Theo kết quả sơ bộ vòng hai cuộc bầu cử địa phương tại Pháp ngày 30/3, đảng trung hữu Liên minh vì Phong trào nhân dân (UMP) đã giành chiến thắng vang dội với 45,91% số phiếu ủng hộ và giành quyền lãnh đạo tại hàng trăm thành phố, trong đó có nhiều thành phố vốn có truyền thống lâu đời ủng hộ cánh tả.
Đảng Xã hội (PS) cầm quyền chỉ nhận được 40,57% số phiếu, một kết quả cho thấy cử tri Pháp thất vọng và mất lòng tin vào các chính sách không đem lại kết quả của Tổng thống Francois Hollande trong thời gian qua, đòi hỏi chính phủ phải nhanh chóng thay đổi đường lối nhằm khôi phục nền kinh tế và sự hài hòa xã hội.
Kết quả này cũng dẫn đến việc thay đổi nội các, một việc làm có thể được tiến hành ngay trong ngày 31/3.
Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) nhận được 6,84 % số phiếu, một con số kỷ lục kể từ ngày thành lập đảng năm 1972. Tham gia ứng cử tại 328 địa phương, đảng FN đã thắng cử tại 15 thành phố có quy mô trung bình.
Mặc dù thất bại tại nhiều thành phố, nhưng đảng Xã hội cũng được an ủi là chiến thắng tại hai trong số ba thành phố lớn nhất nước Pháp là Paris và Lyon.
Với kết quả chung cuộc, Chủ tịch UMP Jean-François Cope tuyên bố rằng "làn sóng xanh" thực sự đang trải rộng (màu xanh là biểu tượng của đảng UMP), và đảng UMP đã trở thành đảng mạnh nhất nước Pháp nắm quyền ở địa phương. Còn các thành viên đảng PS thì gọi ngày 30/3 là "Ngày Chủ Nhật đen tối."
Trên thực tế, ngay sau khi nhận "lá phiếu trừng phạt" của cử tri tại vòng một (ngày 23/3), đảng PS đã kêu gọi một cuộc tập hợp lực lượng trên toàn quốc nhằm giảm đến mức thấp nhất các tổn thất tại vòng hai.
Bản thân Tổng thống François Hollande, dù vô cùng bận rộn khi phải tham dự cuộc họp nhóm G7 về tình hình Ukraine và Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại Hà Lan, đồng thời đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Pháp, vẫn yêu cầu đội ngũ lãnh đạo của mình phải "lắng nghe cử tri."
Tuy nhiên, thống kê do Bộ Lao động công bố vào giữa tuần với số người thất nghiệp trong tháng Hai đã tăng lên mức kỷ lục 3,34 triệu người, tăng 0,9% so với tháng Một, là cú giáng mạnh vào uy tín của Tổng thống Hollande ngay trước cuộc đua mà ông hy vọng có thể lật ngược thế cờ.
Ngay lập tức, lãnh đạo nhiều đảng phái, nghiệp đoàn và giới chủ Pháp đã kêu gọi cử tri trên toàn quốc tiếp tục trừng phạt đảng PS thông qua lá phiếu tại cuộc bầu cử địa phương vòng hai.
Sau hai vòng bầu cử, Thủ tướng Jean-Marc Ayrault thừa nhận thất bại của Chính phủ Pháp và khẳng định rằng chính phủ đã nghe thấy "thông điệp rõ ràng" rằng cử tri hoàn toàn mất lòng tin vào nội các.
Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy 86% người dân Pháp ủng hộ thành lập một chính phủ mới, 79% người dân Pháp muốn có một thủ tướng mới.
Việc thay thế Thủ tướng Jean-Marc Ayrault được người dân thuộc tất cả các xu hướng chính trị khác nhau mong muốn, trong đó bao gồm cả 69% những người ủng hộ PS./.