Trong khuôn khổ nhiệm vụ Artemis I của NASA, hai phi hành gia là manơcanh đã được đưa lên vũ trụ, nhằm kiểm tra và hỗ trợ mục tiêu đưa con người trở lại Mặt Trăng.
Khi triển khai nhiệm vụ Artemis I vào tuần trước, bước đầu tiên trong kế hoạch đầy tham vọng nhằm đưa con người trở lại Mặt Trăng, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã đưa lên tàu vũ trụ Orion hai cơ thể phụ nữ nhân tạo - các manơcanh.
Việc đưa các "phi hành gia" này thành một phần nhiệm vụ có mục đích rõ ràng: đo lường tác động của bức xạ không gian trên cơ thể phụ nữ.
[NASA hé lộ khoảnh khắc mất liên lạc với tàu đổ bộ Mặt Trăng tiên tiến]
Nhiệm vụ Artemis I và các hình nộm kể trên nằm trong kế hoạch lớn của NASA là thiết lập một căn cứ lâu dài trên Mặt Trăng.
Căn cứ này cuối cùng sẽ đóng vai trò là đường liên kết không gian, giúp đưa con người lên Sao Hỏa.
Và để mục tiêu thành công, NASA sẽ cần cả nữ giới cũng như người thuộc nhiều chủng tộc khác nhau làm nhiệm vụ. Thực tế NASA đã có kế hoạch lần đầu đưa phụ nữ và người da màu lên bề mặt Mặt Trăng.
"Thật là một cảnh tượng đáng kinh ngạc khi lần đầu tiên chứng kiến tên lửa Hệ thống Phóng không gian (SLS) và tàu vũ trụ Orion bay cùng nhau. Hoạt động thử nghiệm chuyến bay đầu tiên không có phi hành gia đi kèm sẽ cho phép đẩy Orion đến giới hạn trong bối cảnh khắc nghiệt của không gian sâu, giúp chúng tôi chuẩn bị cho chuyến thám hiểm của con người trên Mặt trăng và cuối cùng là Sao Hỏa," quan chức NASA Bill Nelson cho biết.
Một trong những thách thức lớn phải đối mặt khi quay trở lại Mặt Trăng, hoặc thực hiện các sứ mệnh trong không gian sâu, là tác động của không gian với cơ thể người trong thời gian dài. Đây là điều chúng ta vẫn chưa hiểu rõ.
Cho đến nay, chỉ có 12 người từng đi bộ trên bề mặt Mặt Trăng. Tất cả đều là phi hành gia trong chương trình Apollo của Mỹ, kéo dài từ năm 1969 đến 1972 và tất cả đều là người da trắng.
Thời gian lâu nhất mà một người rời khỏi Trái Đất và dành phần lớn thời gian của họ bên trong lớp vỏ bảo vệ của các tàu vũ trụ cũng chỉ khoảng 14 tháng.
Như vậy, về cơ bản chúng ta vẫn thiếu rất nhiều thông tin về việc sống lâu dài ở môi trường ngoài Trái Đất, như các chuyến đi bộ trên Mặt Trăng, sẽ gây ra tác động gì cho con người.
Do đó, mục đích chính của việc đưa manơcanh vào nhiệm vụ Artemis I là để tìm hiểu cách tốt nhất để bảo vệ các phi hành gia.
Thông tin thu được sẽ rất hữu ích để chuẩn bị cho nhiệm vụ Artemis II, dự kiến diễn ra vào năm 2024. Trong nhiệm vụ này, tàu Orion sẽ mang theo phi hành gia là con người bay vòng quanh Mặt Trăng.
Một trong những mối quan tâm lớn nhất của NASA và các đối tác ở châu Âu, Canada và Nhật Bản là tác động của bức xạ không gian.
Không có sự bảo vệ của lưới từ trường của Trái Đất, con người trong không gian có nguy cơ bị tác động bởi các hạt mang năng lượng từ Mặt Trời.
Các proton bắn đi từ Mặt Trời với tốc độ cực cao có thể tấn công tế bào và làm hư hỏng bộ gene di truyền của con người. Điều này có thể khiến phi hành gia tăng khả năng mắc bệnh ung thư, bên cạnh những tác động khác tới các cơ quan như tim và não.
Theo Trung tâm Hàng không vũ trụ Đức, rủi ro này được cho là cao hơn đối với phụ nữ, vì các bộ phận cơ thể phụ nữ, như vùng ngực, nhạy cảm với bức xạ hơn so với nam giới.
Đó là lúc hai manơcanh nữ, với cái tên Helga và Zohar, xuất hiện. Chúng được thiết kế đặc biệt để đo mức độ bức xạ vũ trụ gây ra với cơ thể phụ nữ trong không gian. Helga và Zohar không có cơ thể hoàn chỉnh, chỉ bao gồm phần đầu và thân. Nhưng các phần này được mô phỏng bằng vật liệu tương tự như ở các nội tạng, xương và mô mềm của con người.
Sự khác biệt duy nhất giữa hai manơcanh là Zohar sẽ mặc áo bảo vệ bức xạ có tên AstroRad, trong khi Helga thì không. Việc này để kiểm tra tác động của quần áo bảo hộ đối với các phi hành gia trong tương lai. Cả hai sẽ được nối với nhiều cảm biến khác nhau, cho phép các nhà khoa học đo mức độ tác động của bức xạ vũ trụ.
Ghế chỉ huy trên Artemis I bị chiếm giữ bởi một hình nộm khác là nam giới, mang tên Moonikin Campos. Manơcanh này được trang bị cảm biến bức xạ của riêng.
Moonikin Campos cũng mặc bộ đồ mang tên Hệ thống sinh tồn phi hành đoàn Orion thế hệ đầu tiên - cũng là bộ đồ mà các phi hành gia sẽ mặc trong những sứ mệnh trở lại Mặt trăng của con người trong tương lai.
Thông tin thu được từ cả ba manơcanh sẽ cho phép NASA và các đối tác chuẩn bị tốt hơn để bảo vệ sức khỏe của các phi hành gia, giúp họ sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ khó khăn như hạ cánh xuống Mặt trăng và tương lai là du hành vào vũ trụ sâu./.