Trang mạng thediplomat.com đưa tin, khi lễ nhậm chức của ông Joe Biden đang tới gần, các đồng minh ở Đông Á của Mỹ đang bắt đầu hướng sự chú ý vào mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chính quyền mới đã tuyên bố mong muốn củng cố mối quan hệ với các đồng minh và dù chúng ta chưa biết họ có sử dụng thuật ngữ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) hay không, chúng ta cũng có thể kỳ vọng chính quyền sẽ tập trung vào an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà trong đó Trung Quốc luôn được tính đến.
Trong bối cảnh đó, thái độ của Hàn Quốc là một vấn đề cần quan tâm.
Hàn Quốc hiện không chỉ tự tách mình khỏi FOIP mà còn thể hiện thái độ tương đối dửng dưng trước bất kỳ tầm nhìn nào về an ninh khu vực ngoài bán đảo Triều Tiên.
Nền tảng của chính sách đối ngoại của Hàn Quốc và đặc biệt là của chính quyền Moon Jae-in có thể được cho là chính sách Triều Tiên của họ. Các vấn đề trọng tâm trong đó có lẽ chỉ là tái thống nhất và đối thoại với Triều Tiên. Đó là lý do vì sao Seoul quá thụ động với FOIP và các tầm nhìn khu vực khác.
Ngay cả trong chuyến công du Đông Nam Á, Tổng thống Moon Jae-in cũng không hề nhắc đến FOIP. Điều này trái ngược hoàn toàn với cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người kế nhiệm ông Yoshihide Suga.
Một lý do nữa lý giải vì sao Hàn Quốc lạnh nhạt với FOIP có lẽ là bởi đây là tầm nhìn được ông Abe khởi xướng. Các vấn đề trong mối quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc cũng có thể đã tác động đến thái độ của Seoul đối với các tầm nhìn khác trong khu vực.
Khi Abe từ chức, không hề ngạc nhiên khi nhiều người coi đó là một cơ hội để cải thiện quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc. Có vẻ như suy nghĩ này cũng đang xuất hiện tại Washington.
[Nhật Bản và Hàn Quốc thảo luận nhiều vấn đề trong quan hệ song phương]
Bộ Ngoại giao Mỹ trong những ngày cuối của chính quyền Trump thậm chí còn đang lên các kế hoạch để lôi kéo chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản vào FOIP. Tương tự, Anh cũng đang bắt đầu phát triển một chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới và nước này cũng có thể là một nhà trung gian cho mối quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc tốt đẹp hơn.
Một cuộc điện đàm giữa các lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc đã được tổ chức vào tháng Chín vừa qua, trong đó ông Suga đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ song phương và có lẽ đã đề xuất một chính sách chú trọng đến Hàn Quốc nhiều hơn so với thời chính quyền Abe.
Tuy nhiên kể từ sau đó, ông Suga chỉ nhắc đến sự hợp tác Nhật-Mỹ-Hàn trong các vấn đề về Triều Tiên, trong khi vẫn duy trì chính sách của ông Abe trong các vấn đề như lao động Hàn Quốc thời chiến.
Ông Suga đã nói về vấn đề lao động thời chiến và các khía cạnh nhạy cảm khác trong mối quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc với một phái đoàn các nhà lập pháp Hàn Quốc đến thăm Nhật Bản để tham dự Diễn đàn Hàn Quốc-Nhật Bản tổ chức vào tháng 11 vừa qua, nhấn mạnh rằng ông “sẽ nhìn vào hành động của bên phía Hàn Quốc để cải thiện mối quan hệ song phương.”
Đây dường như là một lời đề xuất về một cách tiếp cận chủ động để hướng tới mối quan hệ tốt đẹp hơn, song cũng có thể hiểu như một lời bóng gió rằng ông coi nguyên nhân khiến mối quan hệ xuống cấp là nằm ở phía Hàn Quốc.
Thái độ này rõ ràng không thể được hoan nghênh tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, vì cuộc gọi hồi tháng Chín vừa qua là do phía Seoul chủ động nên có lẽ Hàn Quốc cũng đang tìm kiếm cách thức để cải thiện quan hệ. Mặc dù vậy, vẫn rất khó để hiểu được mức độ nhiệt tình trong mối quan hệ này, dù là với Nhật Bản hay mối quan hệ ba bên Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc.
Khi mọi thứ vẫn đang dậm chân tại chỗ thì mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên có vẻ vẫn rất tích cực. Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế Triều Tiên và cũng ra tay giúp đỡ đất nước này sau các thảm họa thiên tai và tình trạng thiếu lương thực xảy ra khi hàng loạt cơn bão lớn đã đổ vào đất nước này trong năm 2020.
Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến tranh Triều Tiên có thể đã được sử dụng để thể hiện mối quan hệ vững chắc giữa hai nước. Trong bất cứ trường hợp nào, Trung Quốc vẫn có một mối liên hệ mạnh mẽ với Triều Tiên hơn so với Mỹ.
Đối với chính quyền Moon Jae-in, điều này có nghĩa là Trung Quốc “đáng tin cậy” hơn so với Mỹ bởi ông Moon coi sự thống nhất trên bán đảo Triều Tiên và đối thoại với Triều Tiên là những nhiệm vụ hàng đầu của mình.
Dĩ nhiên, Trung Quốc sẽ không cần phải hợp tác với Hàn Quốc. Tuy nhiên, vì Bắc Kinh muốn tách Mỹ ra khỏi các đồng minh trong khu vực, đồng thời thúc đẩy sự chia rẽ giữa chính các đồng minh của Mỹ này với nhau, nên rất có khả năng họ sẽ sẵn sàng xích lại với Hàn Quốc.
Mặc dù vậy, vẫn cần phải nhớ rằng Bắc Kinh chỉ hành động vì lợi ích riêng của mình. Ông Moon nên nhớ lại những gì đã xảy ra với chính quyền của bà Park Geun-hye, người đã xây dựng các kế hoạch cho Trung Quốc nhưng chẳng nhận lại được gì từ họ.
Khi đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành nhiều nơi trong khu vực, Trung Quốc đang đẩy nhanh các hoạt động ở các vùng biển lân cận cũng như các khu vực biên giới, đồng thời triển khai thêm các biện pháp mạnh mẽ hướng vào các nước láng giềng.
Các nước này đang phải đối diện với sức ép nặng nề từ Bắc Kinh và có thể đang chịu áp lực lớn buộc phải cân nhắc về các mối quan hệ trong khu vực và trật tự khu vực. Đông Bắc Á là một phần quan trọng trong chiến lược FOIP.
Để chiến lược này mang lại kết quả tích cực, Nhật Bản và Hàn Quốc đang đối diện với những nhiệm vụ quan trọng là tái xây dựng lòng tin, đạt được sự đồng thuận về các vấn đề của thế giới và điều chỉnh lại các mục tiêu chung trong bối cảnh những lỗ hổng về nhận thức và những hiểu lầm đang bao trùm mối quan hệ song phương./.