Phép thử cho chiến lược đối ngoại của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden

Chính quyền ông Biden đã hứa hẹn về một chiến lược chính sách đối ngoại gắn kết hơn với các đồng minh và đối tác của Mỹ.
Phép thử cho chiến lược đối ngoại của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Wilmington, Delaware, ngày 14/1/2021. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng eastasiaforum.com đưa tin vụ bạo loạn ở Đồi Capitol tại thủ đô Washington D.C. là một lời nhắc nhở “gai người” về những gì Joe Biden sẽ được thừa kế khi ông nhậm chức tổng thống Mỹ vào ngày 20/1.

Di sản mà ông Donald Trump để lại - ngoài nỗi hổ thẹn của cá nhân ông và của quốc gia, bắt nguồn từ việc ông Trump kích động đám đông thách thức thành trì của nền dân chủ Mỹ hôm 6/1 - là một đất nước không chỉ bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế, mà còn là một đất nước mà chính thể của họ đã bị xé toạc ra thành từng mảnh, để lộ những tổn thương sâu sắc không dễ gì hàn gắn.

Mặc dù chiến thắng của đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử thượng nghị viện bổ sung tại bang Georgia đã giúp đảng của ông Biden chiếm đa số “mong manh nhất” trong Quốc hội và đem lại triển vọng rằng một số dự luật của đảng Dân chủ có thể sẽ được thông qua, song sự thật là ông Biden - trong vai trò tổng thống - sẽ gánh trách nhiệm nặng nề là cố gắng hàn gắn một quốc gia đang bị tổn thương nghiêm trọng và làm cho nước Mỹ thực sự đoàn kết như ông từng tuyên bố và hứa hẹn khi vận động tranh cử.

[Định hình cách tiếp cận của ông Biden với Ấn Độ Dương-TBD]

Bản chất và quy mô của nhiệm vụ đối nội mà ông Biden phải gánh vác cũng nhắc nhở các chiến lược gia trên khắp thế giới về những hạn chế của chính sách mở rộng quyền lực của đế quốc Mỹ trong tương lai.

Tại Canberra, Ottawa và thậm chí là cả London hiện giờ có một ý nghĩ phổ biến và lan rộng hơn cả virus Corona, đó là nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden sẽ mở ra một kỷ nguyên mới, trong đó vị thế lãnh đạo cũng như sức mạnh của Mỹ sẽ khắc phục được những tổn hại mà người tiền nhiệm của ông đã gây ra cho hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế và thương mại toàn cầu, y tế, các liên minh an ninh của Mỹ ở châu Âu và châu Á, đặt Trung Quốc trở lại vị trí (ít ảnh hưởng) của họ và tự mình khắc phục nhiều lĩnh vực khác vốn cũng bị hủy hoại trong thế giới ngày nay (bao gồm cả biến đổi khí hậu).

Thành công của ông Biden trong nhiệm vụ đối nội sẽ là trọng tâm cho vị thế và ảnh hưởng của Mỹ ở ngoài nước.

Nếu Mỹ muốn góp phần ổn định địa chính trị, nước này cần đề ra một chiến lược chính sách đối ngoại mà trong đó thừa nhận một cách thẳng thắn rằng Mỹ chỉ có thể duy trì được vị thế siêu cường - vị thế này tuy đã suy giảm nhưng vẫn mạnh đáng kể - khi hợp tác với các cường quốc mới nổi ở châu Á, nhất là với Trung Quốc, và cả Ấn Độ, Indonesia, cũng như các nước châu Mỹ, châu Phi và châu Âu.

Trong lĩnh vực an ninh, khi Anh - một bên đối thoại không đáng tin cậy - đang bận giải quyết hậu quả của cuộc “ly hôn” khó khăn với châu Âu, và một Australia đang lạc lối ở châu Á, cái gọi là Nhóm Five Eyes là một sự sao nhãng khỏi "trò chơi địa" chính trị chính mà Mỹ phải tìm cách điều chỉnh.

Khuôn khổ liên minh châu Á của Washington vẫn là một đối trọng quan trọng đối với chính sách ngoại giao kinh tế cưỡng bức của Trung Quốc, nhưng không phải là phương tiện chính cho cuộc xung đột Trung-Mỹ ở khu vực.

Hãy xét đến việc ông Biden đang ưu tiên cho vấn đề biến đổi khí hậu.

Paul Heer, chuyên gia cấp cao về Đông Á của Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ, mới đây đã nhận xét: “Các quỹ đạo chiến lược tương xứng của Mỹ và Trung Quốc có lẽ đã loại khỏi lịch sử khái niệm 'chủ nghĩa bá quyền của Mỹ' ở Đông Á (chưa nói đến toàn cầu), mặc dù chính quyền Biden có thể chưa hoàn toàn công nhận, hoặc ít nhất là chưa sẵn sàng thừa nhận điều đó.”

Ít nhất, chính quyền ông Biden đã hứa hẹn về một chiến lược chính sách đối ngoại gắn kết hơn với các đồng minh và đối tác của Mỹ.

Ngoài Trung Quốc, sự nhất quán trong cách tiếp cận của Mỹ với Ấn Độ, và rộng hơn là Nam Á, sẽ là một yếu tố quan trọng cho sự ổn định ở châu Á.

Ấn Độ vẫn là một quốc gia trung tâm địa chính trị cực kỳ quan trọng, dù nước này đã bị suy yếu  đôi chút do tính thiếu nhất quán trong các chiến lược chính sách kinh tế dưới thời Thủ tướng Narendra Modi và tác động của việc xử lý yếu kém đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế suy thoái.

Trong một bài báo mới đây, Michael Kugelman, Phó Giám đốc Chương trình châu Á và là chuyên gia cao cấp về Nam Á tại Trung tâm Wilson, nhận định rằng mặc dù chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Biden sẽ rất khác so với chính sách của ông Trump, song “chính sách Nam Á của chính quyền ông Biden có thể sẽ là một ngoại lệ khi ông sẽ tiếp nối đáng kể chính sách Nam Á của ông Trump."

Theo chuyên gia này, “ông Biden đã cam kết khôi phục vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, coi trọng ngoại giao quốc tế, khôi phục các liên minh của Mỹ và thúc đẩy dân chủ cũng như nhân quyền ở các nước. Ông dự định đảo ngược những thay đổi lớn, mà ông cho là có hại, từng được chính quyền ông Trump thực hiện trong chính sách đối ngoại của Mỹ... nhằm thiết lập lại toàn bộ chính sách đối ngoại của Mỹ. Tuy nhiên, Nam Á sẽ là một trường hợp ngoại lệ mà theo đó ông Biden sẽ 'kế tục' chính sách của ông Trump.”

Đây không phải là những chính sách bị chi phối bởi phản ứng chống Trung Quốc một cách đơn lẻ, quyết đoán, thậm chí bị lên án, mà là dấu hiệu cho thấy sự trở lại hợp tác quốc tế cần thiết đối với nền kinh tế toàn cầu, sự chung sống toàn cầu cũng như an ninh toàn cầu và sự thừa nhận rằng không một cường quốc đơn lẻ nào - không phải Trung Quốc hay Ấn Độ, không phải châu Âu, thậm chí không phải Mỹ - sẽ có mọi thứ một cách trọn vẹn theo cách riêng của họ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục