủ trung ương và chính quyền địa phương năm nào cũng dựa vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy kinh tế.

Các tuyến đường sắt cao tốc, mạng lưới đường bộ, cầu cống, đập nước... nối tiếp nhau xuất hiện.

Ở Trung Quốc, chỉ bằng mệnh lệnh dỡ bỏ toàn diện, vài tháng sau, diện mạo thành phố sẽ thay đổi hoàn toàn. Chỉ qua hai thế hệ lãnh đạo, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ và châu Âu trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Thứ tư, thể chế dân chủ Mỹ phân quyền giữa liên bang và bang, các nhánh quyền lực kiềm chế lẫn nhau, đất đai thuộc sở hữu tư nhân, xây dựng cơ sở hạ tầng bị hạn chế bởi vấn đề bảo vệ môi trường cũng như các lợi ích và ý kiến khác nhau.

Ngoài ra, giá nhân công tăng cao, tiếng nói của công đoàn có sức nặng, khiến giá thành xây dựng cơ sở hạ tầng ở Mỹ cao gấp nhiều lần, thậm chí gấp hơn chục lần so với Trung Quốc. Những yếu tố này kiềm chế sự đổi mới trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng ở Mỹ.

Một số cư dân mạng cho rằng cơ sở hạ tầng của Mỹ đang lạc hậu hơn Trung Quốc. Quả thực, cơ sở hạ tầng của Mỹ cũ kỹ, nhưng không tệ hại như suy nghĩ của nhiều người và Trung Quốc không nên đắc thắng vì đã đi tắt để thành công.

Cả ông Trump và ông Biden đều thổi phồng sự lạc hậu của cơ sở hạ tầng trong nước là muốn tạo cho người dân cảm giác nguy cơ, thổi bùng động lực đi lên của đất nước. Đây chính là "viên đạn bọc đường" mê hoặc đối thủ. Người Mỹ rất thực tế, chỉ cần đủ dùng.

Ví dụ, Trung Quốc tự hào nhất về đường sắt cao tốc, nhưng ở Trung Quốc, đường sắt cao tốc trong tình trạng dư thừa, gồng lên trả nợ. Mỗi năm vận hành thua lỗ tới hơn 200 tỷ nhân dân tệ, tổng nợ đã vượt quá con số 5.000 tỷ nhân dân tệ. "Hố đen hút tiền" mà đường sắt cao tốc tạo ra đã quá lớn.

Nhưng ở Mỹ, ngoại trừ hành lang Đông Bắc dân cư đông đúc cần tới đường sắt cao tốc, còn các khu vực khác cơ bản không cần.

Ngoài ra, nguyên nhân còn do ở Mỹ, hầu hết các gia đình đều có ôtô, vì thế cơ bản là không cần tới đường sắt cao tốc.

Ngành hàng không cũng phát triển khiến nhu cầu đối với đường sắt cao tốc giảm xuống.

Các sân bay ở Mỹ tuy cũ và không có sân bay nào nằm trong danh sách 25 sân bay tốt nhất thế giới, nhưng số lượng đội bay và cường độ vận hành của họ thì không nơi nào trên thế giới sánh kịp.

Trong số 50 sân bay tấp nập nhất thế giới, Mỹ có 16, trong khi Trung Quốc chỉ có 9. Mỹ có tổng cộng 5.136 sân bay nhà nước và 14.112 sân bay tư nhân, nhưng Trung Quốc chỉ có 200 sân bay.

Dẫu không so sánh được với Trung Quốc về đường sắt cao tốc, nhưng hệ thống vận tải hàng hóa đường sắt của Mỹ vẫn đứng đầu thế giới, vận chuyển tới 40% hàng hóa trên toàn quốc. Trong số các đoàn tàu vận tải hàng hóa có trên 300 toa ở Mỹ, 70% là toa tàu 2 tầng còn Trung Quốc tới nay mới bắt đầu thử nghiệm dùng toa tàu 2 tầng.

Nói tóm lại, không thể phủ nhận cơ sở hạ tầng ở Mỹ vẫn tồn tại hiện tượng chỉ có ở thế giới thứ ba như cầu cống, mạng lưới truyền tải điện, đập nước… cũ kỹ hay đường ống dẫn nước chứa chất độc hại như chì.

Những hiện tượng này, ông Biden và thậm chí người kế nhiệm ông cũng khó giải quyết một sớm một chiều.

Tuy nhiên, do các nhân tố như tình hình đất nước, mật độ dân số, nhu cầu thực tế và nhu cầu quốc phòng… khác nhau, nên khó có thể sử dụng sự mới-cũ để đo lường thắng-thua giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục