Phí trung gian cao gây áp lực nặng cho mỗi thực tập sinh đi Nhật Bản

Theo kết quả nghiên cứu, tổng chi phí của một thực tập sinh để sang Nhật là 5.300 USD, trong đó, có tới gần 90% (khoảng 4.700 USD) là tiền đi vay khiến áp lực trả nợ với các thực tập sinh rất lớn.
Học tiếng Nhật trước khi sang làm việc tại Nhật Bản. (Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN)

Chi phí mà các thực tập sinh sang Nhật Bản phải bỏ ra để tham gia chương trình đang ở mức cao, thậm chí cao hơn cả quy định của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Trong khi đó, gần 90% chi phí này là tiền đi vay nên đã tạo áp lực về thu nhập, ảnh hưởng tới tâm lý học tập, động lực tích lũy kỹ năng của họ.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Tăng cường trao đổi nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản thông qua chương trình thực tập sinh kỹ năng” do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), phối hợp với Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách (VEPR) tổ chức ngày 26/5 tại Hà Nội.

[Chương trình ưu đãi mới đối với thực tập sinh tại Nhật Bản]

Chỉ riêng trong năm 2016, lượng thực tập sinh Việt Nam được cử sang Nhật Bản đã lên tới hơn 40.000, nâng tổng số thực tập sinh Việt Nam tại Nhật tính đến cuối năm 2016 ước đạt trên 90.000 người. Chương trình đã đem lại cơ hội lớn cho lực lượng lao động trẻ của Việt Nam, giúp họ nâng cao thu nhập và đặc biệt là được giao lưu, học hỏi kỹ năng để phát triển sự nghiệp.

Để hiểu rõ hơn về thực trạng thực tập sinh Việt Nam đi Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách phối hợp với JICA đã thực hiện nghiên cứu về Chương trình Thực tập sinh kỹ năng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chi phí của thực tập sinh bỏ ra để được sang Nhật Bản khá cao, thậm chí số tiền thực tế phải bỏ ra cao hơn cả quy định của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Thực tập sinh được tuyển từ những người đang tìm kiếm việc làm hoặc mới tốt nghiệp. Sau khi trúng tuyển, thực tập sinh sẽ được đào tạo tiếng Nhật, văn hóa, phong cách sống và kỷ luật trong công việc của Nhật.

Thực tập sinh thường có thời gian đào tạo trước khi sang Nhật Bản là 4-6 tháng và sang Nhật Bản đào tạo một tháng trước khi chính thức làm việc. Tuy nhiên, do yêu cầu khắt khe của thị trường Nhật Bản, thời gian đào tạo trước khi sang Nhật còn phụ thuộc vào trình độ, khả năng học tiếng của thực tập sinh và việc kéo dài thời gian đào tạo cũng ảnh hưởng tới chi phí tham gia chương trình.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, theo kết quả nghiên cứu, tổng chi phí của một thực tập sinh để sang Nhật là 5.300 USD, trong đó, có tới gần 90% (khoảng 4.700 USD) là tiền đi vay. Trong khi đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định chi phí đi thị trường Nhật Bản là không quá 3.600 USD.

Lý giải cho sự chênh lệch này, ông Nguyễn Đức Thành cho biết, một số thực tập sinh phải đóng tiền đào tạo thêm, chi phí cho môi giới trung gian (900-1.000 USD) nên trong thực tế tổng chi phí cao hơn số tiền mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định.

Nghiên cứu cho thấy, một thực tập sinh khi làm việc ở Nhật Bản trong 3 năm có tổng thu nhập khoảng 44.500 USD và sẽ tiết kiệm được khoảng 28.000 USD. Sau khi từ chi phí ban đầu bỏ ra để tham gia chương trình, một thực tậm sinh sẽ tiết kiệm được 23.000 USD (hơn 500 triệu đồng) khi về nước.

Lao động làm thủ tục sang làm việc tại Nhật Bản. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Áp lực trả nợ lớn

Trong thực tế, thương hiệu của các doanh nghiệp phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản chưa đủ mạnh nên rất nhiều thực tập sinh vẫn phụ thuộc vào môi giới trung gian thay vì trực tiếp liên hệ với công ty. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến chi phí thực tế cao hơn so với quy định.

Việc giảm vai trò của môi giới trung gian sẽ là biện pháp cần thể để giảm chi phí tham gia cho các thực tập sinh. Bên cạnh đó, việc minh bạch thông tin về chi phí cũng hết sức quan trọng. Trong khi chi phí tuyển dụng được cả doanh nghiệp phái cử và thực tập sinh cho rằng tương đối cao, những thông tin về phí của thị trường này còn khá “nhập nhèm”.

Theo ông Nguyễn Đức Thành, đối với thị trường Nhật Bản, khi được khảo sát, thực tập sinh không biết rằng doanh nghiệp tiếp nhận bên Nhật phải trang trải nhiều chi phí cho thực tập sinh như phí đào tạo, vé máy bay… Điều này cho thấy cần phải cải thiện tính minh bạch của thị trường, phải cung cấp, phổ biến nhiều thông tin hơn tới các bên liên quan, đặc biệt là thực tập sinh.

Ông Nguyễn Đức Thành phân tích, chi phí tham gia vào chương trình cao khiến thực tập sinh chủ yếu là những người đến từ khu vực nông thôn phải vay nợ trong giai đoạn đầu. Trước áp lực trả nợ lớn, thực tập sinh vì tập trung vào kiếm tiền mà sao nhãng việc học hỏi kỹ năng, đặc biệt trong bảy tháng đầu tiên tại Nhật Bản.

Cũng trăn trở với việc chi phí tham gia chương trình thực tập sinh kỹ năng còn cao, ông Momoi, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, để giảm bớt “gánh nặng” của chi phí cao, doanh nghiệp phái cử có thể tính toán cho phép thực tập sinh thay vì trả chi phí một lần cho ba năm thì chỉ trả năm đầu, đến năm thứ 2, thứ 3 có thu nhập thì có thể trừ dần vào tiền lương để giảm áp lực cho thực tập sinh.

Trở về từ Nhật Bản, anh Trần Thanh Sơn (quê ở huyện Đông Anh, Hà Nội) tâm sự: “Việc giảm gánh nặng về chi phí sẽ giúp thực tập sinh có thêm động lực để học tập, tích lũy kỹ năng trong thời gian ở Nhật Bản để khi trở về tìm được một công việc tốt.”

Mỗi thực tập sinh sang Nhật Bản khi trở về sau 3 năm làm việc sẽ có trong tay ít nhất 500 triệu đồng. Nhưng ngoài khoản tiền này, nếu không tranh thủ tích lũy những kỹ năng cần thiết khi làm việc ở Nhật Bản thì cơ hội có được một việc làm tốt khi trở về vẫn chỉ là một “cánh cửa hẹp”./.

Theo quy định của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các khoản phí theo quy định chỉ được thu với mức không quá 3.600 USD/người/hợp đồng 3 năm, không quá 1.200 USD/người/hợp đồng 1 năm. Ngoài ra, doanh nghiệp được thu từ người lao động không quá 5.900.000 đồng/khóa tiếng Nhật tương ứng với thời lượng khoảng 520 tiết học/khóa học.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục