Phi hành gia Pháp kêu gọi châu Âu độc lập hơn về thám hiểm không gian

Phi hành gia Pesquet cho biết châu Âu đã đặt mục tiêu phải trở nên độc lập hơn trong khả năng tiếp cận không gian của con người, tuy nhiên cho đến nay điều này vẫn chưa thành hiện thực.
Phi hành gia Pháp kêu gọi châu Âu độc lập hơn về thám hiểm không gian ảnh 1Phi hành gia Thomas Pesquet. (Nguồn: Getty images)

Phi hành gia nổi tiếng người Pháp Thomas Pesquet ngày 7/6 đã hối thúc các quốc gia châu Âu tận dụng cơ hội để phát triển năng lực bay vào không gian của con người.

Kỹ sư kiêm phi công 44 tuổi này gần đây đã hoàn tất sứ mệnh Crew-2 - chuyến bay vào vũ trụ chở người thứ 3 do công ty thám hiểm không gian SpaceX thực hiện cho Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).

Mặc dù lâu nay, ông Thomas Pesquet luôn hoan nghênh sự hợp tác quốc tế trong không gian và vẫn tham gia phi hành đoàn khám phá Mặt Trăng như một phần của sứ mệnh Artemis do NASA dẫn đầu, nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo châu Âu cần tài trợ cho Cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu (ESA), đồng thời ủy quyền để thực hiện các vụ phóng mang theo các phi hành gia của châu Âu vào không gian.

Phát biểu với báo giới tại trụ sở của NASA ở Washington, ông Thomas Pesquet cho biết từ cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, châu Âu đã đặt mục tiêu phải trở nên độc lập hơn trong khả năng tiếp cận không gian của con người, tuy nhiên cho đến nay điều này vẫn chưa thành hiện thực.

[Tàu vũ trụ Thần Châu-14 "cập bến" module trung tâm Thiên Hòa]

Hiện tại, mới chỉ có Mỹ, Nga và Trung Quốc có năng lực thực hiện các vụ phóng một cách độc lập, trong khi Ấn Độ cũng đang nỗ lực làm điều tương tự.

Theo ông Pesquet, một lựa chọn tiềm năng cho ESA là phóng tên lửa Ariane 6 mang theo tàu vũ trụ chở phi hành đoàn lên vũ trụ, trong vụ phóng dự kiến thực hiện tại French Guiana vào cuối năm nay.

Ông cũng bác bỏ những nhận định cho rằng sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại không gian đã khiến cho các cơ quan vũ trụ quốc gia trở nên lỗi thời. Theo ông Pesquet, trên thực tế công nghiệp tư nhân đã luôn tham gia - từ việc chế tạo tàu con thoi (Space Shuttle) tới tên lửa Ariane.

Trong khi khu vực tư nhân đang mang lại sự đột phá về tốc độ và sự đổi mới, ông Pesquet chỉ ra rằng những bước tiến này đặt ra một số thách thức, đặc biệt là khi người dân thường có thể mua vé để tới ISS với tần suất ngày càng gia tăng.

Ông cho biết: "Nếu bạn tổ chức một chuyến bay kết hợp giữa các phi hành gia chuyên nghiệp ... và những người chỉ đơn thuần tham gia một chuyến bay vào vũ trụ, rõ ràng, điều đó ảnh hưởng đến công việc mà chúng tôi đang làm, bởi chúng tôi phải chăm sóc họ, bởi họ ít được đào tạo và ít kinh nghiệm trong không gian." Qua đó, ông cho rằng các cơ quan hữu quan cần xem xét lại những chuyến đi này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục