Phép thử cho chính sách đối ngoại của Ấn Độ

Các thách thức khó đoán mà ông Modi và đội ngũ chính sách đối ngoại của ông có thể đối mặt sắp tới sẽ là phép thử cho sự khéo léo và nhanh nhạy của bộ máy đối ngoại Ấn Độ.
Phép thử cho chính sách đối ngoại của Ấn Độ ảnh 1Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: Reuters)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có thể theo đuổi chính sách đối ngoại nào?

Dựa vào những gì ông đã làm trong 5 năm qua, các nhân vật mới được bổ nhiệm trong nội các và những gì ông nhắc tới trong lễ tuyên thệ nhậm chức, chúng ta có thể suy đoán về đường hướng sắp tới trong chính sách đối ngoại của ông.

Chúng ta cũng có thể dự đoán một số lĩnh vực mà ông Modi sẽ buộc phải đưa ra một số lựa chọn quan trọng và đối mặt với căng thẳng khi thực thi chính sách đối ngoại của Ấn Độ.

Ông Modi đã chứng tỏ là thủ tướng “thích di chuyển” trong nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên. Ông đã tới 55 quốc gia và tiến hành 48 chuyến công du nước ngoài.

Ông Modi đã củng cố quan hệ của Ấn Độ với Mỹ bằng việc khéo léo xây dựng trên những thành tựu đạt được của hai chính quyền tiền nhiệm dưới sự lãnh đạo của Liên minh Tiến bộ Thống nhất (UPA).

Ông cũng xây dựng mối quan hệ cá nhân với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Điều đáng chú ý là ông Modi đã tìm cách củng cố quan hệ gần gũi với Israel trong khi đồng thời đảm bảo quan hệ thân thiết với Iran, Saudi Arabia và các vương quốc nhỏ hơn ở vùng Vịnh.

Mặc dù điều này có thể được coi là các “cuộc mạo hiểm” thành công, song chính sách của ông với Pakistan, Trung Quốc và một số nước láng giềng nhỏ hơn của Ấn Độ lại không mấy ấn tượng.

Tháng 9/2014, ông Modi đã mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới New Delhi. Chuyến thăm này thu hút nhiều sự chú ý và ngập tràn hứa hẹn về các đầu tư gia tăng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự xâm nhập của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vào khu vực Ladakh ở Jammu và Kashmir đã tạo “vết nhơ” cho chuyến thăm này.

[Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2]

Diễn biến không may này nhắc nhở ông Modi và đội ngũ chính sách đối ngoại của ông rằng chỉ riêng biện pháp ngoại giao kinh tế không thể giải quyết mối thù hận chiến lược kéo dài giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Trên thực tế, trong nhiệm kỳ hai này, ông Modi sẽ phải tiến hành các nỗ lực để thu hẹp khoảng cách thương mại lớn trong quan hệ Ấn-Trung.

Ông Modi đã tìm cách “chìa tay” với cả hai kẻ thù lâu năm của Ấn Độ khi nhắc tới Thủ tướng Nawaz Sharif của Pakistan và các nguyên thủ quốc gia khác của Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á trong lễ tuyên thệ nhậm chức năm 2014.

Quan hệ với Pakistan kể từ đó đã trở nên xấu đi trong nhiệm kỳ của ông Modi sau một loạt vụ tấn công khủng bố xuất phát từ Pakistan.

Tháng 9/2016, chính phủ Ấn Độ tuyên bố rằng họ đã tiến hành một loạt “cuộc không kích” vào cái mà họ gọi là “bệ phóng của khủng bố” tại khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát. Hành động này là để trả đũa các vụ tấn công từ Pakistan vào lãnh thổ Ấn Độ.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan nhậm chức vào năm 2018 nhưng điều này không tạo ra khác biệt cụ thể trong quan hệ Ấn Độ-Pakistan. Các vụ tấn công khủng bố vẫn tiếp tục diễn ra và Ấn Độ tiến hành các cuộc không kích trả đũa vượt qua biên giới quốc tế hồi tháng 2/2019.

Ông Modi đã bổ nhiệm Subrahmanyam Jaishankar - người từng đảm nhiệm vị trí Quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại - trở thành Bộ trưởng Bộ Các vấn đề Đối ngoại, một vị trí trong nội các.

Ông Jaishankar được cho là người có quan hệ tốt với ông Modi trong nhiệm kỳ giữ chức Quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại. Ông có thể theo đuổi quan điểm cứng rắn hiện nay với cả Trung Quốc và Pakistan.

Sự bổ nhiệm mới cho thấy chính sách cứng rắn với Pakistan khó có thể thay đổi. Suy đoán này là hoàn toàn có cơ sở bởi ông Jaishankar từng là Quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại trong thời điểm xảy ra các “cuộc không kích” vào Pakistan.

Có thể ông sẽ củng cố quan điểm cứng rắn của cố vấn An ninh Quốc gia Ajit Doval, người cũng chịu trách nhiệm chính về chính sách với Pakistan. Ông Doval cũng có quan điểm không khoan nhượng với Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng ở “ngã ba” Bhutan-Ấn Độ-Trung Quốc tại Doklam hồi năm 2017.

Ngoài việc xử lý mối quan hệ với các nước láng giềng, Ấn Độ sẽ xử lý các mối quan hệ quan trọng khác, như với Mỹ, ra sao?

Những gì Modi đã làm trong quá khứ cho thấy có thể ông sẽ theo đuổi chính sách cũ. Điều này có thể đặt ra thách thức cho chính sách đối ngoại của Ấn Độ bởi ông sẽ vẫn đối mặt với nhà lãnh đạo hay thay đổi - Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Như một phần trong cuộc chiến thương mại leo thang, ông Trump đã chấm dứt ưu đãi thương mại cho Ấn Độ. Trump tiến hành hành động quyết liệt này ngay cả khi Ấn Độ tìm cách chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu mỏ Iran - một vấn đề nằm trong ưu tiên của chính quyền Trump.

Việc xử lý quan hệ của Ấn Độ với Iran trong khi vẫn duy trì quan hệ tốt với Mỹ sẽ là thách thức chính của ông Modi và đội ngũ của ông trong nhiệm kỳ hai.

Nếu như quyết định của ông Modi mời các nhà lãnh đạo của Bangladesh, Myanmar, Sri Lanka, Thái Lan, Nepal và Bhutan tới dự lễ nhậm chức là một chỉ dấu, thì chắc hẳn Ấn Độ sẽ một lần nữa tập trung vào chính sách “Hành động hướng Đông” nhằm vào Đông Nam Á, trong nỗ lực chống lại ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Chúng ta cũng có thể phỏng đoán rằng quan hệ đối tác chiến lược của Ấn Độ với Nhật Bản - vốn được củng cố vì lý do tương tự - sẽ được duy trì.

Liệu chính quyền Modi cuối cùng có từ bỏ thái độ “mập mờ” với nhóm Bộ Tứ (gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ) hay không vẫn còn phải chờ xem.

Các thách thức khó đoán mà ông Modi và đội ngũ chính sách đối ngoại của ông có thể đối mặt sắp tới sẽ là phép thử cho sự khéo léo và nhanh nhạy của bộ máy đối ngoại Ấn Độ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục