Phi toàn cầu hóa có thể kéo dài trong thời gian bao lâu?

IMF và WTO đã cảnh báo phi toàn cầu hóa sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với kinh tế toàn cầu và các nước nên áp dụng hành động thông minh để thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Canadianunderwriter)

Hiện nay, có một quan điểm phổ biến cho rằng toàn cầu hóa đã chấm dứt và thế giới đang bước vào kỷ nguyên "phi toàn cầu hóa."

Tuy nhiên, trên thực tế, phi toàn cầu hóa đang gây ra tình trạng siêu lạm phát, đại đình trệ và đại suy thoái kinh tế toàn cầu.

Toàn cầu hóa đang đối diện với thách thức lớn nhất

Một điều dễ nhận thấy là hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, khu vực châu Á và Đông Nam Á, đều không phản đối toàn cầu hóa.

Ngược lại, những nước này cho rằng toàn cầu hóa là cơ hội để phát triển và họ đang trở thành trung tâm của vòng toàn cầu hóa mới.

Gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cảnh báo phi toàn cầu hóa sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với kinh tế toàn cầu và các nước nên áp dụng hành động thông minh để thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung.

[Lãnh đạo IMF và WTO cảnh báo những nguy cơ của phi toàn cầu hóa]

Cách đây không lâu, lãnh đạo các tổ chức quốc tế như Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweal… đã gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Berlin.

Trong buổi họp báo sau cuộc gặp, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva đã nói rằng sau khi dịch COVID-19 bùng phát và Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, toàn cầu hóa đang đối diện với thách thức lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.

Người đứng đầu IMF nhấn mạnh: "Không nên dừng các hoạt động thương mại mang lại lợi ích cho chúng ta."

Đồng quan điểm này, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweal cũng cảnh báo: "Rút khỏi thương mại và dung túng chủ nghĩa bảo hộ sẽ khiến những vấn đề chúng ta đối diện hiện nay trở nên khó khăn, chứ không phải dễ giải quyết hơn. Chủ nghĩa bảo hộ, tách rời, phân mảnh hóa là những hành vi có tính hủy hoại rất cao và cái giá phải trả là rất đắt."

Theo ước tính của WTO, nếu kinh tế toàn cầu chia thành hai khối thương mại thì Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ thu hẹp 5% trong dài hạn.

Sự trỗi dậy của châu Á

Các chuyên gia cho rằng phi toàn cầu hóa và phân mảnh hóa là cú sốc lớn nhất đối với các nước đang phát triển và thị trường mới nổi, mức độ thu hẹp GDP của những nước này sẽ đạt mức hai con số.

Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweal kêu gọi các nước áp dụng biện pháp thông minh để giúp ngành sản xuất phi tập trung hóa, đồng thời cảnh báo không nên phụ thuộc quá mức vào chiến lược "chuyển sản xuất đến những nước cùng phe" (friend-shoring).

Trong khi đó, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm tới có thể thấp hơn mức 2,7% được IMF đưa ra vào giữa tháng 10 và dự tính sẽ có khoảng 1/3 số nền kinh tế rơi vào suy thoái, 50% trong số đó là các nước trong Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, khác với châu Âu và Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Á đang trở thành trung tâm phát triển của vòng toàn cầu hóa mới. Sau thập niên 1980 của thế kỷ trước, châu Á đã chứng kiến sự trỗi dậy và kỳ tích kinh tế của Nhật Bản.

Sau đó, cùng với hiệu ứng lan tỏa của kinh tế Nhật Bản, châu Á lại có thời đại huy hoàng của "bốn con rồng nhỏ" Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Tiếp đó là sự trỗi dậy và kỳ tích của Trung Quốc. Kỳ tích này không chỉ chứng minh Trung Quốc là Nhật Bản tiếp theo, mà còn là một siêu Nhật Bản tiếp theo.

Hiện nay, cùng với hiệu ứng lan tỏa của kinh tế Trung Quốc, thế giới đang đặt câu hỏi nước nào sẽ trở thành "con rồng nhỏ" tiếp theo của châu Á?

Chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành lựa chọn đầu tiên.

Rõ ràng, xét về quy mô Việt Nam chưa đủ để trở thành Trung Quốc, hoặc trở thành Trung Quốc phiên bản thu nhỏ.

Tuy nhiên, so với triển vọng kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm và bi quan hiện nay, sự cất cánh kinh tế của Việt Nam và các nước ASEAN rõ ràng mang đến một bức tranh tươi sáng, trong đó Việt Nam nổi bật nhất.

Ở châu Á, nguồn nhân lực giá thấp của Myanmar, Campuchia, Lào, lợi thế chi phí của Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines, cũng như các nhà sản xuất trưởng thành của Singapore và Malaysia đã hình thành một mạng lưới sản xuất khổng lồ và hoàn chỉnh, đang thúc đẩy ASEAN trở thành cực tăng trưởng lớn thứ ba của châu Á, chỉ xếp sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo "Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) năm 2025," hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động của 10 nước thành viên sẽ thực hiện tự do lưu thông.

Dựa vào tính tương hỗ kinh tế-thương mại không ngừng được tăng cường, ASEAN sẽ giải phóng sức hấp dẫn và tiềm lực tăng trưởng lớn hơn.

Đến năm 2030, giới trẻ dưới 30 tuổi sẽ chiếm hơn một nửa trong số 650 triệu dân số Đông Nam Á, trong đó rất nhiều người sẽ trở thành tầng lớp trung lưu mới nổi có năng lực tiêu dùng mạnh mẽ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục