Phía sau câu chuyện cổ phiếu ngân hàng vượt đỉnh

Phiên hôm nay 29/2, cổ phiếu VCB của Vietcombank vẫn giao dịch quanh vùng đỉnh. Cuối phiên ở mức 97.300 đồng/cổ phiếu, chỉ giảm 0,1% so với chốt phiên hôm qua.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Là nhóm có tác động lớn nhất lên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng – được mệnh danh là “cổ phiếu vua” đã góp công lớn vào đà tăng của chỉ số trong thời gian qua. Thậm chí, có nhiều mã ngân hàng đã vượt đỉnh lịch sử. Phía sau sự tăng trưởng mạnh, giới đầu tư đặt kỳ vọng vào sự tăng trưởng của nhóm cổ phiếu này trong thời gian tới.

Phiên hôm nay 29/2, cổ phiếu VCB của Vietcombank vẫn giao dịch quanh vùng đỉnh. Cuối phiên ở mức 97.300 đồng/cổ phiếu, chỉ giảm 0,1% so với chốt phiên hôm qua.

Trước đó, phiên hôm qua (28/2), cổ phiếu VCB tăng kịch trần 6,92% lên 97.400 đồng, là mức giá cao nhất của cổ phiếu này trong lịch sử (tính giá sau chia cổ tức hàng năm). Chỉ riêng mã VCB đã đóng góp tới 8 điểm của VN-Index. Thanh khoản khớp lệnh VCB đạt hơn 4,2 triệu đơn vị trong phiên tăng trần, gấp 3,5 lần trung bình 10 phiên trước đó.

Với trên 5,58 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, vốn hoá của Vietcombank trên sàn HOSE hiện đạt hơn 543.818 tỷ đồng, đứng đầu nhóm vốn hoá lớn và cao hơn gần 80 % mã ngân hàng vốn hóa lớn thứ 2 là BID.

Thực tế, đà tăng của VCB được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh vượt trội. Theo đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – mã chứng khoán VCB) công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2023 đạt 41.244 tỷ đồng, tăng trưởng 10,4% so với năm 2022.

Với kết quả này, Vietcombank xác lập kỷ lục mới về lợi nhuận trong ngành ngân hàng và bỏ xa kết quả lợi nhuận với các ngân hàng còn lại như Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có lợi nhuận trước thuế 27.650 tỷ đồng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB – mã chứng khoán MBB) có lợi nhuận trước thuế 26.306 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank (25.400 tỷ đồng), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - VietinBank (25.100 tỷ đồng).

Trên thị trường chứng khoán, ngoài VCB, các cổ phiếu khác cũng vượt đỉnh lịch sử hoặc đang ở vùng đỉnh như BID, ACB, HDB, MBB, NAB…

Nhiều mã ngân hàng vốn hóa lớn có mức tăng đến hàng chục phần trăm từ đầu năm. Theo đó, tính đến hết phiên sáng 29/2/2024, CTG tăng hơn 30%, MBB tăng hơn 28%, TCB tăng gần 30%, BID tăng hơn 23%, HDB tăng 17%, ACB tăng 14,5%…

Thực tế cho thấy, sau những quý sụt giảm, lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý IV đã phục hồi mạnh mẽ. Ngân hàng là nhóm cổ phiếu đóng góp chính vào lợi nhuận toàn thị trường trong quý IV/2023.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECR (VNDIRECT), lãi ròng nhóm ngân hàng tăng 22,5% so với cùng kỳ trong quý IV/2023 và tăng 3,8% trong cả năm 2023.

Kết quả kinh doanh tích cực của các nhà băng là nhờ tăng trưởng tín dụng được đẩy nhanh trong kỳ; thu nhập ngoài lãi (thu nhập từ phí, hoạt động ngoại hối) tăng mạnh, toàn ngành tăng 20% và chi phí trích lập dự phòng giảm 5%.

Đáng chú ý, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đều hoàn thành mức lợi nhuận theo kế hoạch; trong đó, Vietinbank và BIDV đạt mức lợi nhuận cao hơn khoảng 20% so với mục tiêu.

Các chuyên gia từ VNDIRECT kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cho năm 2024 đạt 14-15% so với năm 2023 nhờ: Kinh tế toàn cầu phục hồi giúp thúc đẩy hoạt động vay vốn lưu động tăng trưởng trở lại trong năm 2024, lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng được kỳ vọng phục hồi trong năm 2024.

Các chuyên gia cho rằng, ngành ngân hàng có định giá tương đối thấp trong khi triển vọng tăng trưởng hấp dẫn.

“Chúng tôi kỳ vọng sự hồi phục của nền kinh tế sẽ tăng tốc trong năm 2024 nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng và môi trường lãi suất thấp. Ngành ngân hàng vốn nhạy cảm với lãi suất sẽ là ngành hưởng lợi đầu tiên,” VNDIRECT nêu quan điểm.

Theo VNDIRECT, tăng trưởng tín dụng đang thu hút sự chú ý của không chỉ các nhà hoạch định chính sách mà còn từ các nhà đầu tư vì nó cho thấy khả năng tăng trưởng kinh tế và khả năng phục hồi của mô hình kinh doanh của từng ngân hàng.

Tăng trưởng tín dụng đã cải thiện đáng kể trong những tháng cuối năm 2023 và được kỳ vọng sẽ đạt khoảng 15% trong năm 2024.

Với mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2024 từ 6-6,5%, VNDIRECT cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 14 -15% đưa ra đầu năm nay là hợp lý. Cùng đó, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, hoạt động vay vốn lưu động được kỳ vọng sẽ tăng trở lại vào nửa đầu năm 2024.

Lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng được dự báo sẽ dần phục hồi mạnh mẽ trở lại trong nửa cuối năm 2024. “Chúng tôi tin rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% là hoàn toàn khả thi,” VNDIRECT nhìn nhận.

Cũng có quan điểm khá tích cực, Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định: Trong năm 2024, ước tính tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 14% nhờ sự khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam, mặt bằng lãi suất thấp gia tăng tính hấp thụ tín dụng và kỳ vọng việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong năm 2024 sẽ làm bệ phóng cho tín dụng vào nửa cuối năm 2024.

Hơn nữa, những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của Chính phủ thông qua việc ban hành những chính sách hỗ trợ như Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội và sự quyết liệt trong việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý trên thị trường bất động sản sẽ tiếp tục là đòn bẩy cho tăng trưởng tín dụng trong năm 2024.

PHS cũng cho rằng, tỷ giá ổn định, lạm phát được kiểm soát, dự trữ ngoại hối tích cực trong năm 2024 là động lực thúc đẩy cho Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành và duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng (giữ lãi suất ở mặt bằng thấp). Do đó, thanh khoản sẽ dồi dào; lãi suất huy động tiếp tục duy trì ổn định trong năm trong năm 2024 .

Xu hướng lãi suất có thể tăng nhẹ trong giai đoạn quý 4/2024 theo sự hồi phục của nền kinh tế kéo theo nhu cầu tín dụng và chi tiêu, tuy nhiên mức tăng của lãi suất huy động dự báo chỉ vào khoảng 0,5 - 1%, đưa mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng lên quanh ngưỡng 5,5 - 6%.

Đối với thị trường liên ngân hàng, xu hướng lãi suất cũng không khác biệt với thị trường dân cư. Lãi suất liên ngân hàng ước tính sẽ duy trì quanh mặt bằng 0,5 - 1,5% (kỳ hạn 1 tuần) cho cả năm 2024. Do đó, với kỳ vọng thanh khoản dồi dào, ước tính biên lãi ròng (NIM) trong năm 2024 của ngành ngân hàng sẽ cải thiện lên mức 4,01%.

Bên cạnh đó, những bộ luật tác động tích cực đến ngành ngân hàng trong năm 2024 gồm: Thông tư 22/2023/TT-NHNN, Thông tư 26/2022/TT-NHNN, Nghị quyết 148/NQ-CP, Thông tư 08/2020/TT-NHNN, Thông tư 02/2023/TTNHNN, Nghị định 08/2023/NĐ-CP, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Những bộ luật này sẽ tạo động lực cho sự tăng trưởng kết quả kinh doanh năm 2024, đồng thời giúp ngành ngân hàng kiểm soát rủi ro, quản lý chất lượng tài sản và gia tăng tính minh bạch.

Theo Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7. Những thay đổi chính trong luật là: Giảm tỷ lệ sở hữu tại một ngân hàng (nhưng không áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài); giảm hạn mức cấp tín dụng và do đó giảm rủi ro tập trung; kéo dài thời hạn nắm giữ bất động sản do xử lý nợ; quy định về quyền và lợi ích khi tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Các quy định sửa đổi nhằm mục đích tăng tính ổn định của hệ thống ngân hàng. Luật sửa đổi giúp giảm thiểu rủi ro trong kiểm soát ngân hàng. Quy định về hạn mức cấp tín dụng sẽ tác động đến tăng trưởng tín dụng, nhưng có thể không quá lớn vì sẽ giảm theo lộ trình thay vì một lần.

Luật sửa đổi quy định điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng nhận tiếp quản và tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Các ngân hàng sẽ nhận tham gia tái cơ cấu bao gồm Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (mã chứng khoán: HDB) , Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (mã chứng khoán: MBB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (mã chứng khoán: VCB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (mã chứng khoán: VPB).

Mặc dù có nhiều thuận lợi tăng trưởng, song nhóm ngân hàng vẫn còn những rủi ro cần lưu ý. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), năm 2024, vẫn tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành ngân hàng về chất lượng tài sản.

Tuy nhiên, tình hình chung sẽ có sự cải thiện so với năm 2023, phần lớn là nhờ việc chi phí vốn đã giảm về mức thấp hơn nhiều so với năm ngoái và lợi nhuận trước dự phòng (PPOP) có sự cải thiện, giúp các ngân hàng có dư địa để tạo một bộ đệm dự phòng tốt hơn.

Cũng có quan điểm thận trọng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) dự báo năm 2024 có thể vẫn sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với ngành ngân hàng. Tín dụng được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 12% trong bối cảnh bất động sản phục hồi chậm.

Lợi nhuận ngân hàng có thể sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh trong năm 2024, với mức tăng trưởng khoảng 10%. Một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm, VCBS nhận định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục