Phép thử đầu tiên cho sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương

Reuters đánh giá có rất ít hành động cụ thể được nêu lên trong tuyên bố chung của hội nghị Ngoại trưởng G7 và những nội dung này không đủ để khiến cả Chủ tịch Trung Quốc hay Tổng thống Nga lo ngại.
Phép thử đầu tiên cho sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương ảnh 1Ngoại trưởng Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tham dự Hội nghị ở London, Anh ngày 4/5/2021. (Nguồn: AFP/TTXVN)

AFP/Reuters/scmp.com đưa tin các nền kinh tế phát triển nhất thế giới, nhóm G7, đã kết thúc cuộc gặp trực tiếp sau gần 2 năm, với điểm nhấn là những cáo buộc về Trung Quốc trong lĩnh vực nhân quyền và đàn áp lực lượng ủng hộ dân chủ, cũng như các lo ngại về sự quyết đoán của Nga tại Ukraine.

Theo nhận định của AFP, hội nghị Ngoại trưởng G7 tuần này tạo tiền đề cho hội nghị thượng đỉnh tại Cornwall, Tây Nam nước Anh, vào tháng tới - sự kiện quốc tế đầu tiên mà Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự từ khi nhậm chức.

Reuters đánh giá có rất ít hành động cụ thể được nêu lên trong tuyên bố chung của hội nghị và những nội dung này không đủ để khiến cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay Tổng thống Nga Vladimir Putin lo ngại.

Phương Tây, với quy mô quân sự và kinh tế tổng thể lớn hơn Trung Quốc và Nga, đã phải vật lộn tìm một phản ứng hiệu quả trước hai đối thủ này.

Tâm điểm Trung Quốc

Các nhà ngoại giao hàng đầu của G7 dành những lời chỉ trích gay gắt nhất cho một Trung Quốc đang trỗi dậy, hối thúc cường quốc châu Á này tuân thủ các cam kết mà họ đã đưa ra trong khuôn khổ luật pháp nội địa và quốc tế.

G7 “đặc biệt quan ngại” về tình trạng vi phạm nhân quyền và lạm dụng cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương và Tây Tạng, kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt việc đàn áp những người biểu tình đòi quyền lợi tại Hong Kong.

[Một trật tự đa cực mới trên thế giới thời hậu dịch COVID-19]

Tuy nhiên, nhóm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới vẫn để ngỏ cánh cửa hợp tác trong tương lai với Bắc Kinh và khẳng định: “Chúng tôi vẫn trông đợi các cơ hội làm việc với Trung Quốc để thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực cũng như thế giới.”

Các ngoại trưởng G7 còn nhấn mạnh “sẽ làm việc trên nguyên tắc tập thể để thúc đẩy sức bền của nền kinh tế thế giới trước những chính sách và hành vi kinh tế chuyên quyền và cưỡng ép."

Anna Rosenberg, phụ trách khối châu Âu và Anh của hãng Cố vấn Toàn cầu Signum, bình luận: “Dường như tại đó (cuộc gặp của các Ngoại trưởng G7) có một nhận thức rằng nhận định ‘Trung Quốc trỗi dậy và phương Tây đang rạn nứt thành từng phần’ là điều cần phản bác. Và đó là lý do vì sao hồ sơ Trung Quốc đặc biệt nổi bật trong chương trình nghị sự và vì sao có một số quốc gia được mời tham dự.”

Khách mời của hội nghị Ngoại trưởng G7 lần này có Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á - một tập hợp cho thấy các vấn đề về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là trọng tâm của sự kiện.

Trong khi đó, Noah Barkin, nhà phân tích làm việc tại Tổ chức Rhodium, cho rằng cuộc gặp đóng vai trò “mở đường” cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Cornwall giống như “phép thử thực sự đầu tiên về sự thống nhất của hai bờ Đại Tây Dương trước Trung Quốc."

Trang mạng scmp.com dẫn nhận định của Charles Parton, cựu quan chức ngoại giao Anh chuyên về các vấn đề Trung Quốc, cho rằng “bầu không khí” về Trung Quốc trong công luận, báo chí và cả nghị viện “đã thay đổi đáng kể,” song chính sách chính thức dường như vẫn chậm hơn một bước.

Ông nói: “Nếu ý định của chính phủ là một lập trường mơ hồ chiến lược, tôi nghĩ điều này sẽ không mấy ý nghĩa với cả Mỹ và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Anh sẽ phải có một chiến lược vững chắc và động lực đủ để bước xa hơn khỏi kỷ nguyên vàng (trong quan hệ với Trung Quốc).”

Tháng trước, Brussels đã lần đầu tiên công bố văn bản về lập trường chính thức đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tài liệu này đề cập tới các vấn đề về thương mại, nhân quyền, tự do hàng hải và cơ sở hạ tầng.

Dù chỉ trực tiếp nhắc đến Trung Quốc một lần, nhiều người nhìn nhận đây là một tài liệu nhắm thẳng đến Bắc Kinh.

Một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cho biết chiến lược này sẽ được triển khai đồng bộ với một chính sách công nghiệp mới được bố nagfy 5/5 và khối nhìn nhận Trung Quốc vừa là đối thủ cạnh tranh, là kẻ thù và cũng là đối tác.

Quan chức này nhấn mạnh: “Chúng ta không thể chỉ phàn nàn về những gì Trung Quốc làm, chúng ta cũng cần đủ khả năng để cạnh tranh với hệ thống của họ, một điều không hề đơn giản.”

Cần một lập trường thống nhất

Về nước Nga, G7 chỉ trích điều mà họ cho là “thái độ vô trách nhiệm và cố tình gây bất ổn” thể hiện qua việc triển khai quân quy mô lớn tại biên giới với Ukraine, “những hành vi thiếu thiện chí trong không gian mạng,” tin giả và các hoạt động tình báo thâm hiểm.

Tuyên bố chung của các ngoại trưởng G7 nhấn mạnh: “Chúng tôi… sẽ tiếp tục thúc đẩy các năng lực tập thể của nhóm cũng như của các đối tác để giải quyết và răn đe Nga có thêm những hành vi đe dọa trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.”

Các nhà lãnh đạo G7 cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng lập trường chung để đối phó với các mối đe dọa toàn cầu, đối lập với chủ nghĩa đơn phương ngày càng gia tăng trong những năm gần đây và sự thoái trào của các thể chế toàn cầu, kể cả những gì từng diễn ra dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Phép thử đầu tiên cho sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương ảnh 2Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phát biểu trước hội nghị G7, Ngoại trưởng Đức Heiko Mass cho rằng giờ là lúc cần thiết để G7 “chống lại các quốc gia độc tài đang tìm cách kích động mâu thuẫn để chúng ta đối đầu nhau và phá vỡ những gì đã trở thành nguyên tắc.”

Các nước G7 đã áp đặt các đòn trừng phạt với giới tướng lĩnh Myanmar, song cảnh báo sẽ có thêm các động thái khác nếu quân đội “không đảo ngược lộ trình.”

Ngoại trưởng các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Italy, Canada và Nhật Bản cũng kêu gọi Iran trả tự do cho các công dân nước ngoài và những người có 2 quốc tịch mà Tehran đang giam giữ.

Trong tuyên bố chung nhắc đến nhiều vấn đề địa chính trị cấp bách nhất trên thế giới, như biến đổi khí hậu và hồi phục hậu đại dịch, G7 cam kết hỗ trợ tài chính để thúc đẩy chương trình chia sẻ vaccine COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Khoảng 10,7 tỷ USD đã được các nước G7 hứa hẹn trước đó song không có khoản quỹ bổ sung nào được công bố tại cuộc gặp, dù đã có nhiều lời kêu gọi G7 nỗ lực hơn nữa để giúp các nước nghèo, mở rộng phạm vi và tốc độ tiếp cận vaccine.

Thay vào đó, các bộ trưởng “khích lệ các đối tác tăng cường hỗ trợ và xem đó như bước tiếp theo quan trọng trong việc kiểm soát đại dịch và củng cố an ninh y tế.”

Tổ chức từ thiện toàn cầu Oxfam chỉ trích các quốc gia không hành động một cách rõ ràng.

Giám đốc chính sách y tế của Oxfam, Anna Marriott, nhấn mạnh trong một tuyên bố: “Trong bối cảnh nguồn cung vaccine sụt giảm đang tạo áp lực lớn cho chương trình COVAX, thật đáng thất vọng khi các lãnh đạo G7 vẫn khước từ việc vận dụng quyền lực của mình để dỡ bỏ các rào cản pháp lý đang cản trở ngày càng nhiều các nhà sản xuất đủ chất lượng trên thế giới tham gia điều chế vaccine.”

Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown cho rằng vẫn còn rất nhiều chuyện phải làm và hối thúc G7 hỗ trợ gánh nặng tài chính lên tới 60 tỷ USD mà ông cho là cần thiết trong 2 năm tới để đảm bảo các chương trình tiêm chủng trên thế giới và thúc đẩy phục hồi kinh tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục